Monday, December 28, 2009

Phương Nào Gặp Lại Nhau

0 comments

Phương Nào Gặp Lại Nhau

Phương ấy là đâu
Người mang hồn tôi đi biền biệt
Xa lạ mùa trăng
Nguyện cầu ngày tháng bình yên

Về với lặng im ta
Dư âm tiếng người trong tâm khảm
Vòng thời gian chậm lại
Chờ mong khoảnh khắc của đêm ngày

Mây vẫn còn trôi
Lặng hỏi phương nào cho mây nghỉ
Xin chớ rời nhau
Đêm trường còn quạnh quẻ cô miên

Còn bờ cỏ non êm
Tìm nhau nơi đỉnh mơ ngày cũ
Người đừng quên ước hẹn
Dẫu ngàn năm hay vô lượng tương lai

Như biển thì thầm
Xin đời đáp lời van của sóng
Người hãy về đây
Đan dấu chân nồng ấm bên nhau

Đêm ngắm nhìn sao
Đếm bao vòng quay nhân thế
Mình đã hẹn nhau
Nơi này hay một cõi rất xa


Cát Biển
26-Dec-2009

Saturday, December 19, 2009

Vũ Khúc Của Dòng Sông

0 comments

Vũ Khúc Của Dòng Sông

Một hôm hoa thắm đầy trong lụa
Vườn xưa có bước chân người qua
Tìm nhau xuôi mấy mùa thác lũ
Lá rụng mầm xanh vũ khúc mùa

Một hôm người biết yêu trần thế
Yêu từng sung sướng cả đau thương
Yêu từng vi tế từng thiên thể
Yêu cả bách hương lẫn đoạn trường

Một ngày sông chảy qua sa mạc
Bao gió cát đời khát ước mong
Mưa lũ bến bờ sương tuyết lạ
Quyện vào điệu nhạc của dòng sông

Một hôm lệ ấm hoen nhòa mắt
Thương bến bờ kia gió nhớ mây
Và như nhộng bướm vô lượng kiếp
Tô sắc hương đời vươn cánh bay

Một hôm chợt cửa lòng hé mở
Ngập ánh trăng bao thuở ngóng chờ
Cõi hồn như bỗng tan huyền diệu
Nhẹ cánh chim triền sông đỉnh mơ


Cát Biển
12-11-2009

Tuesday, December 15, 2009

Ảnh Động

0 comments
Ảnh Động


Hình ảnh xưa của Japan







Friday, November 27, 2009

Mùa Tạ Ơn

0 comments

Mùa Tạ Ơn

Cám ơn quê hai mùa mưa nắng
Cám ơn cha nâng bước dại khờ
Cám ơn mẹ qua ngàn cay đắng
Cám ơn chị em ấm tuổi thơ

Cám ơn nấm xôi và cháo trắng
Cám ơn bánh mì nuôi hơi thở
Cám ơn ớt tương và rau đắng
Cám ơn mồ xanh tuổi em thơ

Cám ơn bạn xưa thời áo trắng
Cám ơn trường dạy biết mộng mơ
Cám ơn dã tâm phe chiến thắng
Cám ơn ngày mất nước bơ vơ

Cám ơn xứ lạ hồn hoang vắng
Cám ơn bàn tay buổi cực cơ
Cám ơn tình người và ánh nắng
Cám ơn giúp đở phận nương nhờ

Cám ơn mùa Đông và tuyết trắng
Cám ơn Xuân hồng kết ước mơ
Cám ơn em tình yêu trong trắng
Cám ơn đời muôn sắc nguyên sơ


Cát Biển
11-24-2009

Monday, November 23, 2009

CHÚ ĐẠI BI

0 comments
THẦN CHÚ ĐẠI BI
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà ra ni.
Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da. Nam Mô A rị da. Bà lô kiết đế thước bát ra da. Bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tát đỏa bà da. Ma ha ca lô ni ca da. Án. Tát bàn ra phạt duệ. Số đát na đát toả. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da. Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì. Hê rị ma ha bàn đà sa mế. Tát bà a tha đậu du bằng. A thệ dựng. Tát bà tát đa. Na ma bà dà. Ma phạt đạt đậu. Đát điệt tha. Án. A bà lô hê. Lô ca đế. Ca la đế. Di hê rị. Ma ha bồ đề tát đỏa. Tát bà tát bà. Ma ra ma ra. Ma hê ma hê rị đà dựng. Câu lô câu lô kiết mông. Độ lô độ lô phạt xà da đế. Ma ha phạt xà da đế. Đà ra đà ra. Địa rị ni. Thất Phật ra da.Giá ra gía ra. Mạ. Mạ phạt ma ra. Mục đế lệ. Y hê di hê. Thất na thất na. A ra sâm Phật ra xá lợi. Phạt sa phạt sâm. Phật ra xá da. Hô lô hô lô ma ra. Hô lô hô lô hê rị. Ta ra ta ra. Tất rị tất rị. Tô rô tô rô. Bồ đề dạ Bồ đề dạ. Bồ đà dạ Bồ đà dạ. Di đế rị dạ. Na ra cẩn trì. Địa rị sắc ni na. Bà dạ ma na. Ta bà ha. Tất đà dạ. Ta bà ha. Ma ha tất đà dạ. Ta bà ha. Tất đà dủ nghệ. Thất bàn ra dạ. Ta bà ha. Na ra cẩn trì. Ta bà ha. Ma ra na ra. Ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da. Ta bà ha. Ta bà ma ha a tất đà dạ. Ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ. Ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ. Ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ. Ta bà ha. Ma bà lỵ thắng yết ra dạ. Ta bà ha.
Nam mô hắt ra đát na đá ra dạ da. Nam mô a rị da. Bà lô kiết đế. Thước bàn ra dạ. Ta bà ha.
Án. Tất điện đô. Mạn đa ra. Bạt đà dạ. Ta bà ha. (3 lần)



THỰC HÀNH THẦN CHÚ ĐẠI BI
Ý NGHĨA THẦN CHÚ ĐẠI BI
Thời Phật còn tại thế, ở núi Bồ đà lặc ca, tại đạo tràng Bảo trang ghiêm cùng hàng tam thừa bát bộ và chư thần vân tập đông đủ, ngài Quán thế âm bí mật phóng hào quang soi khắp mười phương quốc độ, Ngài chấp tay bạch rằng:
" Bạch Đức Thế Tôn, con có thần chú bí mật muốn nói cho mọi người biết để trì tụng cho thân tâm được an lạc, không tật bệnh, sống lâu nhiều phước lộc. Thần chú này có công năng dứt trừ các tội ác và cầu mong gì thì như ý muốn."
Đức Phật chấp nhận cho ngài Quán thế âm được trình bày thần chú của mình. Ngài bạch Phật rằng:
"Thời quá khứ trải qua vô lượng ức kiếp có đức Phật xuất thế, hiệu Thiện Quang vương Tịnh trú Như lai, vì con mà nói thần chú Đại bi. Thuở ấy, con đang ở quả vị sơ địa mà một lần nghe thần chú Đại bi, con liền đạt đến quả vị thứ tám. Con phát đại nguyện: "Nếu thần chú này làm cho chúng sanh đời sau có sự ích lợi to lớn thì phải khiến thân con có ngàn cánh tay và ngàn con mắt".
Nguyện như vậy rồi, quả thật thân con có ngàn cánh tay và ngàn con mắt, tha thứ vang động. Các đức Phật phóng hào quang chiếu nơi thân con. Hào quang cùng chiếu vô biên thế giới.
Con lại nguyện: "Nếu có người nào tụng thần chú này năm lần thì trừ được các tội nặng của nhiều đời kiếp trong vòng luân hồi sanh tử. Và người ấy khi thân mạng sắp mất được mười phương chư Phật đưa tay thọ ký cho họ sanh về cõi nước Tịnh độ".
Con thề rằng: "Nếu người tụng thần chú Đại bi mà bị đọa lạc vào ba đường dữ, không sanh về cõi nước của đức Phật, không được vô lượng tam muội biện tài và những sự cầu nguyện không như ý muốn thì không xứng đáng để gọi thần chú Đại bi".
Ngoại trừ những hạng người trì tụng thần chú này mà tâm không có thiện hảo, cứ độc ác, không tha thiết chí thành, chỉ có một chút nghi ngờ là không hiệu nghiệm.
Nếu có những người đã từng phạm mười trọng tội và gây ra năm thứ nghịch chướng to lớn, hủy báng Phật pháp, phá giới cấm, làm các điều dơ bẩn trải qua nhiều đời nhiều kiếp, dầu có gặp Phật xuất thế mà không chịu sám hối chừa bỏ các tội ác, một lần chí thành không mảy may nghi ngờ mà tụng thần chú Đại bi này là bao nhiêu tội lỗi đã tạo ra trong quá khứ đều được dứt trừ hết.
Nếu có ai gặp các sự rủi ro tai nạn khốn khổ mà tụng Đại bi thần chú đều được thoát khỏi một cách dễ dàng.
Nếu người tụng Đại bi thần chú để cầu nguyện, kết luận cầu nguyện gì đều được như ý.
Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: Thần chú bí mật của chư Phật, chỉ có Phật với Phật mới biết mà thôi, còn ngoài ra không ai có thể hiểu được dù cho có đạt đến địa vị thánh hiền đi nữa. Nhưng rất hiệu nghiệm, có công năng làm tiêu mất tội nghiệp và chóng đạt đến quả vị giải thoát, cho những ai thành tâm trì tụng.
Thần chú là một ấn chư Phật tương truyền không thể diễn giải, chỉ có tín tâm đọc tụng hoặc thầm niệm là có sự linh cảm hiệu nghiệm tột bực.
Bát nhã kinh dạy rằng: Thần chú là liều thuốc hay, là nước cam lồ vi diệu trị lành các thứ bệnh của mọi người. Nếu ai chuyên trì tụng sẽ thường được an lạc.
Trong Ký thủ kinh, đức Như Lai dạy có năm tạng: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, Bát nhã tạng, và Thần chú tạng. Mà hiệu quả nhất, chóng an lạc giải thoát nhất là tụng Thần chú.
Qua những lời Bồ tát Quán thế âm bạch Phật và các kinh dạy trên thì rõ ràng thần chú này quá diệu dụng, rất đáng được cho mọi người hành trì.
Kinh chú của Phật, tất cả mọi người đều có thể trì tụng, nhưng muốn được lợi lạc trong khi tụng kinh trì chú, người Phật tử hãy cố gắng giữ gìn thân, miệng và ý của mình được trong sạch, siêng năng ăn chay, giữ giới. Phật dạy: làm các việc bố thí, phóng sanh, dứt điều ác, làm việc thiện, thì mới được kết quả tốt đẹp.

Thursday, November 19, 2009

Một Hôm Em Là Nguyệt

1 comments
Một Hôm Em Là Nguyệt

Anh bước vào trần thế
Tầm tay tìm vọng nguyệt
Trôi suối đời mãi miết
Như quên cả lối về

Chợt thanh âm huyền hoặc
Anh bước chân tỉnh thức
Niềm tin từ đáy vực
Nghe vui từng khoảnh khắc

Mây bên em huyền diệu
Tỏa nhẹ ánh bình minh
Ngọn suối từ êm ái
Anh thấy lại chính mình

Một hôm em là nguyệt
Duyên nào ta bình yên
Chiếu vàng đêm giá tuyết
Hương dâng niềm hạnh nguyện


Cát Biển
11-18-2009

Lê Văn Khoa – Bản Sắc Việt Qua Âm Nhạc

0 comments
Lê Văn Khoa – Bản Sắc Việt Qua Âm Nhạc

Khi tôi viết bài này, bản nhạc Kãoma Lambada trên YouTube đã có 37,550,442 lượt xem. Đây là một con số rất lớn, cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của dòng nhạc La Tinh Nam Mỹ trong một thế giới mà hàng rào biên giới cách biệt của văn hoá gần như bị phá vỡ bởi Internet. Con người đang đến gần với nhau hơn. Thế giới bây giờ là một sinh hoạt Đa Nguyên với bản sắc văn hoá các dân tộc cọ xát, chia sẻ, ảnh hưởng lẫn nhau.

Văn hoá Nhật nổi tiếng với các đoàn trống Taiko mà chính các môn sinh Âu Mỹ cũng thích thú tìm sang Nhật tập luyện. Các vũ khúc Hàn Quốc hoà với tiếng trống tiếng sáo và đàn tranh tạo nên giá trị văn hoá đặc thù. Nếu nói âm nhạc Nam Mỹ La Tinh có bản chất đặc biệt đã sinh ra các điệu Rumba, Cha Cha Cha, Pasodobe, Tango v.v...thì tại sao không thể có bản sắc Việt trong âm nhạc? Hỏi tức là trả lời. Yes, phải có và nên có. Và một trong những nhạc sĩ mang tâm huyết gắn bó đem cái “hồn” Việt vào âm nhạc tây phương chính là Nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa không phải là người Việt Nam đầu tiên dấn thân làm việc này. Điểm đặc biệt của ông chính là ở chỗ mang tiếng nhạc thuần tuý chuyên chở bản sắc Việt, trình diễn bằng các nhạc cụ tây phương, vượt qua giới hạn của các ca từ.

Có người đề nghị dùng danh từ “ca khúc” cho những bản nhạc có lời, và “nhạc phẩm” cho các bản nhạc hoà tấu không lời. Nói một cách nôm na, ca từ có thể giúp mọi người truyền đạt và nhận hiểu được các cảm giác sâu đậm, có khi ứa lệ vì xúc động. Vì tiếng nói, tức ngôn ngữ, mang khá đầy đủ ước lệ, để nói và nghe nhận. Các hiệp định hay thoả ước quan trọng lại cần phải xác minh tường tận, các danh từ còn phải được định nghĩa đầy đủ thêm chi tiết để tránh hiểu lầm. Tiếng nhạc hiển nhiên không đạt được cảm thông sâu sắc như ngôn từ, ví dụ không ai “chuyện trò” hằng ngày bằng âm nhạc cả, vì thiếu các định lệ để hiểu rõ chính xác ý người kia muốn nói gì. Tuy nhiên trong cái thiếu sót lại có cái hay. Khi thưởng thức một bản nhạc giao hưởng, người ta không còn bị giới hạn về ngôn ngữ nữa. Khán giả của nhiều quốc gia khi thưởng thức giàn nhạc giao hưởng có thể nghe lắng tiếng nhạc như nhau, và tuỳ nghi diễn giải theo cảm xúc riêng của chính mình. Đây là lúc các nốt nhạc được thăng hoa thành ngôn ngữ “chung” để truyền đạt và tiếp thu cảm xúc giữa nhạc sĩ và người thưởng ngoạn. Trên vài bình diện nào đó, chúng ta có thể nói các “nhạc phẩm“ (không lời) mang được âm nhạc trở về với sứ mạng nguyên uỷ của nó, là phục vụ cho cái đẹp của chính nó, tức âm nhạc.

Qua công trình miệt mài của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, chúng ta được thổi một luồng gió mới đầy sinh khí. Chúng ta có niềm hi vọng đẹp đẽ vào tương lai, về tiềm lực của Di Sản Việt đóng góp vào văn hoá âm nhạc thế giới.

Nhìn lại nền âm nhạc thế giới hiện nay, có những tiến triển mà chỉ mấy năm trước người ta không thể tưởng tượng tới. Như nhạc Rap của người Da Đen, bây giờ trở nên thông dụng với con số phát hành khổng lồ trong nước Mỹ, rồi lan tràn gây ảnh hưởng qua nhiều quốc gia Âu, Á, Úc khắp nơi. Nhạc Rap lại còn sử dụng các âm thanh biến chế điện tử nên càng được phong phú hoá bằng cách phối khí.

Như vậy xu hướng âm nhạc tân tiến trên thế giới là sử dụng đa chất liệu. Trở về với bản sắc âm nhạc thuần tuý Việt Nam có nghĩa là chúng ta sẽ khai phá cơ hội thăng hoa nhạc Việt, chứ không phải là chỉ đơn thuần trở về với các lối mòn cũ xưa. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người đã giới thiệu âm nhạc dân gian Việt (đơn giản, ngũ cung) trong khung cảnh to rộng hoành tráng đầy màu sắc của dàn nhạc giao hưởng, hoặc bằng tiếng dương cầm thánh thót. Công trình của nhạc sĩ Lê Văn Khoa là đã làm sống dậy tâm hồn, hơi thở, tình cảm của dân tộc qua những âm ba mới mẻ, tinh vi, sâu sắc; có khả năng len lỏi vào các ngõ ngách sâu xa trong tâm thức người thưởng ngoạn.

Nếu nói âm nhạc là một công tác “kế thừa”, thì cũng nên hiểu việc “về nguồn”, với âm giai có sẵn của tiền nhân, cũng chẳng có gì hay ho nếu thiếu sáng tạo. Nhưng nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã biết tiếp thu và sáng tạo. Ông làm mới, ông đánh thức một kho tàng văn hoá tiềm ẩn của nhạc dân gian Việt. Khi nghe Symphony của Lê Văn Khoa do giàn giao hưởng trình tấu, chúng ta lạc vào một vũ khúc tinh diệu với các âm thanh mới lạ quây quyện một “hồn” nhạc rất Việt Nam. Như vậy, thế giới được thưởng thức bản sắc âm nhạc mới mà trước đây họ chưa có dịp nghe qua, và chúng ta được tìm thấy cái hay cái thâm thuý của bản sắc Việt qua phối khí hoàn toàn mới lạ. Từ những nét nhạc dân gian đơn sơ của Việt Nam ông đã phong phú hoá với các nhạc cụ tây phương. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của Lê Văn Khoa:

“Mục đích là tôi muốn dùng những nét nhạc hết sức đơn sơ của Việt Nam mà mình có thể biến hoá để người nước ngoài có thể dùng được. Bằng cách đó, mình đưa nhạc Việt đi xa hơn để hoà vào với dòng nhạc thế giới. Tại sao người ta chơi nhạc Đức, nhạc Nga, nhạc Anh, v.v… mà không chơi nhạc Việt Nam? thành ra tôi tâm nguyện là phải làm sao để đưa nhạc Việt mình cho thế giới biết tới nhạc Việt Nam. Đó cũng là cái ý niệm mà tôi đã có từ trước năm 1975. Trong một buổi nói chuyện với nhạc sư Nguyễn Hữu Ba về vấn đề phổ biến nhạc Việt, ông ta chủ trương nhạc Việt phải chơi bằng nhạc cụ Việt Nam. Tôi thì ngược lại, tôi nói là phải viết cho nhạc cụ Tây phương. Nghe mà người ta cảm thông được thì người ta mới tiếp nhận. Nhờ đó, nhạc sĩ trên thế giới mới chơi được, còn nếu mình chỉ chơi nhạc cổ truyền của mình mà thôi, thì người nào phải học nhạc cổ truyền mới chơi được. Như vậy là tự mình giới hạn mình.”

Sự nghiệp tác phẩm của Lê Văn Khoa to lớn và đáng kể, không chỉ giới hạn ở nhạc phẩm giao hưởng trình tấu. Ông từng viết nhiều ca khúc cho nhi đồng. Tập nhạc “Dân ca Việt Nam”, và “Hát Cho Ngày Mai” gồm 24 ca khúc, với cả nhạc lẫn lời. “Nhạc Việt Mến Yêu” được Lê Văn Khoa viết phần Piano để giới thiệu các nhạc khúc phổ thông cho trẻ nhỏ học đàn.

Một cái hay khác của dòng nhạc Lê Văn Khoa là đã tạo niềm cảm hứng và rung động của nhiều nhạc sĩ thế giới để họ tiếp nhận đầy cảm hứng, để rồi nỗ lực tập luyện và trình diễn các nhạc phẩm của ông. Như vậy các bản nhạc trình diễn là sự rung cảm thực sự từ nhạc sĩ đến nhạc sĩ, mà những người sáng tạo thường trân quý nhau bằng tiếng gọi “tri âm” hay “tri kỷ”. Thí dụ là trong bài Cây Trúc Xinh (The Beautiful Bamboo), điệu dân ca miền Bắc với thang bậc ngũ cung, khi được trình bày qua tiếng đàn Piano của nữ nhạc sĩ Irina Starodub người ta nghe được nét trân trọng và trìu mến. Tuy là người ngoại quốc diễn tấu nhạc dân ca Việt Nam bằng dương cầm, nhưng vẫn giữ được giai điệu của Việt Nam. Irina Starodub cho thấy một sự nhạy cảm hiếm có. Người nghe tưởng chừng như tiếng gió đang đùa bên khóm trúc của quê hương Cần Thơ, quê quán của nhạc sĩ Lê Văn Khoa…

Các tác phẩm của Lê Văn Khoa cũng đang được sử dụng để giảng dạy tại phân khoa Âm nhạc ở một số trường đại học tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Riêng trong lãnh vực nhạc Piano của Lê Văn Khoa, một giáo sư dương cầm của nhạc viện Alexandria tại Ukraine nói, “Tôi thích nhạc của Lê Văn Khoa vì nhạc của ông rất trong sáng, có nhiều chất liệu lý thú để cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp và thính giả khám phá. Nhạc sinh của tôi đã trình diễn nhiều nhạc phẩm của ông.”

Hình: Giáo Sư Lyudmila Chychuck, Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Quốc Gia ở Kiev, Ukraine

Dương cầm thủ quốc tế, Giáo Sư Lyudmila Chychuck, khi viếng Little Saigon đã diễn giảng và biểu diễn nét mới lạ trong dòng nhạc Lê Văn Khoa với khán giả. Cô hiện là giáo sư trường danh tiếng Âu Châu Lysenko Special School, chuyên dạy nhạc sinh trẻ có thiên tư về nhạc và tại Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Quốc Gia ở Kiev, Ukraine.

Đây là một phát biểu đầy vinh dự cho một nhạc sĩ Việt Nam. Vì bản thân cô Lyudmila Chichuck là một kỳ tài về âm nhạc. Cô học nhạc từ lúc lên 5. Tốt nghiệp National Tchaikowsky Conservatory of Music tại Kiev, thủ đô Ukraine. Những thành tích của cô gồm: 17 tuổi chiếm giải thi sáng tác nhạc thiếu niên toàn quốc, chiếm giải “Người Ðệm Ðàn Xuất Sắc” trong cuộc thi năm 2000 và 2001, Ukraine. Cô đoạt giải thưởng cuộc thi Piano Quốc Tế tại Bordeaux, Pháp, năm 2006. Tham gia đại hội âm nhạc quốc tế Jean Francais tại Paris năm 2008. Cô thu thanh nhạc phim cho các nhà viết nhạc Tây Ban Nha Lucas Vidal và Zakarias Martinez De La Riva. Vì yêu nhạc của Lê Văn Khoa, Lyudmila Chychuk đã thu thanh nhiều nhạc phẩm Piano của ông. Cô cũng đi trình diễn khắp xứ Ukraine và cả Vienna, Austria.

Phân khoa Thanh Nhạc của trường Golden West College tại Quận Cam, California, đã ấn hành và sử dụng để dạy những bài dân ca Việt Nam do Lê Văn khoa viết phần đệm Piano và những câu chú thích bằng tiếng Anh.Các nhạc sinh khi chuẩn bị thi tốt nghiệp thì phải hát một bài trong tập Dân ca này. Đây quả là điều hãnh diện giới thiệu các nhạc sĩ âm nhạc tương lai về nhạc Việt Nam. Các sinh viên của trường cũng từng tổ chức trình diễn các nhạc phẩm này.

Không riêng gì với nhạc, Lê Văn Khoa còn là một khuôn mặt lớn với các thành đạt về nhiếp ảnh, truyền thông, giáo dục và nhiều lãnh vực khác. Tôi có cơ duyên hợp tác với chung với Lê Văn Khoa một thời gian ngắn trong chương trình Truyền Hình Việt Nam vào khoảng 1988, để thấy ông là một người đa tài với đam mê và sáng tạo.

Xin cám ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa với tất cả lòng tri ân và ngưỡng mộ dành cho một người tài hoa, với nhiều công trình dấn thân cho nghệ thuật.

Cát Biển
Oct 2009

Monday, November 16, 2009

Có Phải Em Là

2 comments

Có Phải Em Là

Có phải vì em mà gió lộng
Hay vào trường mộng dấu chim bay
Có phải vì trăng hồ óng ánh
Hay huyền thoại ảnh mắt ta say

Có phải ngàn xưa duyên đã nhụy
Hay từ vô thỉ sóng vây nhau
Có phải chiều nay hoa mới nhú
Hay từ tinh tú sáng phương nào

Có phải vì thương mà nắng đọng
Hay vì bờ rộng gió bao la
Có phải vì thu gieo lá vỡ
Hay vì nhung nhớ bụi sương sa

Có phải vì rung nên biển động
Hay tầng cao vọng tiếng chuông ngân
Có phải là em là cổ tích
Xuyên vùng tịch mịch sáng tương lai


Cát Biển
07 Nov 2009

Hà Thượng Nhân - Đối Thoại Với Cuộc Đời Qua Thi Ca

0 comments


Hà Thượng Nhân - Đối Thoại Với Cuộc Đời Qua Thi Ca

Nhà thơ Hà Thượng Nhân ghé bên dòng suối thi văn để thưởng ngoạn vui chơi và trút trao nổi niềm tâm sự. Trong khi một số văn nghệ sĩ khác thí nghiệm hoặc lao mình vào một số danh từ thời thượng hoặc tìm cái lạ qua những cách ngắt câu bất ngờ hay những cú sốc trong ý tưởng, thơ của Hà Thượng Nhân không câu nệ vào hình thức. Ông đi tìm chiều sâu của tâm hồn. Thi phong của Hà Thượng Nhân có nét sâu kín thầm lắng không phô trương, mang tâm hồn bình dị chân phương.

Qua thơ của ông người đọc thấy dáng dấp của một tâm hồn hiền hòa, đôn hậu, nghiêm túc không đùa cợt với chữ nghỉa. Có nhiều lúc trong thơ ông, người ta bắt gặp một khóe tâm sự hoài mong, chút mặn nồng với nắng mưa kỷ niệm, và thấp thoáng đâu đây bóng dáng của Lảo Tử và Trang Tử đang phất quạt coi nhẹ hiện tại để hướng về một miền tâm linh nào đó xa hơn bên ngoài tinh cầu này. Nhà thơ Hà Thượng Nhân ngân nga và trải dài tiếng lòng của mình với cuộc đời qua thi văn. Nói một cách khác, người thơ Hà Thượng Nhân đang đối thoại với cuộc đời qua thi ca.

Bước vào tuổi hạc, thật khó mà tưởng tượng nỗi ông là tác giả của những dòng thơ man mác với cảm xúc mượt mà, trẻ trung, và tinh diệu. Nét chân phương thanh thoát lồng trong súc tích của ngôn từ. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng lòng qua thơ của ông:

Sắp sửa thu rồi người nhớ không?
Ta về nghe gió thổi đầy sông
Nghe dường mây trắng trong thơ cổ
Phơ phất bay như ngọn cỏ bồng

(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)

Ta về nghe gió thổi đầy sông. Bình dị quá, mà sao man mác vi vu hoang mạc. Lời thơ buông nhẹ như nốt dương cầm buông lơi. Tuy đồng hành với các nhà thơ tiền chiến khác như Hữu Loan, Văn Cao, Hà Thượng Nhân cho thấy ông không bị đóng khung trong các ước lệ về “nét đẹp” và tính lãng mạn của dòng thi ca tiền chiến. Nét đẹp trong ca khúc Thiên Thai đầy tính siêu thực của Văn Cao như:

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào nguyên...


Cho ta thấy một ý niệm đầy ước mộng vượt thoát khỏi hiện tại của thi ca tiền chiến. Tuy cũng vương mang một chút gì hững hờ với thực tại, lời thơ Hà Thượng Nhân khác mới hơn ở những diễn biến nội tâm với chút khắc khoải, hoài niệm; trực thoại hơn là bao bọc bằng lớp vẹt ni bóng loáng:

Cỏ đã vàng theo những bước chân
Môi son đã nhạt vẻ ân cần
Nhìn sâu đáy mắt hồ Than Thở
Tưởng vẫn ngày xưa, vẫn cố nhân
Người cố nhân ư ? Ta muốn hỏi
Ồ ly rượu ấy một mình say
Trong say ta thấy lung linh nắng
Tóc xõa bờ thon chặt nắm tay

(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)

Hình ảnh “cố nhân” ở đây, chính là chút hoài niệm. Một nổi niềm uẩn ức, không trọn vẹn. Có một hố thẵm, một mất mát, hư hao nào đó mà người thơ Hà Thượng Nhân đã không lấp đầy nó được. Giữa hiện tại và quá khứ vẫn còn một giòng sông vô hình chảy qua và chia cắt. Có lẻ người thơ đang muốn mang chúng ta về với quảng đời êm đẹp ngày xưa:

Ta gối tay nằm biết nhớ ai
Nhớ đồng lúa chín, nhớ sông dài ?
Phải rồi, ta nhớ, hình như nhớ
Một mảnh trăng non lá trúc cài

(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)

“Một mảnh trăng non lá trúc cài” nghe như tiếng lòng từ vô thức, mang chúng ta về với giai đoạn thanh bình ngắn ngủi sau khi đất nước chia đôi, trước khi nỗ bùng cuộc binh biến đưa đẩy đến những hoang tàn.
Sau cuộc đổi đời 1975, nhà thơ Hà Thượng Nhân thấm thía tê tái trong hồn với những thương tích cay đắng lê thê trong trại tù cải tạo trên đất Bắc. Từ xứ Mỹ xa cách quê hương ngàn dặm hằng nữa tinh cầu, ông nhớ về thành phố Sài Gòn yêu dấu của kỷ niệm xưa bằng nhừng lời xót xa:

Người ta lên mặt trăng
Mặt trăng gần quá nhỉ!
Anh muốn về Sài Gòn
Sài Gòn xa đến thế!
Sài Gòn xa hơn trăng
Trăng đêm đêm vẫn thấy
Lòng anh, em thấu chăng
Thấm trên từng trang giấy
(Hà Thượng Nhân, Nhìn Trăng)

Hình từ trái: Quốc Nam, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Hà Thượng Nhân (năm 1991)

Như nhịp cầu nối dài các thế hệ sáng tác qua các biến động lịch sử, thơ ông chứa đựng tâm huyết và u uẩn của giới sáng tác thi ca hải ngoại. Phải chăng vì vậy mà ông còn được gọi thêm là Hà Chưởng Môn. Phất phơ tuổi hạc mà ông vẫn ghé bến thơ với những dòng thi văn phong phú, thanh thoát, nhẹ nhàng không câu nệ. Bao nhiêu bài thơ của ông trải ra ngòi bút tự nhiên không gò bó, như nhịp đập con tim, như hơi thở, như cảm xúc nguyên sơ. Đây phải chăng là lý tưởng nho giáo thanh lịch, nhập mà như đã thoát. Ông bay cao bằng đôi cách trí tuệ của tâm hồn thi nhân qua lời thơ của ông:

Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốc
Thơ nâng người cao sát với thần linh


Hà Thượng Nhân sáng tác rất nhiều thơ với nhiều thể loại: lục bát, đường thi thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, song thất lục bát, cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ phá thể... Người viết bài này chỉ muốn phát họa những nét chính yếu đáng kể theo cảm xúc của riêng mình. Hi vọng trong cái thiếu sót của nhãn quan qua “lượng”, người viết nêu lên phần nào nét đặc thù về “phẩm” với dấu ấn của một thi sĩ miền Hà Thượng, mang tên Hà Thượng Nhân.

Cát Biển

Monday, October 19, 2009

Nhánh Sông Phiền Muộn 2 (Nhạc)

1 comments
Nhánh Sông Phiền Muộn 2

Thơ : Cát Biển
Nhạc: Nguyễn Thiện Doãn
Ca sĩ: Xuân Trường
Hòa âm: Nguyễn Quang

Mặt trời hồng ngủ ngang đồi núi
Bầy chim non ngưng hót trên cây
Người ghé ta rừng không đợi tuổi
Người đi xa gió kéo giăng mây

Đời muộn phiền giòng sông rẽ nhánh
Và sương mai thấm ướt tim khô
Vàng ngất ngây rừng im nhịp thở
Vùng dư âm khép tiếng cung đàn

Hãy cứ buông tay chiếc lá vàng
Hãy tiễn đưa đời phút ly tan
Hãy cố quên giây phút ngỡ ngàng
Chớ luyến lưu tình đã phai tàn

Hãy ngắt đóa sầu đau năm tháng
(Ai) nghe vụn vỡ ánh trăng vàng

Người bên kia bờ sông xa thẳm
Mãi nhớ người ta chờ tay ấm
Mơ tiếng cười ru hồn bừng say
Mãi nhớ người nhánh sầu chia sông


Wednesday, October 7, 2009

Khúc Hát Đêm Mưa

1 comments

Khúc Hát Đêm Mưa (nguyên tác: Romance)

Lời Việt: Đình Nguyên
Ca sĩ: Quỳnh Lan

Réo rắt tiếng hát trong đêm mưa
dặt dìu về theo muôn lối thánh thót rót rơi bên song
như tâm tư đang héo hon ngóng trông mãi
kiếp tha phương đã bao năm qua biệt ly
như chim di đến bao giờ được gặp lại

Héo hắt nỗi nhớ mong vô biên
đã nhiều lần con tim với nước mắt ấy
vẫn như mưa mang tâm tư theo lá rơi
cuối sông vắng gió thu lay cánh hoa xưa
nay về đâu ai ca chi khúc chia lìa để chạnh lòng

Khúc hát réo rắt đêm mưa rơi trong cuộc đời
về cùng lúc với trống vắng quá xa xôi, lên chơi vơi
nghe tiếc nuối lúc tiếng hát đã ngân lên bao yêu thương
cho tơ vương ra muôn phương khúc ca dệt chạnh lòng sầu

Hãy đến với những ai đang yêu trong cuộc đời
và cùng hát khúc hát ấy với con tim đang yêu thương
mang tiếng hát đến với những nỗi đau thương nơi xa xôi
trên đôi môi cho muôn nơi khúc ca dạt dào lời tình



Sunday, October 4, 2009

Việt Hải – Giấc Mơ Sáng Tạo

0 comments
Việt Hải – Giấc Mơ Sáng Tạo

Cát Biển

“Use no way as way, use no limitation as limitation”
Bruce Lee (Lý Tiểu Long)

Anh có rất nhiều năng lực. Anh sống cả cuộc đời đầu tư vào tình bạn. Anh có niềm đam mê văn chương. Ngày nay trên mạng ít người không biết tên anh qua sinh hoạt rầm rộ của Văn Đàn Đồng Tâm. Từ những ngày tôi mới biết anh, tôi đã thấy một mãnh lực thúc đẩy anh phải làm một điều gì đó với sáng tạo văn học. Khoảng năm 1999, chúng tôi chỉ mới biết nhau qua một Diễn Đàn trên mạng nhưng rất quý nhau. Tôi gặp anh lần đầu vào năm 2002 trong kỳ ra mắt tập thơ của nhà thơ Yên Sơn tại Nam Cali. Lúc đó tôi mới hiểu chân trái của người bạn mình rất yếu vì anh đã từng một lần bị stroke. Tôi quý anh vì cách giao thiệp vui vẻ nhiệt tình trên mạng, càng quý và trọng hơn với những phấn đấu bản thân mà hằng ngày anh phải vượt qua. Năm 2003 tôi được tin người bạn thân quý này lại bị stroke lần thứ hai. Sau đó anh không nói chuyện được nữa. Mãi hơn 5 năm sau anh mới phục hồi đầy đủ khả năng phát âm, nói chuyện rành mạch. Từ lần stroke thứ hai đó, một cánh tay không sử dụng được, bàn tay còn lại anh gõ computer chỉ bằng 1 ngón. Ấy vậy mà anh đã sáng tác không biết bao nhiêu bài thơ Anh và Việt ngữ, và vô số bài viết về đủ thể loại, từ truyện ngắn, tuỳ bút, biên khảo, gia chánh, sức khoẻ, đến các đề tài yểm trợ cho các vận động dân chủ trong nước. Người bạn đặc biệt này đã hợp tác với anh Tạ Xuân Thạc thành lập Văn Đàn Đồng Tâm. Sau 4 năm hoạt động không ngừng nghỉ, với số năng lượng tưởng chừng như được cung cấp bởi 1 lò nguyên tử năng, anh đã đẩy mạnh các hoạt động của Văn Đàn Đồng Tâm lan tràn ra mọi lãnh vực văn nghệ và văn chương và qua khắp biên giới lục địa. Anh chính là Trần Việt Hải, tác giả với bút hiệu Việt Hải LA. Anh là một người bạn chân tình mà tôi thương, quý mến và chân thành ngưỡng mộ.

Việt Hải phát biểu hoạt bát trong một 1 tiệc họp
mặt thân hữu tại Nam Cali (2002)

Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm, Mỹ Ngọc, Việt Hải, Bảo
Trân, Cát Biển (Huntington Beach, Nam Cali -2002)

Một trong những điểm son của Văn Đàn Đồng Tâm là bắt tay với Trung Tâm Asia để hoàn thành tác phẩm “Kỷ Niệm Về Nhạc Sĩ Anh Bằng” phát hành vào tháng 9, 2009 song song với DVD Asia 62 “Anh Bằng Một Đời Cho Âm Nhạc” cùng lúc với Tuyển Tập Đồng Tâm 9. Đây không phải là lần đầu Văn Đàn Đồng Tâm cùng lúc phát hành nhiều tác phẩm. Những tác phẩm như (Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ / Cội Tùng Trước Gió, Vinh Danh Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, Kỷ Niệm Về Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh - Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia, Kỷ niệm Về Nhạc Sĩ Anh Bằng...) đều được Văn Đàn Đồng Tâm đóng góp bài vở song song với các Tuyển Tập Đồng Tâm từ 1 đến 9. Các thành quả nêu trên đều do sự đóng góp chủ lực của Việt Hải.
Một người bạn mới quen và gặp anh lần đầu sẽ đi từ ngạc nhiên đến mến phục khi biết ra người đang giao tiếp vận động rộng rãi hằng ngày trên mạng, vẫn phải cố vượt qua những giới hạn của một thể xác từng 2 lần đối phó sống còn với chứng đột quỵ.
Tiềm lực đặc biệt của Việt Hải là ở bản chất hoạt bát, khả năng giao tế, sáng tạo, kết hợp và niềm tin. Nếu nói 2 lần bị đột quỵ là một đe doạ quan trọng đến mạng sống riêng anh, nó lại giúp cho anh có cơ hội đóng góp toàn thời gian cho đam mê thi văn nói riêng, và kết hợp văn hoá trên mạng nói chung. Trong vòng vỏn vẹn 4 năm thành lập, Văn Đàn Đồng Tâm đã tổ chức nhiều buổi ra mắt sách quan trọng từ Houston sang San Jose, Little Saigon, Úc Châu và lập chương trình các buổi RMS tại nhiều quốc gia khác. Văn Đàn Đồng Tâm đã quy tụ rất nhiều tài năng thi văn nhạc khắp nơi.

Việt Hải nối tiếp được thế hệ lớn đi trước và thế hệ trẻ đi sau. Anh như thổi luồng gió hồi sinh cho những tác giả từng rất nổi tiếng một thời, qua chương trình ấn hành một loạt các sách Tuyển Tập nhằm vinh danh những người đã đóng góp đáng kể vào Văn Hoá Việt (như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Xuân Vinh, Anh Bằng, Lê Dinh, Lê Văn Khoa, Lam Phương, Hà Thượng Nhân, Lê Hữu Mục, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Thanh Liêm v.v..). Theo tôi nghỉ Việt Hải đã làm được một điều rất tốt, là sự tận tình nâng đỡ, đề cao, tu bổ các tác giả trẻ tuổi để truyền đạt đam mê sáng tạo văn học. Anh liên tục giúp đỡ một cách không mệt mỏi các cây viết trẻ về những hướng đi quan trọng trong văn chương.

Peter Morita, Yên Sơn, Cát Biển, Quỳnh Hương, An
Phú Vang, Vũ Thư Nguyên, Việt Hải (2002)

Khởi đầu bài viết này tôi có ý định viết về “thơ của Việt Hải” vì theo tôi, thơ là thước đo khá tốt về chiều sâu của 1 người sáng tạo. Nhưng rồi tôi cảm thấy không ổn, vì lúc trước Việt Hải đã viết nhiều thơ, nay lại viết nhiều, không, phải nói rất nhiều - văn đủ thể loại. Nếu tôi cố gồm thâu cái nhìn tổng hợp về sáng tác của anh thì bài viết này phải rất dài.

Thay vì đưa tay đầu hàng vô điều kiện vì Việt Hải sáng tác quá nhiều, cuối cùng tôi chọn 1 góc cạnh thích hợp cho bài này. Đó là những gì tôi quý mến và ngưỡng mộ Việt Hải với cái nhìn của một người bạn từng có cơ hội sáng tác song hành với anh qua 10 năm. Như vậy, những ai muốn tìm những lời lẽ “phết vôi” khen lấy khen để về thi văn của Việt Hải có thể sẽ thất vọng. Tôi chỉ muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của tôi tìm được trong những mẫu chuyện thân tình về một người bạn mà tôi rất quý. Như vậy, hạnh phúc là điều chính người viết sẽ tìm thấy được trong bài viết này. Bài này sẽ rất ngắn hơn dự tính ban đầu, nhưng chuyên chở tình cảm bao la cho người bạn tôi thương quý và ngưỡng mộ.

Có lần tôi tự hỏi, chúng ta sẽ mất hoặc thiếu đi những hạnh phúc nào nếu Việt Hải chưa từng xuất hiện trên mạng?
Đây nhé, ít nhất chúng ta sẽ mất đi các đối đáp dí dỏm trên mạng (mà đôi khi chính tôi là nạn nhân). Chúng ta sẽ thiếu đi sợi giây liên lạc, nhất là khi hữu sự (hay hậu sự). Chúng ta sẽ mất đi một động cơ ngàn mã lực chạy bằng nuclear power nhằm thúc đẩy các sáng tác mới, trăm hoa đua nỡ, cho Di Sản Việt. Chúng ta sẽ mất đi 1 lòng tri ân các nhân vật văn hoá có công lao, của tập thể Người Việt Hải Ngoại. Các nhà đấu tranh chân chính trong nước sẽ mất đi 1 cánh tay dài hỗ trợ. Các nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ sẽ thiếu đi một nối kết vô hình “liên-lục-địa”. Các cây bút trẻ sẽ thiếu đi 1 tấm lòng hướng dẫn, nâng đỡ và 1 bàn tay nắm víu khi bước về với văn hoá cội nguồn, gọi là Cultural Identity, trong dòng sinh hoạt Đa Nguyên Nước Mỹ...

Ở Việt Hải tôi tìm thấy một giấc mơ. Giấc mơ lưu lại điều gì đó giữa vô thường. Hành trình của anh là chia sẻ và cám ơn. Chia sẻ là trao đổi, phấn đấu, góp một bàn tay, lưu lại di sản văn hoá Việt cho thế hệ kế tiếp. Cám ơn là tri ân từng ngày hiện hữu đã cho người Việt cơ hội vươn lên. Và lựa chọn Cứu Cánh của anh là những đóng góp về sáng tạo văn hoá nghệ thuật. Tôi, với tính cách một bạn thân, được ghế ngồi đặc biệt để xem sân khấu mỹ lệ đó. Từ những ngày góp sức dự Ra Mắt Sách Văn Đàn Đồng Tâm tại Bắc Cali năm 2007, rồi họp mặt TMC năm 2008, chúng tôi có dịp về tá túc chung với nhau mấy ngày để thấy thương bạn mỗi khi thay quần áo, đi đứng, chải đầu. Những cử động mà chúng ta làm hằng ngày trong vô thức như cài nút áo hay mang giầy v.v... đối với Việt Hải đều là những thủ tục cần chú tâm và cố gắng. Ấy vậy mà Việt Hải hăng say sáng tác, mải mê vận động và cổ động. Anh là người tạo nên giông bão. Anh đã từng đối diện sự chết. Và anh đã sống bằng trăm lần các người khác đã sống.

Anh xuất hiện trên mạng nhiều hơn là trên sân khấu của những buổi trình diễn họp mặt. Anh vui trong sự thành công của bằng hữu. Và cũng phải nghe nhiều lời than khi người khác phạm lỗi. Anh làm tôi liên tưởng lời bà Harriet Tubman. Trên con đường đấu tranh cho tự do một phụ nữ can đảm người New York, bà Harriet Tubman, người đã liều mạng sống nhằm cứu những nô lệ đi trốn từng chỉ dẫn: "Nếu bạn nghe chó sủa, cứ bước tới. Nếu bạn thấy đuốc đi lùng thắp sáng đầy rừng, cứ bước tới. Nếu có tiếng la đuổi theo bạn, cứ bước tới. Không bao giờ ngừng lại. Cứ bước tới. Nếu bạn muốn nếm mùi vị của Tự Do, bạn phải ngang nhiên bước tới"...

Việt Hải, Lệ Hoa và 2 cháu Hải Việt, Hải Nam

Sau khi bị stroke lần đầu, với đứa con lớn mới 3 tuổi và đứa kế 2 tuổi, Việt Hải viết bài thơ “Will You Love Me Still” như những lời thương yêu kỳ vọng, nhắn nhủ với người bạn đời Lệ Hoa. Dạo đó Lệ Hoa mỗi sáng từ 8AM đến 9AM trước khi làm luôn ghé qua bệnh viện thăm chồng han hỏi thăm nom. Khi tiệm nails đóng cửa, chị lại ghé bệnh viện thêm từ 8PM đến 10PM nán lại cho đến lúc Hospital đuổi khách về cho bệnh nhân vào giấc ngủ. Chúng ta thử nghe những trăn trở âu lo và lòng yêu thương gửi gấm của Việt Hải như thèm khát niềm bình an và yêu thương với người vợ hiền.

If someday life turns me into a corner,
When I have a little choice of life,
My eyes may dimmer low,
My steps may not be strong,
I need to lean on someone,
To whom I would reach out to ask,
Take me through valley of sadness,
I would claim of you a promise,
Of thanks for your heart of gold,
It is simply because of this, my dear,
And it is you will be my love forever…
(Việt Hải, “Will You Love Me Still”, February 27, 2003)

Câu chuyện tình của Việt Hải và Lệ Hoa cũng có nhiều chi tiết rất thơ mộng. Việt Hải từng lãng mạn đến độ bất ngờ bay qua Đài Bắc để tìm gặp người yêu trong chuyến du lịch của nàng. Khi đến nơi, đã trễ vì nàng và các chị em đã sang Thái Lan. Việt Hải tức tốc dò tìm chi tiết, bay tiếp sang Thái Lan, để rồi tìm được đến gõ cửa tận phòng khách sạn của người yêu, và được Lệ Hoa chào đón bằng những giọt nước mắt nhớ thương, cho bao phiền muộn và hiểu lầm qua đi. Tại Thái Lan với biển đẹp, cát trắng và những hàng dừa thơ mộng cặp tình nhân đã vui chơi trong hạnh phúc. Trên bờ biển, Việt Hải viết hàng chữ trên cát “ VH & LH 06/1984”. Sóng biển tràn vào xoá đi “06/1984”, Lệ Hoa mĩm cười viết lại “Forever” thay vào các con số vừa bị xoá, thành ra “VH & LH Forever”. Và nơi bờ biển thơ mộng đó khi Việt Hải ngỏ lời trăm năm, Lệ Hoa mỉm cười chỉ vào hàng chữ và sung sướng gật đầu.

Một bài thơ khác của Việt Hải viết cho Lệ Hoa có lời lẽ chân thành như sau:
Em về giấc ngủ cô đơn,
Ðể anh thao thức, chập chờn đêm thâu,
Da em là lụa Tô Châu,
Mắt em như thể trân châu ngọc ngà,
Môi hôn má thắm mặn mà,
Hoa đăng nét mặt thật thà ngây thơ,
Em ơi hãy ngủ như mơ,
Anh ru em ngủ đơn sơ miệt mài,
Say mê giấc mộng thiên thai,
Cho anh hạnh phúc trọn ngày bên em.
(Việt Hải, Giấc ngủ cô đơn)

Khi Việt Hải bị stroke lần thứ hai vào năm 2003, mỗi ngày tôi liên lạc với Lệ Hoa khi chị ghé thăm chồng mỗi sáng để trao đổi tình hình sức khoẻ của Việt Hải. Sau đó tôi thông báo diễn tiến bệnh tình của anh trên mạng với nhóm sáng tác thơ văn MĐV. Mỗi ngày qua các chi tiết bệnh tình tôi còn như được thố lộ thêm nổi âu lo của một người vợ với 2 con còn quá nhỏ và áp lực từ bốn bề đến nỗi chị không còn 1 tí thời giờ gì cho chính riêng mình nữa. Có một điều là tôi và chị từng nói chuyện điện thoại không biết bao nhiêu lần, mà mãi năm 2008 mới gặp nhau lần đầu, khi tá túc tại nhà anh Tạ Xuân Thạc tại Houston trong kỳ hội ngộ của nhóm TMC. Sau lần stroke thứ nhì của Việt Hải, nhóm thân hữu chúng tôi từ San Diego, Irvine, Little Saigon cùng kéo nhau mười mấy mạng trong 3 chiếc xe van nối đuôi lên bệnh viện vùng Thousand Oaks thăm Việt Hải. Lúc ấy anh đã hồi tỉnh nhưng chưa phát âm được, tất cả liên lạc chỉ là ra dấu và gật đầu. Tôi nghỉ tấm lòng của bè bạn đã giúp anh thêm năng lực phấn đấu, vì bạn bè còn đó, vẫn thương quý mong anh mau hồi phục.

Sau này khi Việt Hải cùng anh Tạ Xuân Thạc và nhà văn Doãn Quốc Sỹ thành lập Văn Đàn Đồng Tâm, chính anh Tạ Xuân Thạc là một thầy thuốc hiệu quả nhất giúp Việt Hải phục hồi tiếng nói. Anh Thạc thường xuyên liên lạc Việt Hải bằng điện thoại hằng ngày thăm hỏi, bàn việc. Nhờ đó Việt Hải sử dụng tiếng nói liên tục. Lúc đầu Việt Hải phát âm khó khăn, nhưng với cố gắng phi thường dài theo năm tháng phấn đấu, anh đã phục hồi được khả năng phát âm gần như trọn vẹn. Dạo trước tôi không hiểu hết những lời Việt Hải nói qua điện thoại, giờ đây tôi có thể nghe và hiểu, không còn vấn đề nữa.

Theo dòng thời gian, giờ đây gia đình Việt Hải là một tổ ấm đầy hạnh phúc. Hai cháu trai Hải Việt và Hải Nam giờ đã thành hai thiếu niên văn võ song toàn, vừa học giỏi về văn hoá vừa trau dồi võ nghệ, đã là Huấn Luyện Viên Hoàng Đai của môn võ thuật Thiếu lâm Kienando và thụ huấn thêm kỹ thuật của môn phái Vovinam. Ngoài ra hai cháu còn chơi trong ban nhạc.

Hải Nam, Việt Hải, Lệ Hoa, Hải Việt

Hải Nam trong ngọn phi lôi cước ngoạn mục

Hải Việt trong ngọn phi cước bay bổng nunchaku

Hải Việt, Hải Nam trong ban nhạc

Trong tình bạn tôi quý Việt Hải vì một điều nữa, thân phụ của anh là một niên trưởng khả kính trong giới SQ Hải Quân. Việt Hải viết về thân phụ mình với lòng yêu thương cha vô bờ bến, và hình ảnh người cha là ánh hải đăng giúp anh noi gương phấn đấu trong cuộc đời. Hãy lắng nghe Việt Hải kể về Cha mình:
“Cha tôi có sức
khoẻ dẻo dai, bền bỉ, tôi nhớ ông tập luyện võ thiếu lâm, thái cực quyền, hít thở khí công và tập chạy bộ. Hồi tôi còn nhỏ có những sáng sớm chủ nhật ông và tôi chạy bộ tàng tàng từ góc đường Cường Để và Lê Thánh Tôn gần bến Bạch Đằng ngược về hướng đường Thống Nhất để vào Sân Hoa Lư, rồi chạy nhiều vòng trong đó, tôi chạy lẽo đẽo theo sau mà đôi chân gần như rã rời, lứa tuổi lên 9 hay 10 của thời còn non nớt. Cha tôi vẫn tiếp tục chạy và hít thở điều hoà vòng cái sân vận động này, tôi mệt lả cứ tà tà tiếp tục cuốc bộ quanh sân sau khi cảm thấy mình hết xí quách. Đoạn ông chạy băng qua mặt tôi, bằng cử chỉ trìu mến ông xoa nhẹ lên đầu tôi và nói vọng theo: "Hãy ráng lên con!". Vâng, câu nói tuy tầm thường như vậy mang nhiều ý nghĩa đặc biệt với tôi sau này khi trưởng thành. Khi đi học võ ra giao đấu bị trúng đòn của đối phương, hay giao đấu tennis nếu có thua phải về luyện lại, hãy ráng lên và ráng lên,... Rồi oan khiên khi hai mùa thu năm ấy tôi bị hai con quái vật "Celebral Hemorrhage Stroke", tức chứng tai biến vỡ mạch máu não đốn tôi ngã quỵ như một võ sĩ bị hạ đo ván, tôi nhìn 2 cháu con trai tôi, tôi nhớ đến lời khuyên năm xưa của cha tôi "Hãy ráng lên con!" và tôi cố gượng đứng dậy cho các con tôi hiểu rằng cha chúng sẽ luôn cố gắng và không bỏ cuộc.

Việt Hải (đứng sau cha, áo trắng) với Ba Mẹ cùng các anh em

Những kỷ niệm thời niên thiếu với cha tôi vẫn đong đầy trong trí nhớ. Khi cái thuở mới đi học ông là người gò tay cho tôi tập viết, ông hướng dẫn tôi những bài toán đố khó khăn với tâm trí thơ ấu tôi tại bậc tiểu học. Cha tôi là người đầu tiên dạy tôi viết và phát âm từng câu Anh ngữ và Pháp ngữ. Khi đau yếu, cha tôi phát thuốc cho uống, những viên thuốc nhức đầu hay cảm cúm đầy ân tình của thời xa xưa đó đã tạo cho tôi cái tiền lệ để sau này tôi phát thuốc lại cho các con tôi. Ngày lễ Cha kể về Cha, nhớ về Cha, tri ân Cha với những ân tình phụ tử vốn nồng nàn, vốn thiêng liêng, hay để nhớ về dĩ vãng cũ vẫn sống mãi và thật đẹp trong tôi.
Năm 1963 khi ông sang học tại Mỹ, ông gửi về cho gia đình một bức hình chụp ông cùng 3 người bạn đồng
khoá của (1) hải quân hoàng gia Úc, (1) Đan Mạch và (1) Hy Lạp tại cây cầu sơn đỏ Kim Môn (Golden Gate). Bốn người thanh niên trong bộ lễ phục hải quân đại diện cho QG mình và họ khoác thêm áo navy overcoat màu navy blue đang tươi cười rạng rõ trước ánh ban mai của mùa Xuân chan hoà tại vịnh San Francisco, mặt sau ông ghi vài dòng chữ mà nét chữ ông viết quen thuộc và trân quý trong ánh mắt tôi: "Hải con thương,Ba hy vọng sau này con có dịp sang đây để nhìn thấy cái kỳ quan Golden Gate Bridge này của thế giới. Nó thật hùng vĩ con à. Ba TPD".
Hôm sau tôi mang vào lớp học khoe ngay với các bạn học, mà cả bọn nhóc tì của tôi xuýt xoa. Có đứa bảo: "Ba mày le thế!". Tôi cười tít mắt vì "tuổi trẻ thích lấy le đấy". Thật ra chúng tôi chả đứa nào dám ước mơ xa vời như chuyện thần tiên đặt chân đến một xứ giàu có mà lại xa xôi, thì cái ước mơ đặt đôi chân nhỏ bé lên
vỉa hè gần chân cầu Kim Môn của San Francisco vốn là chuyện thần thông, hoang đường. Nếu có mơ thì bọn nhóc chúng tôi chỉ dám mơ ước được có một lần bước lên phi cơ để xem bên trong nó như thế nào và có được cái cảm giác mình ra sao khi nó bay trên mây thôi thì chúng tôi hả dạ lắm rồi.
Sau này ông được thả ra sau khi bị tù đầy tại miền Việt Bắc 13 năm, ông sang Mỹ sau gần 30 năm mà ông đã đến xứ này. Mùa hè 1993, tôi chở ông lên San José thăm các bạn ông, xong tôi đưa ông ghé thăm bên nhà vợ tôi tại Sacramento, trên đường về lại trùng hợp ngay Father's Day, tôi đánh đường vòng qua San Francisco trước khi về lại Los Angeles. Tôi cho xe đừng tại công viên khu rest area ngay chân cầu Kim Môn. Hai vợ chồng tôi trong bộ đồ sweat-suit và khoác áo chiếc áo tennis jacket. San Francisco vào 3 giờ chiều có gió lồng lộng lùa trên mặt biển thổi lạnh cóng chân tay dù là mùa hè nắng vẫn còn nhiều, nắng chiều chiếu xuống dòng nước biển xanh. Ánh mặt trời chiếu sáng từ hướng Oakland cho thấy cả vùng trời bao la quanh vịnh thật đẹp mắt. Dáng của Ba tôi lúc này trông quá già, ông ốm yếu, hom hem trong nỗi ngậm ngùi của tôi, ông khoác chiếc áo pardessus đen phủ kín người để chống lạnh, tôi ôm cha tôi khi máy ảnh liên tục bấm hình do vợ tôi làm phó nhòm. Tôi kể lại cho cha tôi nghe bức hình năm xưa mà ông gửi với lời ước mơ nếu tôi có dịp đến nơi đây để chiêm ngưỡng một kỳ quan thế giới, và vì chuyến đi đường vòng xa xôi này chỉ đưa cha tôi về lại dĩ vãng của ngày xưa mà ông đã quên lãng. Chuyến đi lại may mắn diễn ra đúng ngày lễ dành cho Cha hay ngày Lễ Cha, tôi bắt tay ông, xiết nhẹ trong nỗi hạnh phúc và hôn lên bờ vai gầy guộc của ông thay cho lời chúc mừng: Happy Father's Day.” (Việt Hải, “Ân Tình Người Cha”)

Sau 14 năm tích cực tham dự diễn thuyết trong hội Toastmasters International tại Texas và California, tôi có thói quen thâu thập và cất giữ các bài diễn văn mà tôi yêu thích. Có một bài diễn văn mà tôi rất quý của Steve Jobs, người sáng lập công ty Apple Computer. Bài diễn văn có tựa đề “Bạn Phải Tìm Thấy Điều Bạn Yêu Thích”, là lời nhắn nhủ của diễn giả danh dự Steve Jobs trong buổi lễ Tốt Nghiệp của trường Đại Học danh tiếng Stanford vào tháng 5, 2005. Đoạn cuối bài diễn văn Steve Jobs kể lại câu chuyện, kinh nghiệm, và cái nhìn của ông về sự chết như sau:

“Khi tôi mới 17 tuổi, tôi có đọc được một danh ngôn đại loại là: “Nếu bạn sống mỗi ngày như là ngày cuối đời bạn, dần dà đời bạn sẽ khá hơn lên.” Câu danh ngôn này để lại một dấu ấn trong tôi, rồi suốt 33 năm qua mỗi sáng tôi đều nhìn vào gương và tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cuộc đời tôi, tôi còn ham muốn làm những gì tôi sắp làm hôm nay không?” Mỗi khi tôi trả lời “Không” liên tiếp chừng tuần lễ, tôi tự biết tôi cần phải thay đổi một cái gì đó.
Luôn tự nhủ là tôi sẽ phải chết sớm thực là một tuyệt chiêu, nó giúp tôi nhiều phen khi phải làm những quyết định quan trọng trong đời. Bởi chưng mọi thứ quanh ta – từ những trông mong ngoại cảnh vào khả năng của ta, những tự mãn cùng nỗi sợ hãi bị làm mất thể diện hay sợ thất bại – những điều như trên chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi ta chạm mặt tử thần. Lúc đó chỉ còn những gì tối hệ trọng mới đáng kể. Luôn ghi nhớ rằng tôi sắp chết là cách tốt nhất tôi dùng để tự đối phó mỗi khi tôi nghĩ tôi sắp thua một ván bài nào đó. Khi bạn bị dồn vào chân tường và bị lột trần như nhộng, còn gì mất nữa đâu và bạn an nhiên nghe theo tiếng lòng mình.
Khoảng một năm về trước, tôi bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Tôi được chụp quang ảnh ngay từ khoảng bẩy giờ rưỡi sáng hôm đó, kết quả cho thấy rõ ràng tôi bị bướu ở
tuỵ tạng (pancreas.) Lúc ấy tôi cũng chả biết tuỵ tạng là cái gì. Các bác sĩ bảo tôi rằng loại ung thư này thuộc loại vô phương cứu chữa, và rằng tôi chỉ còn sống được cao lắm là từ ba tới sáu tháng mà thôi. Bác sĩ khuyên tôi nên về nhà “giải quyết chuyện gia đình cho có trước sau,” hàm ý bảo tôi về nhà chuẩn bị chết đi là vừa. Đối với tôi, điều này có nghĩa là tôi phải gom cho gọn lại những gì tôi sẽ dạy bảo cho lũ con tôi trong mười năm để chỉ dạy dỗ trong vòng vài ba tháng. Điều này cũng có nghĩa là tôi sẽ phải bạch hoá mọi chuyện trong nhà để người thân của tôi còn biết đường lo liệu. Điều này có nghĩa là tới giờ đi chào vĩnh biệt mọi người.
Tôi đã sống với cái chẩn đoán đó suốt ngày. Tới tối,tôi được làm một phẫu thuật nhỏ, người ta thọc một ống nội soi qua cổ họng, xuống dạ dày tới ruột, rồi cho một kim chích vào
tuỵ tạng để lấy vài tế bào của cục bướu. Tôi được chích thuốc gây mê, nhưng vợ tôi cũng có mặt ở phòng mổ đã kể lại rằng khi các bác sĩ khám nghiệm các tế bào này qua kính hiển vi, họ đã reo lên vì cục bướu của tôi thuộc loại bướu tuỵ rất hiếm và có thể khỏi bịnh được sau khi đã lấy nó ra. Tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật ấy và khỏi bịnh rồi.
Có lẽ đây là lần tôi cận kề cái chết nhất trong đời, tôi mong sẽ chẳng phải trải qua một thử thách nào tương tự trong ba bốn mươi năm tới. Đã trải qua kinh nghiệm sinh tử này, tôi muốn nhắn nhủ các bạn đôi điều:
Chẳng ai muốn chết cả. Ngay cả những ai muốn lên Thiên Đàng cũng không muốn phải chết trước rồi mới tới nơi ấy. Tuy vậy, sự chết là điều mà ai cũng sẽ phải trải qua. Chưa ai vượt thoát khỏi sự chết. Và điều này thì cũng tự nhiên thôi, bởi chưng Sự chết là sáng chế tuyệt vời, độc nhất vô nhị của Sự sống. Nó là tác nhân làm thay đổi Sự Sinh Tồn. Nó dẹp bỏ đi những gì cũ kỹ để dọn chỗ cho cái mới tiếp vào. Ngày hôm nay các bạn chính là cái mới đấy, nhưng một ngày nào đó trong tương lai gần, các bạn sẽ lão
hoá và sẽ bị sa thải khỏi địa cầu. Xin lỗi các bạn vì tôi có vẻ như cường điệu hoá quá đáng, nhưng đây là sự thật.
Vì sự hiện hữu của các bạn chỉ có hạn, bạn chẳng nên sống cho người khác. Đừng bị bó buộc bởi những giáo điều, vì chúng sẽ làm bạn sống với những khuôn khổ do người khác đặt ra. Đừng để những ý kiến của người khác làm nhiễu loạn cái tâm của bạn. Trên hết, hãy can đảm đi theo tiếng gọi của trực giác và khởi tự tâm mình. Những tiếng lòng này thật vi diệu vì chúng biết rõ bạn sẽ ra sao ngày sau. Mọi thứ khác trên đời chỉ còn là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, tôi thường mua một quyển sách rất đặc sắc tên là “ Thư Mục Toàn Cầu“, sách này là một trong những sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi...Steward và Ban Biên Tập của ông xuất bản vài bộ “Thư Mục Toàn Cầu,” rồi khi ấn phẩm đã có vẻ thoái trào, họ cho in ấn bản cuối. Lúc ấy là vào khoảng giữa thập niên bảy mươi, khi tôi còn trẻ măng như các bạn bây giờ. Ở bìa sau ấn bản cuối này là một tấm hình chụp một con đường làng lúc sớm mai, cái kiểu đường làng làm bạn muốn nhảy dù đi chơi xa nếu bạn thuộc típ người mạo hiểm. Dưới hình là dòng chữ: “Stay Hungry. Stay Foolish.”(“Giữ lòng thèm khát, và một thái độ liều dại”)
Đó là lời chúc giã từ của ban biên tập trước khi đình bản bản sách vĩnh viễn. Tôi luôn tự chúc mình như vậy. Giờ đây, khi các bạn sắp tốt nghiệp để bắt đầu một đời sống mới, tôi cũng chúc bạn như vậy. Stay Hungry. Stay Foolish.”

Tôi thấy đây chính là điểm chung giữa Steve Jobs và Việt Hải. Cả hai luôn luôn “Stay Hungry, Stay Foolish”. Cả hai đang làm rất nhiều việc mà con người bình thường không làm được. Họ đạt kết quả bất chấp những khó khăn thể xác.

Một điều tôi học hỏi qua năm tháng, là người nào có thể làm mỗi giây phút tràn ngập một nội dung sâu sắc, thì người đó sẽ kéo dài vô tận cuộc đời mình. Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn nhân tính trưởng thành từ bão táp. Đi qua cuộc đời chúng ta không khỏi ghi nhận và cám ơn vì có những người bạn đã quan tâm và yêu quý tha nhân. Vì họ nâng đỡ và khuyến khích bạn bè. Vì họ truyền năng lực cho người khác, hơn chính bản thân họ. Vì họ làm nên sự khác biệt, cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn. Đối với những người bạn này chúng ta có hạnh phúc của kỷ niệm quá khứ, an lạc hiện tại, và ước mộng đẹp của tương lai.

Có những người đi qua thời gian mà không để lại dấu vết gì cả. Riêng Việt Hải để lại nhiều dấu chân trên mặt đất và dấu ấn trong tim bạn bè. Anh luôn chiếm ngự trong lòng tôi nhiều trân quý của tình bạn và lòng ngưỡng mộ chân thành. Mong rằng Việt Hải luôn có đủ hạnh phúc để vui vẻ; đủ thử thách để mạnh mẽ hơn; đủ niềm vui nỗi buồn để trưởng thành hơn; và đủ sức sống, để sáng tạo. Mong anh sẽ đẩy mạnh thật nhiều cho khu vườn Di Sản Văn
Hoá Việt của chúng ta nở thật nhiều hoa ngát thơm muôn sắc.

Cát Biển (Oct 2009)



Cát Biển - Hiện cư ngụ tại Philadelphia, PA. Cựu Sĩ Quan Hải Quân Khóa 20 Nha Trang. Hoạt động thi, văn, nhạc trong: Ban Biên Tập Hồn Quê, Trinh Nữ, Chuồng Gà, Cây Me, nhóm Việt Bút (Viết Về Nước Mỹ), Văn Đàn Đồng Tâm, Em Ca Hát, Nhạc Việt, The Music Club (TMC). Nhiều năm tích cực đi diễn thuyết trong hội Toastmasters International tại Texas và California; Giải Nhất (Region 3 Championship of Public Speaking) 1986. Xướng Ngôn Viên Truyền Hình Việt Nam do nhóm Người Việt chủ trương (cùng với Trầm Tử Thiêng), Nam Cali 1986-1989. Tác phẩm đã xuất bản: Thi tập Trùng Khơi Sóng Vỗ (2002), Tình Thơ Áo Trắng (2003).

*

Thursday, September 24, 2009

Nghe Gió Trùng Khơi

0 comments

Nghe Gió Trùng Khơi

Còn mây hoang dại giữa đời
Còn ta góp lại tơ trời vấn vương
Và em ngàn dặm miên trường
Bờ vai kỷ niệm mùi hương dõi tìm

Còn đây đỉnh núi vực tim
Còn sương mai đọng ưu phiền luyến lưu
Trả cho nhau những phù du
Trả xuân mộng mị trả thu nồng nàn

Rừng xưa lá chạm xốn xang
Nhớ nhung cũng đã đượm vàng trăng mơ
Đêm nghe thao thức mong chờ
Tiếng chân nhẹ bước bên bờ dấu yêu

Còn đây huyền thoại thiên kiều
Giòng sông gợn sóng kể điều thiết tha
Còn mưa rơi những ngọc ngà
Nghe như gió giấc nam kha ngỡ ngàng

Cát Biển
9-23-2009

Sunday, September 20, 2009

Chuyện Hôm Qua

0 comments

Chuyện Hôm Qua

Quê hương oằn thân dừa
Phố đẫm những cơn mưa
Những ngày trong nắng dại
Người đi còn nhớ mãi

Kể làm chi chuyện xưa
Những cố nhân một thuở
Khơi lại suối nhớ nhung
Chảy qua vùng trắc trở

Người xa cách đôi bờ
Miên man miền tâm thức
Gọi lại tuổi ấu thơ
Qua sương mù ảo thực

Chuyện hôm qua giọt lệ
Kể bên người đã khuất
Cho mãnh đất hồi sinh
Và tình người đã mất

Mường Giang hồn lữ thứ
Mơ niềm tin ngọn lữa
Rượu ân tình say sưa
Uống cho đầy quá khứ


Cát Biển
9-13-2009

Một Góc Nhìn Về Thơ

0 comments


Tâm Tình ThơMột Góc Nhìn Về Thơ

Thơ là tiếng vọng từ ấp ủ của con tim. Thơ là ái ngữ tỏ bày cảm xúc. Thi khách mượn nhạc tính của thơ để chuyên chở các hình ảnh vần điệu du dương súc tích và để khai mở các ý tưởng trừu tượng thoát vượt ra ngoài các giới hạn phạm trù các câu nói thông thưởng đến người thưởng ngoạn. Ý thơ có thể trải dài đến vô tận dầu ngôn từ là hữu hạn. Thi hào Trương Kế đời Đường buông những lời thơ thánh thót như một bức tranh thủy mạc ru hồn người đi vào cảm giác tuyệt diệu mà đã làm tác giả rung động với cảnh huống của một tha nhân xa nhà đêm sương lạnh trăng tàn nằm trên chiếc thuyền nghe vang vọng tiếng chuông chùa ngân lảnh lót giữa đêm khuya tỉnh mịch:


Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

(Trương Kế - Phong Kiều Dạ Bạc)

Được Tản Đà dịch theo thể lục bát:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


Lời thơ được loài người dệt gấm thêu hoa để thương đời và yêu quý sự sống. Cung bậc của thơ còn được dùng để giải bày thân phận và tìm chiều hướng đi lên.


Bài thơ Đường tuyệt tác "Hoàng Hạc Lâu" của thi hào Thôi Hiệu trên đây có hai câu cuối :

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

mà đã được thi sĩ Vũ Hoàng Chương, vào cuối quãng đường đời của ông, gửi gấm niềm tâm sự bi thương của người dân Việt đi tìm lại bóng dáng chính quê hương yêu dấu của mình sau cuộc đổi đời trầm kha 1975, bằng hai câu ai oán:

Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Chớ giục cơn sầu nữa sóng ơi



Như vậy phải chăng sứ mệnh của thơ là vị nhân sinh. Dầu ai có từ chối vai trò cao cả ấy chăng nữa, thơ vẫn được dùng trong một cung cách khiêm nhường nhất là để gieo mối cảm thông giữa người và người, để chia sẻ cùng khách tri âm những niềm vui hay đau khổ, hoan ca hay thống hận, say đắm hay tuyệt vọng. Có thể nói mỗi người VN chúng ta đều có các rung cảm cố hữu của một nhà thơ. Khác nhau chăng, có người bộc lộ nên các âm điệu du dương của vần thơ, có người lại điêu luyện với cách dùng các ngôn từ bằng văn xuôi để trải phơi ý tưởng mà không phải vướng bận các quy luật của thơ:

“Hằng năm vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức bâng khuâng nhớ buổi tựu trường...” (Tôi Đi Học, Thanh Tịnh).

Nhưng tựu chung phải nói nét đặc thù của mọi người Việt là có một tâm hồn thơ, từ những bài vè đồng quê, các câu ca dao ý nhị, các bài ru con mà mình đã hấp thụ từ thuở nằm nôi bên dòng suối từ sữa mẹ thân yêu, cho đến các vần thơ sâu sắc và thâm thúy vượt thoát ra khỏi các ý tưởng bình dân, có nét chấm phá của một nhân sinh quan và vũ trụ quan mầu nhiệm uyên thâm hơn. Bài thơ Vườn Xưa của Tế Hanh mang những tình cảm quê hương chân tình chan chứa với những lời lẽ hình ảnh tuy bình dị không cầu kỳ mà đi sâu vào lòng người:

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trời mặt trăng cách trở
Như sao Hôm sao Mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhản
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thì gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
(Tế Hanh, Vườn Xưa, 1957)

Thơ là một hình thức cô đọng của ngôn từ. Nó mang thêm nhạc tính để chuyên chở rung cảm, dễ thấm nhuần vào tiềm thức (subconcious mind). Ta thử nghe các âm điệu sau đây được viết bởi Cao Thị Vạn Giã lúc còn là một nữ sinh ngày chia tay người yêu đi du học xa với trọn vẹn những chân thành của một tình yêu trong trắng. Tình yêu đó được lồng trong khuôn khổ Á Đông, trước cảnh chia tay sầu ai nhất trong đời người thiếu nữ:

Tiễn chân anh tận phi trường
Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại, buồn về em mang
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau ...


Thơ cũng là một trò chơi tao nhã của người xưa (cầm, kỳ, thi, hoạ) dùng để đối đáp nhau giữa con người, hoặc khi con người không là một đối tượng thích hợp nữa, thì để cất tiếng thét kêu lên cùng cỏ cây vũ trụ.



Giai thoại đáp thơ giữa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ còn lưu truyền bài thơ “Mắng Người Say Rượu” của Hồ Xuân Hương dí dõm như sau:

Vẫn giả tỉnh, vẫn giả say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay


Chiêu Hổ đáp thơ

Nào ai tỉnh, nào ai say
Nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẳng không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay


Vì thơ chuyên chở những suy tư và rung động của con người nên thơ cũng là một tấm gương phản ảnh văn hoá, tức là những sinh động của một tập thể nói chung. Nếu chúng ta có thể nói con người Tây Phương gần gũi nhiều với lý trí do phần ngự trị của bán phần phân tích của não bộ (logical hemisphere), thì có lẽ chúng ta cũng có thể nói người Đông Phương chịu nhiều ảnh hưởng mạnh của bán phần liên hợp của não bộ (relational hemisphere). Con người phân tích đi sâu vào lý luận, vật chất, gần gũi với những gì chứng minh được một cách hiển nhiên thực tiễn và có khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa. Con người liên hợp gần gũi với những trừu tượng, tình cảm, sự liên kết tinh thần, để đi tìm ý nghĩa về vị trí của nhân sinh trong vũ trụ. Khi các âm hưởng trừu tượng của cuộc sống khơi dậy rung động hồn người, lời thơ được bộc phát, để truyền đạt những dư ba âm hưởng tình cảm chan chứa ấy đến người đọc. Bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm có một tiết điệu phong vũ, không ủy mị, với nhịp vó câu độc đáo và vươn mang ẩn uất một chí khí cương quyết:

Đưa người ta không đưa sang sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Nắng chiều không thắm không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giã gia đình một dững dưng.
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ gia cũng đừng mong


Môi trường thơ là một vùng không gian trừu tượng. Vườn thơ thích hợp với những nét đẹp mỹ miều hay những tình cảm yêu thương man mác, những xúc cảm bâng khuâng mà có thể nói là khó diễn tả bằng các lời văn dông dài của ngôn ngữ văn xuôi. Tựa như triết lý về Thiền, càng cố gắng phân tích nhiều lại càng làm cho Thiền tánh trở nên khô cứng và bị giới hạn trong các phạm trù, khiến cho Thiền cạn đi nét uyển chuyển bao quát và vì vậy càng khó được cảm nhận trực tiếp, dễ làm người đọc bị loạn sắc, như các ngôn từ ý thức hệ phức tạp trong một số sách triết. Tiếng thơ càng hay khi lời buông vừa đủ, mà âm ba còn trải dài mãi như tiếng chuông rơi diệu vợi qua hồn người, tưởng chừng như đi xuyên qua mấy tầng trời đâu xuất, vào một cõi không gian vô tận.

Người viết đến với thơ hoàn toàn bằng một sự tình cờ. Từ những dạo còn mài đũng quần, thơ là một cái gì rất dễ thương do người khác viết, nhưng thật khó khởi đầu khi chính mình muốn viết. Ngày còn học các năm cuối của trung học tôi tập tểnh làm các bài Đường Luật, thấy sao mà khó quá. Các ý tưởng vừa loé lên đều trốn chạy cũng chỉ vì sai niêm, vần, luật. Từ đó bút bị ném đi, và thì giờ được dành cho những chuyện khác hữu ích thực tiễn hơn là những giờ dài vô tích sự ngồi cắn bút, phí phạm đầu tư đầy thua lỗ để nặn thơ! Nhưng nhờ có sự say mê yêu chuộng văn chương do các phong trào văn học có tác động mạnh mẽ từ nhóm Văn (Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao) với các tác phẩm văn chương giá trị được xuất bản đều đặn, và nhờ giá cả nhẹ nhàng vừa túi tiền thích hợp cho các học sinh và sinh viên thời ấy có được thú tiêu khiển hiếm hoi, tôi ham thích mua đầy tủ sách và bị lôi cuốn bởi những tác phẩm của các cây bút như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Doãn Quốc Sỹ, Nguyên Sa, v.v...Có thể nói tôi rất say mê lối văn tự kỷ (introvert) hấp dẫn của Thanh Tâm Tuyền thời ấy, mà đã có tác động không khác nào những lời kêu trầm thống ru hồn huyền hoặc của nhạc sĩ họ Trịnh, vì các ngôn từ đó rất gần gũi với tiếng vọng từ tâm thức mới lớn của thế hệ chúng tôi. Kết quả là các bài đoản văn đầu đời được viết cho bích báo hay đặc san trong lớp. Điều được tôi lưu ý là dù viết văn xuôi, lời văn tôi viết có lẽ được óng ả, mượt mà hơn khi có các cấu trúc và nhịp điệu của thơ. Sau này khi sang Mỹ đi thuyết trình bằng tiếng Anh, các người nghe có diễn tả cho tôi biết âm điệu của các bài thuyết trình của tôi trong các kỳ thi diễn thuyết (World Championship of Public Speaking) có các nhịp vó câu (cadence) của thi văn.

Có những lời thơ làm nung nấu căm hờn. Có giòng thơ làm người đọc miên man. Có những vần thơ làm người ta ngấn lệ. Có lời thơ là lời nỉ non rả rích nỗi đau buồn gặm nhấm, và những giọt sầu lắng đọng từ khoé tâm tư sâu thẳm nhất làm tim người thổn thức. Có điệu thơ là tiếng thét kiêu hùng, có lời hò chan chứa, và diệu du dương óng mượt như dải luạ quyến rũ dịu dàng. Thơ là hồ chứa đựng tất cả những sinh động và sắc màu ấy tỏa ra từ các vui buồn của cuộc sống để làm tăng thêm ý nghĩa và thi vị của cuộc đời. Và phần thưởng quý giá nhất của người thêu dệt các vần thơ phải chăng là nhịp rung cảm tri âm của ai đó trong cái tí tách phù du vô thường của thời gian, cùng rung động hoà nhịp với hồn thơ, đồng điệu với con tim người viết.

Cát Biển

Sunday, September 6, 2009

Nhớ

0 comments

Nhớ

Em mây hồng cùng gió đi xa
Anh nhìn qua khung kính bao la
Đêm rộn ràng đèn lên rực phố
Miên man hồn nhắn gọi thiết tha

Hãy là suối suối nguồn tinh khiết
Hãy là mơ mơ dài bất diệt
Hãy là trăng trăng đầy không khuyết
Hãy là hương hương trời diễm tuyệt

Còn lại đây ngày mai chờ đợi
Chảy dòng sông thời gian diệu vợi
Chờ một ngày người mau về tới
Giương cánh buồm căng gió biển khơi

Em bướm vàng anh yêu ngày mới
Giấc mộng tiên anh ghé đào viên
Em là bão bền tâm anh đợi
Gió nhẹ lâng tan hết ưu phiền

Đi qua mộng vàng tìm dấu ấn
Trải nụ cười lưu những bước chân
Giọt mưa nguồn bách tòng đón nhận
Sương vây đồi vũng nhớ bâng khuâng

Em mây hồng cùng gió đi xa
Cho tim nồng nhung nhớ thiết tha


Cát Biển
09-03-2009

Một Thời Bên Phố

0 comments


Một Thời Bên Phố

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Thôi Hiệu)

Thế giới đang chuyển mình bước vào một thiên niên kỷ mới. Giữa nhịp sống dồn dập với bao nhiêu phát minh mới của khoa học, bao nhiêu đổi thay kinh tế nhằm cải tiến nếp sống con người, ai đó vẫn còn đang dừng lại ngóng tìm bóng dáng quê hương như lời thơ của Thôi Hiệu mà đã được Vũ Hoàng Chương gửi gấm nỗi tâm sự miên man trong lời kêu ai oán cuối quãng đời người thi sĩ: "Gần xa chiều xuống đâu quê quán? Chớ giục cơn sầu nữa sóng ơi"...

Có những hình ảnh nào đó đã ghi khắc sâu đậm trong tâm tư mà mình không thể nào quên được. Những kỷ niệm thân thương như mảnh lụa nhung êm ả quấn quyện vào tâm khảm, chiếm một chổ dịu dàng yêu dấu nhất của ký ức con người mà ta mang theo cả cuộc đời để thương và để nhớ...

Vào khoảng cuối thập niên 50, một biến cố đáng kể đến với gia đình chúng tôi. Chúng tôi phải dọn khỏi phố vườn bông (được gọi là "bùng binh") Phan Thiết trên đường Lê Văn Duyệt, bỏ lại đằng sau mớ kỷ niệm đáng yêu. Bao nhiêu hình ảnh thân thương với các bạn bè nhỏ bé của tuổi ấu thơ, với các chị và 2 cô em gái chúng tôi tại căn nhà ấy, tức là tiệm may Phan Sinh kế bên nhà hàng Nam Thạnh Lầu (mà mọi người vẫn gọi là "quán Hai Mọi", cách vài căn từ tiệm may Mai Xuân Trượng), bỗng nhiên trở thành quá khứ. Một cái gì hụt hẫng trống vắng xâm chiếm cả tâm hồn ngây thơ khờ dại trong tôi... Thời gian sau, khi tôi có dịp trở lại căn nhà củ lần đầu tiên, tôi thấy mình là một kẽ xa lạ đứng ngỡ ngàng bên lề đường, nhìn thoáng vội vã vào bên trong căn nhà củ như sợ ai bắt gặp. Căn nhà thân yêu đó, bây giờ được mang tên mới là tiệm Huê Lợi với các thùng đinh ốc và vật liệu xây cất trông thật kỳ lạ được bày bán từ trong ra ngoài. Các dấu vết thân yêu các tiếng cười tiếng ca xưa không còn nữa, dầu nắng chiều vàng mềm mại vẫn còn lung linh từ mái hiên khu hàng xóm củ. Hương thơm từ không gian cao như đã ngừng rơi đâu đó...Những ấn tượng thời niên thiếu ấy đã theo dòng đời trôi vào quên lãng từ hơn 40 năm qua. So ra, nó chỉ là một phần gì rất khiêm nhượng, quá tầm thường, thật nhỏ bé, so sánh với những mất mát đau thương nghiệt ngã, những đòn thù mà con người VN đã phải hứng chịu sau 1975. Nhưng đống tro tàn kỷ niệm ấy phải chăng chỉ là lớp khoác che đậy những tâm tư vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng kẽ tha hương, chỉ chờ ai đó khơi lại để trôi về, như người xưa ngóng đợi một mình bên bờ sông vắng vì ai đó đã lỗi hẹn...

Vào những tháng ngày thơ ấu trong trí nhớ non kém mà tôi còn có thể hình dung được, cả phố Phan Thiết bình dị vừa chứng kiến nhiều dâu bể đổi thay trong nước. Vua Bảo Đại xuống, Ngô Đình Diệm lên thay, sau một cuộc bầu cử "trưng cầu dân ý". Tân Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người từng giữ chức Tuần Vũ Bình Thuận lúc mới tròn 21 tuổi, một chức vụ tương tự như Tỉnh Trưởng sau này. (Sau cuộc đảo chánh năm 1963, giấy khai tử của ông có kê khai chức vụ của ông là "Tuần Vũ Bình Thuận" chứ không phải là "Tổng Thống VNCH"). Đồng bạc mới VN thời đó đó có giá trị đáng kể. Chỉ cần hai cắc bạc chúng tôi có thể mua được cả một rổ ốc ruốc về để chị em chúng tôi "lể" ăn mệt nghỉ. Tôi nhớ lúc chánh phủ mới vừa cho lưu hành tiền mới, tôi cầm đồng bạc mới do má cho, đi mua món trái cây trị giá năm cắc. Bà bán hàng không thối lại năm cắc mà lại bà xé đôi đồng bạc giấy trả cho tôi một nữa vừa được xé ra! Trong hoang mang tôi về kể với các chị và ba má, thì mới hiểu lúc đó tân chính phủ vừa nhậm chức chưa có tiền cắc mới để cho lưu hành.

Dạo ấy MTGPMN vẫn còn trong trứng nước, chưa được Đảng CS Bắc Việt cho chính thức ra đời, nên các tuyến đường xe đò và các chuyến xe lửa đi Sài Gòn hoặc ra Nha Trang chưa bị phá hoại, vẫn còn lưu hành thông suốt. Thành phố hiền hoà quê tôi được hưởng vài năm yên lành trước khi thực sự chứng kiến những thãm cảnh của chiến tranh làm tan đi mất những hi vọng về hoà bình của người dân trong phố. Thời gian ấy tôi được may mắn theo ba tôi mấy chuyến đi Sài Gòn bằng xe lửa. Xe khởi hành rời ga Phan Thiết khoảng chừng sập tối, mình có thể ngủ một giấc cho đến khi xe ghé các trạm khuya thức dậy ăn cháo gà, rồi đến cổng ga Sài Gòn (công trường Quách Thị Trang sau này) với một không khí hấp dẫn thật khác lạ do các tiếng xích lô máy nổ bình bịch, dù lúc trời chỉ vừa tờ mờ rựng sáng. Thành phố Phan Thiết bình dị trong các năm có thể nói là thanh bình ấy thật đáng yêu với các phiên chợ Tết nhộn nhịp, và khắp phố phường dấu vết của hạnh phúc thấp thoáng ló dạng đâu đây. Ba tôi không còn đi lưu diễn với đoàn hát nữa, về lại Phan Thiết lập nghiệp với tiệm may Phan Sinh. Tuy nhiên các diễn viên củ trong đoàn hát như cô Út, chú Tao Ngộ, chú Võ, v.v... vẫn ghé thăm nhà tôi để cùng đờn ca xướng hát các bài bản ưng ý của thời đi lưu diễn. Thỉnh thoảng ba tôi vẫn ngân nga những bài ca xưa, cả những khi ông đang cắt vải thoăn thoắt theo đường phấn kẻ màu xanh với chiếc kéo cắt thật bén và lớn, hoặc lúc chân đang đạp đều nhịp chiếc máy may với đôi tay ông lèo lái các đường vải. Các máy may khác trong nhà chạy đều theo nhịp đạp của các thợ chính, thợ phụ, hoặc các anh còn đang tập sự. Các anh thợ thanh niên thì dạn dĩ hay ca góp vui nối tiếp theo ba tôi, hoặc có người ra câu đố, hoặc kể chuyện vui. Các người giúp việc đôi khi cũng trở thành đề tài cho các thanh niên giỡn phá. Các chị thợ thường chỉ phụ đơm khuy và kết nút, tham gia cuộc vui một cách kín đáo hơn bằng các tiếng cười dòn. Chị Sáu thường bị các anh thợ chiếu cố trêu ghẹo suốt ngày vì chị có nét xinh ở tuổi dậy thì. Sau giờ làm việc, các anh chị vẫn còn tiếp tục kể chuyện vui hoặc đờn ca, có khi còn ngũ lại đêm trong 1 phòng lầu dưới. Mé sau căn nhà, trên lầu trên có một bức tường bằng gạch, được xây hơi kiểu cọ, chừa khuyết một vòng tròn khá lớn như vầng trăng khiến cho người trong nhà có thể nhìn được ra sân thượng ở mé sau. Chị cả của chúng tôi, chị Hoàng Anh, thường leo ngồi vào vòng trăng đó, thả chân đong đưa vừa ca các bài như Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to... Dạo ấy chị Anh đã là 1 thiếu nữ cao và thon gầy trong chiếc áo dài trắng. Trong khi chị Hoàng Minh (tức chị Nam) vẫn còn học trường Nữ bậc tiểu học, chị Anh đã vào học trường Phan Bội Châu, được ba má tôi mua cho một chiếc xe đạp mà lúc nào chị cũng giữ bóng loáng. (Lúc sau, theo phong trào Velo Solex, chị cũng có 1 chiếc Velo thay cho xe đạp). Chị theo sát ba tôi từ những dịp đi lưu diễn hay cả những lúc ba đi đá banh bên Sân Vận Động. Các cầu thủ đá banh mặc quần shọt, áo may ô và mang giầy đinh. Có lần trên sân banh, khi chị Anh đang giữ áo quần của ba tôi vừa thay ra, một thanh niên đến nói với chị là "Ba của cô kêu tôi đến nhờ cô đưa quần áo cho ổng thay"... Chị Anh bèn đưa hết quần áo, có cả bóp và tiền bạc. Đến khi ba tôi đá banh xong, trở lại lấy quần áo đi thay, mới biết chị Anh đã bị kẽ lạ gạt lấy hết quần áo giấy tờ. Em Hoàng Yến kế tôi hãy còn bé chưa đi học, và em Thanh Hà chỉ mới chập chững biết đi. Trong các bài ca mà tôi nghe ba tôi ca, có một bài với lời thật ngộ nghĩnh khiến tôi theo hỏi và được ba cho biết là do bác Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh sáng tác, thời bác còn làm bầu gánh hát - thời thật xa xưa trước khi bác trở thành Dân Biểu. Bài hát này các chị em chúng tôi sau này đều thuộc lòng (và trở thành bài ca chung trong những dịp vui mỗi khi gia đình hội ngộ):
Mau vô trỏng, cúi đầu thưa với ổng
Rằng tôi đợi ngoài cổng
Rồi trở ra mau nói, để cho tôi thăm hỏi
Kẻo chờ lâu cẳng mỏi
Ông quan ấy thân với tôi lắm đấy
Tôi với ổng họ Trình
Trình ấy làm Quan
Còn Trình này thì bán quán giữa rừng "hoang"
Quán với Quan cũng gần
Quan với Quán một vần
Vì Trình ấy tuổi Dần có phần quan lớn
Còn Trình này tuổi Tý con chuột con, ở đầu non, nhưng mà ngon...

Những lúc cả nhà theo tiếng đờn của cha tôi quây quần ca hát, mẹ tôi thỉnh thoảng cũng ca góp một bài với lời lẽ thật xa xưa "Dạ dạ dập đầu ... Thưa chuyện với chị dâu ..." Có một bài ca rất dài mà lủ chúng tôi rất thích nghe giọng của Ba ca với những hơi ngân, những nhịp ngắt với tiếng song lang gỏ nhịp tài tình của điệu Xàng Xê, hoặc khúc lái ngân nga lên xuống giọng thật đặc biệt, khiến cho người nghe cảm thấy như có một làn mây ấm cúng nào đó đang vây quyện khắp không gian:

Hậu đô Bắc Hà,
Vào triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 46,
Hân hạnh được cung nghinh Đức Bình Bắc Tướng Quân Nguyễn Huệ
Thống lãnh đại đội binh hùng
Hát khúc khải hoàn vào cổ luỹ Thăng Long
Sau khi bình giặc đã thành công
Nhưng vì thấy Lê Trịnh tranh hùng muôn dân đồ thán
Cho nên Nguyễn Tướng Quân phải diệt Trịnh phù Lê
Tảo trừ bọn Trịnh tư quyền là Trịnh Tứ Phương
Hạ thành sơn nam
Mới thấu nhập kinh đô vào Nam giao đài bái mạng vua Lê Hiến Tôn
Vì mộ tài danh viên dũng tướng thiếu niên anh hùng lỗi lạc
Chắc có lẽ sau này phải nhờ quyền bảo hộ của Tây Sơn
Thế cho nên Hiến Tôn Hoàng Đế mới định gả trung thần
Là lịnh ái nữ Công Chúa Ngọc Hân
Kịp đến n ngày mồng 3 tháng 8 năm Bính Ngọ
Vua Thái Đức nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc ngự ra Bắc Hà
Bèn cùng tân quân Lê Chiêu Thống thừa nghinh trọng rất là uy nghi
Phán rằng "Từ khi phụ thân trẫm đây thất lộc
Trẫm lên kế tự ngôi trời
Đồ lao cộng tác với bá quan
Trẫm những mong rằng trăm họ được bình an
Nhưng Trẫm vẫn biết rằng tuổi Trẫm còn thiếu niên
Mà việc triều đình quá ư to tát
Bởi thế cho nên mà vận mạng của Lê triều
Chẵng may mà gặp cơn nguy biến
Trẫm chỉ nhờ lượng hải hà và ơn tư trợ
Của Tây Sơn quân
Lấy đức bủa khắp bốn phương
..................................................

Sau những quãng đời khó khăn vật vã truân chuyên với cuộc sống từ những ngày Tây về ruồng bố bắt dân, rồi chuyến lưu lạc sang tận Cam Bốt học may, cha mẹ chúng tôi vừa mới bắt đầu gầy dựng được một cửa tiệm may để sinh nhai với những điều tạm gọi là yên ổn của mái ấm gia đình, tuy đơn sơ nhưng tràn đầy hạnh phúc. Bỗng nhiên một hôm cần tiền, người chủ căn phố nhà chúng tôi đang ở trở về lại Phan Thiết và quyết định bán căn nhà thật gấp, chứ không cho gia đình tôi thuê nữa, mặc dầu thời hạn thuê mướn vẫn còn và công việc làm ăn của ba tôi đang đà phạt đạt. Vì giá bán căn phố quá cao cha mẹ tôi không đủ tiền để chồng mua căn phố ấy, gia đình chúng tôi đành phải quyết định dọn đi.


Trong khi chờ đợi dọn về căn nhà mới xây trước ấp Đức Nghỉa, gia đình chúng tôi về ở tạm khu Cồn Chà, nơi mà tâm trí nhỏ bé trong tôi có cảm tưởng cách xa khu nhà bên phố củ hằng diệu vợi, như thuộc về một không gian nào xa cách hẳn... Nơi chỗ mới xa lạ chúng tôi phải đi bằng xe đạp hoặc được Ba chở bằng xe gắn máy Sach thì mới về được đến phố Gia Long . Dầu chỉ ở mấy tháng, chúng tôi cũng đã có dịp nhìn thấy trực tiếp nếp sinh hoạt thay đổi của các bạn ghe mà nếp sống được gắn liền với các vụ cá...từ những lễ lộc của "Vạn", lễ cúng tế khi có cá ông "lỵ", những mùa cá rộ, mọi người bạn cá khắp xóm đều thắp đèn ra đường hì hục làm muối, vô thùng, hàn xì, khiêng vác, rầm rộ thâu đêm không ai mà không bận bịu làm lụng. Có cảnh tượng của một gia đình hàng xóm bên kia đường, đối với chúng tôi thật lạ lùng lẫn thương tâm. Gia đình ấy có một người cha say sưa liên miên. Họ có 2 người con trai, người con lớn đã lên 17 tuổi . Mỗi lần say sưa, người cha về đánh đập vợ con, nhất là cậu con cả. Ông ta lột hết quần áo người con lớn, lôi anh ta trần trùng trục ra giữa đường quất roi tơi tả bất kể nơi nào trên thân thể trước sự chứng kiến của đám người lớn nhỏ trong xóm tò mò đến xem...Sau mấy lần tiếp diễn cảnh đánh đập tàn bạo ấy, người con lớn vì nhục nhã, một hôm bỏ nhà đi biền biệt. Buổi tối khu cồn chà người ta có thể nghe văng vẳng tiếng biển vỗ rạt rào vòng vọng thật buồn hiu với những đèn đường héo hắt vàng vọt và mùi đất biển thoảng tanh mùi cá, thật khác với phố Lê Văn Duyệt nhộn nhịp mà tôi đã quen thuộc.

Những cảnh khá xa lạ đối với quãng đời nhỏ bé ngây thơ ấy khiến tôi nhớ và thương làm sao những ngày bên phố. Nhớ các bạn học tí hon lũ chúng tôi trường Bác Giáo Nhiều, kể cả những lần bắn "bì" (tức là giấy quấn thật cứng chắc, gập đôi lại để bắn bằng dây thun) với nhóm anh em Thuận và Hưng tiệm vàng Mỹ Quang (mà chị Tuyết Mai của tụi nó là bạn học thân với chị Anh của tôi và sau này làm phù dâu cho chị), những trò chơi "phóng bút" (dùng đầu sắt của cây viết mực chấm từng mắt cá tay và phóng ghim vào ụ cát) với các trẻ con hàng xóm. Thương những chiều nắng rọi nghiêng nghiêng từ mé nhà hàng Kim Sơn ngồi trước nhà nhìn sang công viên trước mặt chờ mẹ đi chợ về với chút quà, thương mùi thơm bánh mì Nghi Hưng mới ra lò nóng hổi được các trẻ em đi rao bán, thương những ly "siủ phé" ba và các tay mê đá banh như chú Bảy Đài, chú Buộc (sau này vì bất cẩn trong lúc đổ chì, chú bị mù 1 mắt), chú Tí Hoan, v.v... quây quần ngồi uống bàn bạc sau những trận đá từ sân banh về, hay thương mùi nem nướng và mùi bánh xèo thơm ngào ngạt từ quầy bánh xèo cố hữu của gia đình chị Quyệt, một người bạn thật dịu hiền của chị Nam (ba má chị đặt tên chị là Nguyệt, nhưng khi làm giấy tờ bị đánh vần sai đi, trở thành "Quyệt" ) bên hông tiệm vàng Đạt Thành mé tiệm Kim Sơn mà tôi tin vẫn là chỗ ăn nem nướng và bánh xèo ngon nhất...mà có lẽ ấn tượng đó sẽ còn mãi cho đến suốt cuộc đời.

Khu vườn bông dưới dốc cầu điểm Thiết trước căn nhà thân yêu ấy nơi tôi lớn lên đã là địa điểm chính của bao biến cố vui buồn của người dân tỉnh lỵ ... Khoảng trống rộng lớn từ phía bên nay là tiệm may Phan Sinh nhà tôi, đối diện bên kia đường là các tiệm Tân Lập, Lê Chính Ngữ bán xe đạp, và tiệm nước Nam Nhất Viên... sang góc xéo là quán nước Tân Phương Viên... và bên kia đường là tiệm vàng Đạt Thành đầu phố Gia Long... là một mặt bằng tráng nhựa khá lớn mà ta có cãm tưởng có công dụng tương tự như quãng trường Thiên An Môn thuộc Bắc Kinh của Trung Hoa. Chính tại nơi đây đã là nơi con Rồng hùng vĩ, mỹ lệ và thiêng liêng nhất của Phan Thiết trổ tài vùng vẫy trong các dịp lễ lộc hội hè. Tại nơi ấy những cuộc diễn hành, biểu tình, các xe hoa đều quy tụ về để chuyên chở các biến cố vui buồn của thành phố. Rồi những buổi chợ Tết thâu đêm cũng đều diễn ra bắt đầu từ khu cuối vườn bông ấy kéo lan dài khắp phố Gia Long, lần ra các hang cùng ngõ hẻm của khu chợ chính.

Thật là khó quên ngày lễ được gọi là Thỉnh Ông Đi Chơi, lũ trẻ chúng tôi nô nức đi ra đường xem giữa rừng người, cảnh tượng con Rồng uốn lượn theo trái Châu được vũ lộng xoay vần liên tục bởi một thanh niên lực lưỡng để dẫn Rồng quây quyện, cuộn các con Lân vào giữa, theo tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." hùng dũng, tiếng chiêng "cheng...cheng..." ngân vang, tiếng tu huýt tíu tít điều khiển, tiếng chân người của đoàn Rồng to lớn, tiếng lục lạc từ thân Rồng lúc lắc theo nhịp chân chạy xào xạc reo vang khắp nơi, cùng xen lẫn các điệu trống Lân "cắc cá lắc cắc cắc... tùng tùng...." khi thì dồn dập, khi thì "xổ..." một tràng dài, khi nhịp đều "cắc tùng tùng... cắc tùng tùng..." lúc các con Lân chồng người lên cao để tung qua mình Rồng thoát khỏi vòng vây...

Vì một dịp tình cờ tôi có đến Chùa Ông để ngắm nghía một cách say sưa các chi tiết của con Rồng Phan Thiết, dầu không bao giờ tôi đủ can đảm đến quá gần vì sợ. Mình Rồng có cài hằng ngàn chiếc "vẫy" óng ánh. Một dịp nọ, có một trẻ lượm được một chiếc vẫy Rồng, tôi và các bạn tò mò đến ngắm nghía. Mỗi vẫy Rồng là một miếng gương tròn (cỡ gương thời ấy dành cho các phụ nữ mang theo để soi mặt). Mặt sau của các vẫy gương Rồng ấy có in tên của ân nhân bảo trợ. Đầu Rồng màu trắng, với nét thanh cao, hùng vĩ, có hai chiếc sừng cong cong khúc khỹu. Mủi Rồng nở nang tròn lớn như sẵn sàng để khè ra lửa, mỗi bên mũi có các râu cong cong. Rồng có chiếc lưỡi đỏ thè dài, với hàng râu cằm toả đều xuống mé dưới miệng, vừa xinh đẹp vừa mang vẻ huyền thoại kỳ bí của một linh vật khiến chúng tôi sờ sợ né xa, không bao giờ "đụng" vào ...


Cảnh tượng múa Rồng là cảnh của một linh vật đang đạp mây uốn mình quây lượn theo sự thu hút của trái Châu (tức là một bảo vật). Tục truyền khi nào có các linh vật Long, Lân. Qui, Phụng xuất hiện thì muôn dân sẽ hưởng được cảnh thanh bình hoan lạc. Trong tâm niệm người dân, cảnh Rồng múa như mang được hình ảnh thiêng liêng cao cả về gần lại để chiếu cố những khó khăn của thực tế cuộc sống. Mỗi khi Rồng múa, tôi vẫn còn nhớ đầu Rồng khá nặng cần phải có 3 thanh niên cùng gồng vác, một người mang chịu cây trụ chánh ở giữa, hai người kia mang 2 cây xéo chịu 2 bên. Mình Rồng là loại vải bố vừa chắc vừa mềm mại cho dể múa, màu sắc lộng lẫy nhưng không diêm dúa. Cách đều nhau giữa các khúc nối mềm mại bằng vải bố là hằng mấy chục khúc thân cứng cáp cho các thanh niên mang đội vào để lượn múa. Mỗi khúc thân Rồng có 1 sườn bằng nan mây, vừa vặn cho 1 người thanh niên nai nịt chịu ở lưng, vai và đai ở hông. Cứ vài phút người này mỏi lại có người khác vào thay thế. Lưng Rồng có dẩy Vi lởm chởm chạy dài từ đầu cho đến khúc đuôi. Cuối các chân Rồng với những móng vuốt nhọn là hình vẽ những cụm mây. Khúc đuôi cuối cùng của Rồng là những khía vi nhọn lỉa chỉa, khá cao, lắc lư khi múa, cũng có một cây trụ chính của đuôi do một người nai nịt ở hông và cầm chịu ở tay, và lại thêm 2 dây kéo bởi 2 người khác ở hai bên để múa lượn. Những ngày tôi còn bé theo xem hội hè đình đám, nghe tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." của đội Rồng Phan Thiết hoặc tiếng trống dòn dả "Cắc cắc tùng..." của các đội Lân chùa Ông hoặc các đội Lân Mặt Xẹp (với tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm tùm...tùng tùng tùng, tùm tùm..." thật đặc biệt và kỳ dị), hay các đội Lân Sài Gòn (có leo cây trụ sắt thật cao và có múa võ) được mời về dự lễ Thỉnh Ông, chân tay tôi bổng trở nên bủn rủn, tim hồi hộp, vì bị thu hút mãnh liệt bởi các âm thanh kỳ diệu ấy ... Sau này nghe nói ở thành phố nổi tiếng nào như New York hoặc Singapore có các con Rồng rất hay và đẹp, tôi đều chú ý xem các hình ảnh để so sánh với con Rồng Phan Thiết. Và vẫn chưa tìm được các đối tượng đáng kể để mà so sánh...

Trong ký ức tuổi trẻ thơ ngây ấy tôi nhớ hình ảnh của các bạn trẻ con bên phố. Cùng học chung trường thầy Giáo Nhiều, được gọi là thầy "Thẹo", là hầu hết lủ trẻ đường Lê Văn Duyệt dảy nhà tôi, và dảy phía bên kia bùng binh, tức đường Nguyễn Văn Thành. Cùng học chung trường thời ấy có con của các bác Vui Vui, bác Năm Phùng, tiệm Thành Kim, Mỹ Quang, Mai Xuân Trượng v.v...bên kia đường là con của bác Tân Lập, Lê Chánh Ngử... có cả hai chị em Thanh và Bạch cháu cô Nam Phong nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng phía trong tiệm billiard chú "Buộc" nữa. Bên phố Gia Long các tiệm Vĩnh Hưng, Phước Hưng, kéo dài đến tiệm chú Bé Vĩnh Lợi cũng đều gửi con học chung trường này... Sau ngày anh cả tôi mất lúc vừa 2 tuổi, mẹ tôi sinh chị Anh rồi chị Nam. Lúc sanh được con trai, người mình có tục lệ hay cho đeo khoen ở tai để khỏi bị ông bà "bắt", vì ngỡ là con gái (?). Tôi và Hiệp con bác Tân Lập đều rơi vào hoàn cảnh đó. Hiệp con bác Tân Lập (vẫn thường được các bạn bè thân yêu gọi là Hiệp Lé, sau này được người chú tập đánh trống, trở thành 1 tay trống xuất sắc), khi đi học vỡ lòng vẫn còn mang khoen ở tai. Bây giờ mỗi khi sờ lên cuối vành tai trái tôi vẫn còn dấu lỗ tai đeo khoen ngày xưa, mặc dầu lỗ ấy đã được lấp kín từ lâu. Trường thầy Giáo Thẹo rất nghiêm và nổi tiếng đánh học trò rất đau. Viết bằng tay trái là bị khẽ tay. Nói chuyện trong lớp thầy kêu lên bắt quỳ lấy thước kẻ vào đít. Đứa nào không thuộc bài hay chưa làm bài tập thì mặt mũi xanh rờn vì sợ thầy phạt đòn. Sau này kể cả quãng đời đi lính, tôi chưa bao giờ sợ một người có nhiều uy quyền đến thế! Hôm nhập trường mẹ tôi có mua cho tôi một quyễn tập viết mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Quyễn tập ấy có hàng chử in ngoài bìa xinh xinh đã khiến cho tôi suy nghĩ miên man...Đó là mấy chữ "Ngày Nay Học Tập, Ngày Mai Giúp Đời". Ôi chao quả là 1 ý tưởng ngoài sức tưởng tượng. Lủ trẻ nít ăn chưa no, lo chưa tới như chúng tôi, mà lại hình dung có một ngày nào đó mình sẽ làm một cái gì để "giúp đời". Tuy vậy, vì ngày nào cũng đọc, mấy chữ đơn sơ đó đã ghi khắc vào trong tâm khảm. Câu chữ in đó nổi bật trong ký ức về mái trường yêu dấu của thầy Giáo Nhiều. Tôi học trường thầy được khoảng 1 năm thì có 1 cậu bé kháu khỉnh con bác Năm Phùng mới vào học lớp vỡ lòng và ngồi kế bên tôi, tên là Đinh Quốc Cường em của chị Dung. Cậu em út của Cường là Tuấn lúc ấy chưa đi học. Chị Dung chơi với chị Nam của tôi và chị Tăng Thị Thiết con bác Vui Vui. Cậu bé ấy thật dễ thương, hay cho tôi mượn cục gôm hoặc đồ bào bút chì, tôi thường giúp Cường làm bài tập, và đến giờ chơi chúng tôi chơi chung. (Anh em Cường và Tuấn bắt đầu tập chơi tennis từ bé cùng với anh em Toàn và Thắng nhà ở bờ sông; sau này cả Cường và Tuấn đều trở thành những cây vợt nổi tiếng của VN). Giờ chơi trước sân trường thầy Giáo Nhiều bầy bán đủ thứ, từ me riêm, ốc khương, bánh tráng mắm ruốc, trái khế trái cốc thứ gì cũng có. Thậm chí lũ con nít chúng tôi còn có thể mua "chịu" nữa! Tôi nhớ những lần ăn kem "cà rem" chất lạnh thường buốt nhói lên tận đỉnh đầu. Ăn đu đủ bò kho, ăn xong còn húp hết cả chất nước cay và mặn ấy thì mới đúng điệu. Rồi lại có xe bán kẹo kéo với thớ kẹo lớn khi được kéo ra, ở giữa có các hạt đậu phộng vừa ngọt vừa thơm. Anh bán kẹo kéo còn kích thích chúng tôi bằng cách cho "đổ hột me", thỉnh thoảng con nít chúng tôi có ai đổ trúng thì được anh kéo thêm gấp 2, 3 lần dài hơn (mà thật ra thì cũng "mỏng" hơn). Lũ con trai thì chơi bắn bi, đáo lạc, bắn "bì", hoặc quăng cùi bắp. Các chị gái thì hay chơi các trò chơi mà con trai chúng tôi không tham dự như "đánh chắc" (tung trái banh lên, rồi chuyền xoay 1 nắm que đủa cho thật nhanh, để bắt lại quả banh kịp khi nó rơi xuống), nhảy giây (giây được nện lại bằng nhiều sợi thun thành một thớ thun dài), hoặc chơi búp bê, đá cầu ...Có lần hai chị em chúng tôi dạo bộ chung, đi lên mé cầu, trông thấy chị Dung hoặc chị Thiết, chị Nam tôi nhập bọn con gái chơi với họ, thế là tôi phải lủi thủi đi về nhà một mình, lòng ao ước phải gì mình có một người anh để chơi chung!

Trong các hình ảnh tuổi thơ ấy có bóng dáng của chính tôi ngày được ba may cho 1 bộ đồ veston mà mọi người dạo ấy gọi là áo "bành tô". Súng sính trong bộ đồ đặc biệt ấy, các chị và em nhìn tôi như thấy lạ mắt. Mẹ tôi vừa thắt nút áo cho tôi vừa kéo vạt áo cho thẳng thớm, vừa vổ đầu tôi và đùa mấy câu mà người dân thường hay trêu ghẹo những người mặc đồ veston có vẻ "bảnh bao" thời đó:

Bành tô la ghì
Ăn cắp bánh mì bỏ túi bành tô

Vì nhà gần quán bác Hai Mọi nên hai gia đình thân nhau. Ngoài các món ăn chiều hấp dẫn như bánh bèo, bánh quai vạt, mì quãng, nem nướng với các nước chấm mặn mà đặc biệt, hoặc các món chè đậu xanh, chè chí màu bửu (tức chè mè, màu đen), hoặc bánh bò được bán bởi các quầy gánh rong dọc theo phố chánh, chị em chúng tôi chiều chiều hay qua nhà bác Hai mua chỉ hai đồng "xí quách" mà đựng đầy cả một tô lớn về ăn chấm nước mắm, vừa ngon miệng vừa rẽ. Một buổi nọ, tôi sang mua 2 đồng xí quách như thường lệ, nhưng vì không tìm thấy 1 tô lớn nào trong nhà cả, tôi bèn mang đại 1 chiếc soong theo để đựng. Trông thấy chiếc soong khá lớn bác gái má anh Huệ (bác Hai Mọi) vừa cười hỏi tôi: "Thằng Tám con anh Sinh đó hả... Nhà con cái soong nào lớn hơn cái đó nữa không con?..." Vì bẽn lẽn từ đó về sau tôi không bao giờ dám mang soong chảo đi mua "2 đồng xí quách" nhà Bác Hai nữa cả. Rồi có một một tai nạn hi hữu mà tôi nhớ mãi. Dạo tôi lên chừng 6 tuổi, một hôm khi đang chơi bắn bi cùng lũ trẻ tại bãi đậu xe trước nhà, ngay lúc tôi đang lui cui chăm chú bắn bi vào lỗ bỗng nhiên tôi thấy mé trên đầu có chất gì nóng như nhớt nhỏ giọt xuống đầu tôi. Ngoảnh đầu lên nhìn thì lũ trẻ đã bỏ chạy đi đâu hết cả chỉ còn lại một mình tôi, mà lại có một chiếc xe vừa "de" vào đậu phủ ngay trên đầu tôi, lúc tôi còn đang cúi thấp xuống cặm cụi bắn bi cho vào được lỗ ! Tôi đang ngạc nhiên hoảng sợ thì nghe tiếng hốt hoảng của cha tôi. Chạy vội từ trong nhà ra đến bãi đậu xe, ông la lên: "Trời ơi xe cán con tôi rồi!..." Cha tôi vừa cầu cứu vừa cố gắng dở hỏng chiếc xe lên (nhưng không dở nỗi vì xe quá nặng). Khi tôi lòm còm bò ra khỏi gầm xe, cả ba tôi và người chủ chiếc xe đều mừng rỡ, ôm chầm lấy tôi . Dù tôi không bị hề hấn gì, ngày hôm sau ông chủ chiếc xe hơi ấy có ghé lại thăm gia đình tôi. Ông tặng 1 bó hoa và ngỏ lời xin lỗi về "tai nạn". Ông chủ chiếc xe ấy là 1 du khách ăn mặc sang trọng và dáng dấp thanh tao. Cha mẹ tôi cảm tạ về mỹ ý của ông với tai nạn thật là hi hữu đó. Hành động tặng hoa đó cũng thật là khác biệt đối với lối cư xử thường nhật khiến tôi không thể nào quên.

Các hình ảnh thời niên thiếu ấy có thể biểu tượng bằng 1 tấm hình thời bé mà tôi rất thương, dầu hình ấy đã thất lạc từ dạo tôi xa quê vào Sai Gòn học. Ngày tôi lên mười tuổi, học sinh lớp Nhất phải đi chụp hình để chuẩn bị đi thi Tiểu Học. Một hôm tình cờ đi qua tiệm chụp hình Liên Hoa chợt thấy tiệm treo 1 tấm hình khá lớn của 1 cậu bé. Nhìn kỹ té ra là hình của chính mình với áo sơ mi trắng, tóc chải dợn sóng, với nụ cười nhẹ nhàng xinh xắn. Tấm hình ấy sau khi thất lạc tôi vẫn ước mơ có dịp nào ngắm lại các bóng hình của thời bé bỏng xa xưa... Ngày tôi thi đậu bằng Tiểu Học, chị Nam mang về 1 món quà, bão rằng do chị Tăng Thị Thiết (tức chị Cà Sáu) con bác Vui Vui, bạn chơi thân của chi Nam tôi,gửi tặng tôi. Món quà đó là một con thỏ đồ chơi màu trắng, đằng sau lưng thỏ có gắn 1 chìa khoá lớn dùng để căng dây thiều. Khi quay dây thiều xong, thả xuống, con thỏ trắng "tự động" ấy nhảy lốp cốp khắp nơi thật vui mắt. Đấy là một món quà bất ngờ và đặc biệt. Bẳng về sau này, ngày nghe tin chị Thiết qua đời khi tuổi đời của chị còn rất trẻ, tôi liên tưởng món quà chị cho tôi, và cảm thấy một phần nào quãng ngày thơ ngây thân thương vừa mới mất...Cùng với chuyến dọn đi đến khu nhà mới xây trước ấp Đức Nghỉa, giữa các thay đổi với trường mới, bạn mới, lòng non dại của cậu bé trong tôi vẫn nghĩ và nhớ nhiều về Cường, cậu học trò nhỏ bé cạnh tôi một thuở mài đũng quần trường thầy Giáo Thẹo... Hình như ai đã cắt mất nơi tôi một phần gì thân thương âu yếm và hồn nhiên nhất...

Những ngày mới lớn xa quê vào học Sài Gòn, giữa những chiều nắng vàng bên phố Lê Lợi nhộn nhịp của chốn phồn hoa đô hội, hay những tối từ căn lầu nhà Dì Hai nhìn xuống con đường Phan Đình Phùng với ngựa xe trẩy hội náo nhiệt mé dưới... Tôi chợt nhớ về quê hương Phan Thiết với những cột đèn đường bình dị có quầy bánh căn và thấp thoáng đâu đó hình ảnh tiếng cười vui của các chị em tôi quây quần bên lò bánh gắp từng miếng bánh căn dòn vừa được cậy khỏi khuôn trộn vào với nước mắm, các tốp mỡ, và các thứa cá Nục kho... nhớ quê ngoại, mé xa bên kia đường đối diện khu trường Phan Bội Châu nằm sâu trong vùng ngoại ô, với bóng mát chiều tỉnh lặng khoan thai êm ả lúc khói nhà ai đang nấu cơm và tiếng gọi lanh lảnh xa xăm "Cu ơi ...về ăn cơm" ...nhớ tiếng ru con của ai đó xen lẫn giữa tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè "Ầu ơ... bầu ơi thương lấy bí cùng"... nhớ cảnh đồng ruộng, xanh thật là xanh, màu mạ mới cắt... và nhớ hương đồng gió nội yêu dấu của quê hương... nước mắt kẽ tha hương chợt rưng tròng.

Bây giờ, sau những cuộc đổi dời, sau những chuyến vượt đại dương, qua bao nhiêu bến bờ, qua bao nhiêu không gian, qua bao nhiêu mảnh đời, các hình ảnh thơ dại xưa vẫn còn lưu lại tiềm tàng trong ký ức. MTGPMN đã được cho ra đời để khởi đầu chinh chiến, rồi lại bị khai tử vào bóng tối, sau khi Miền Nam VN đã mất vào tay CS Bắc Việt. Nhiều trẻ tí hon cùng học chung trường thầy Giáo Nhiều ngày xưa giờ đã ra người thiên cổ. Có kẽ tha hương đang tìm kiếm trong sương mù ký ức một quãng đời hơn 40 năm xưa, như đang kiếm tìm lại những viên lưu ly trân quý. Mỗi khi chị em chúng tôi gặp lại nhau, nghe lại giọng ca của chị Nam "Mưa rơi hoa lá tơi bời, đàn ai vọng đến một chiều gió mưa ..." của một bài ca mà chúng tôi đều ưa thích; hoặc lời ca "Ta đến đây để xin lệnh phụ vương..." do chị Anh ca; hoặc giọng em Hà ngâm lời thơ "Từ buồn chị chọn em làm tri kỹ, Để đêm về gục mặt kể em nghe..." của chị Nam làm tặng em Hà, các ấn tượng và cảm giác xa xưa vẫn còn sẵn sàng để cuồn cuộn trôi về trong tôi như thác lũ - từ những nguồn sông của quê hương xa thẳm...

Lủ trẻ con xưa đã từng Học Tập, nay vẫn còn ngóng tìm qua hàng rào ngăn cách của lý tưởng ý thức hệ, mảnh quê hương bình dị thân yêu xưa, với ước mong sẽ làm được một điều nhỏ nhoi nào đó có thể gọi là Giúp Đời...

Cát Biển

Visitors Count

SEO Services

About Me

My email: sn68pbc@yahoo.com -- My Homepage: www.catbien.com