Cát Biển
“Use no way as way, use no limitation as limitation”
Bruce Lee (Lý Tiểu Long)
Anh có rất nhiều năng lực. Anh sống cả cuộc đời đầu tư vào tình bạn. Anh có niềm đam mê văn chương. Ngày nay trên mạng ít người không biết tên anh qua sinh hoạt rầm rộ của Văn Đàn Đồng Tâm. Từ những ngày tôi mới biết anh, tôi đã thấy một mãnh lực thúc đẩy anh phải làm một điều gì đó với sáng tạo văn học. Khoảng năm 1999, chúng tôi chỉ mới biết nhau qua một Diễn Đàn trên mạng nhưng rất quý nhau. Tôi gặp anh lần đầu vào năm 2002 trong kỳ ra mắt tập thơ của nhà thơ Yên Sơn tại Nam Cali. Lúc đó tôi mới hiểu chân trái của người bạn mình rất yếu vì anh đã từng một lần bị stroke. Tôi quý anh vì cách giao thiệp vui vẻ nhiệt tình trên mạng, càng quý và trọng hơn với những phấn đấu bản thân mà hằng ngày anh phải vượt qua. Năm 2003 tôi được tin người bạn thân quý này lại bị stroke lần thứ hai. Sau đó anh không nói chuyện được nữa. Mãi hơn 5 năm sau anh mới phục hồi đầy đủ khả năng phát âm, nói chuyện rành mạch. Từ lần stroke thứ hai đó, một cánh tay không sử dụng được, bàn tay còn lại anh gõ computer chỉ bằng 1 ngón. Ấy vậy mà anh đã sáng tác không biết bao nhiêu bài thơ Anh và Việt ngữ, và vô số bài viết về đủ thể loại, từ truyện ngắn, tuỳ bút, biên khảo, gia chánh, sức khoẻ, đến các đề tài yểm trợ cho các vận động dân chủ trong nước. Người bạn đặc biệt này đã hợp tác với anh Tạ Xuân Thạc thành lập Văn Đàn Đồng Tâm. Sau 4 năm hoạt động không ngừng nghỉ, với số năng lượng tưởng chừng như được cung cấp bởi 1 lò nguyên tử năng, anh đã đẩy mạnh các hoạt động của Văn Đàn Đồng Tâm lan tràn ra mọi lãnh vực văn nghệ và văn chương và qua khắp biên giới lục địa. Anh chính là Trần Việt Hải, tác giả với bút hiệu Việt Hải LA. Anh là một người bạn chân tình mà tôi thương, quý mến và chân thành ngưỡng mộ.
Việt Hải phát biểu hoạt bát trong một 1 tiệc họp
mặt thân hữu tại Nam Cali (2002)
Trân, Cát Biển (Huntington Beach, Nam Cali -2002)
Một trong những điểm son của Văn Đàn Đồng Tâm là bắt tay với Trung Tâm Asia để hoàn thành tác phẩm “Kỷ Niệm Về Nhạc Sĩ Anh Bằng” phát hành vào tháng 9, 2009 song song với DVD Asia 62 “Anh Bằng Một Đời Cho Âm Nhạc” cùng lúc với Tuyển Tập Đồng Tâm 9. Đây không phải là lần đầu Văn Đàn Đồng Tâm cùng lúc phát hành nhiều tác phẩm. Những tác phẩm như (Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ / Cội Tùng Trước Gió, Vinh Danh Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, Kỷ Niệm Về Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh - Từ Chiến Sĩ Đến Khoa Học Gia, Kỷ niệm Về Nhạc Sĩ Anh Bằng...) đều được Văn Đàn Đồng Tâm đóng góp bài vở song song với các Tuyển Tập Đồng Tâm từ 1 đến 9. Các thành quả nêu trên đều do sự đóng góp chủ lực của Việt Hải.
Một người bạn mới quen và gặp anh lần đầu sẽ đi từ ngạc nhiên đến mến phục khi biết ra người đang giao tiếp vận động rộng rãi hằng ngày trên mạng, vẫn phải cố vượt qua những giới hạn của một thể xác từng 2 lần đối phó sống còn với chứng đột quỵ.
Tiềm lực đặc biệt của Việt Hải là ở bản chất hoạt bát, khả năng giao tế, sáng tạo, kết hợp và niềm tin. Nếu nói 2 lần bị đột quỵ là một đe doạ quan trọng đến mạng sống riêng anh, nó lại giúp cho anh có cơ hội đóng góp toàn thời gian cho đam mê thi văn nói riêng, và kết hợp văn hoá trên mạng nói chung. Trong vòng vỏn vẹn 4 năm thành lập, Văn Đàn Đồng Tâm đã tổ chức nhiều buổi ra mắt sách quan trọng từ Houston sang San Jose, Little Saigon, Úc Châu và lập chương trình các buổi RMS tại nhiều quốc gia khác. Văn Đàn Đồng Tâm đã quy tụ rất nhiều tài năng thi văn nhạc khắp nơi.
Việt Hải nối tiếp được thế hệ lớn đi trước và thế hệ trẻ đi sau. Anh như thổi luồng gió hồi sinh cho những tác giả từng rất nổi tiếng một thời, qua chương trình ấn hành một loạt các sách Tuyển Tập nhằm vinh danh những người đã đóng góp đáng kể vào Văn Hoá Việt (như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Xuân Vinh, Anh Bằng, Lê Dinh, Lê Văn Khoa, Lam Phương, Hà Thượng Nhân, Lê Hữu Mục, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Thanh Liêm v.v..). Theo tôi nghỉ Việt Hải đã làm được một điều rất tốt, là sự tận tình nâng đỡ, đề cao, tu bổ các tác giả trẻ tuổi để truyền đạt đam mê sáng tạo văn học. Anh liên tục giúp đỡ một cách không mệt mỏi các cây viết trẻ về những hướng đi quan trọng trong văn chương.
Phú Vang, Vũ Thư Nguyên, Việt Hải (2002)
Khởi đầu bài viết này tôi có ý định viết về “thơ của Việt Hải” vì theo tôi, thơ là thước đo khá tốt về chiều sâu của 1 người sáng tạo. Nhưng rồi tôi cảm thấy không ổn, vì lúc trước Việt Hải đã viết nhiều thơ, nay lại viết nhiều, không, phải nói rất nhiều - văn đủ thể loại. Nếu tôi cố gồm thâu cái nhìn tổng hợp về sáng tác của anh thì bài viết này phải rất dài.
Thay vì đưa tay đầu hàng vô điều kiện vì Việt Hải sáng tác quá nhiều, cuối cùng tôi chọn 1 góc cạnh thích hợp cho bài này. Đó là những gì tôi quý mến và ngưỡng mộ Việt Hải với cái nhìn của một người bạn từng có cơ hội sáng tác song hành với anh qua 10 năm. Như vậy, những ai muốn tìm những lời lẽ “phết vôi” khen lấy khen để về thi văn của Việt Hải có thể sẽ thất vọng. Tôi chỉ muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của tôi tìm được trong những mẫu chuyện thân tình về một người bạn mà tôi rất quý. Như vậy, hạnh phúc là điều chính người viết sẽ tìm thấy được trong bài viết này. Bài này sẽ rất ngắn hơn dự tính ban đầu, nhưng chuyên chở tình cảm bao la cho người bạn tôi thương quý và ngưỡng mộ.
Có lần tôi tự hỏi, chúng ta sẽ mất hoặc thiếu đi những hạnh phúc nào nếu Việt Hải chưa từng xuất hiện trên mạng?
Đây nhé, ít nhất chúng ta sẽ mất đi các đối đáp dí dỏm trên mạng (mà đôi khi chính tôi là nạn nhân). Chúng ta sẽ thiếu đi sợi giây liên lạc, nhất là khi hữu sự (hay hậu sự). Chúng ta sẽ mất đi một động cơ ngàn mã lực chạy bằng nuclear power nhằm thúc đẩy các sáng tác mới, trăm hoa đua nỡ, cho Di Sản Việt. Chúng ta sẽ mất đi 1 lòng tri ân các nhân vật văn hoá có công lao, của tập thể Người Việt Hải Ngoại. Các nhà đấu tranh chân chính trong nước sẽ mất đi 1 cánh tay dài hỗ trợ. Các nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ sẽ thiếu đi một nối kết vô hình “liên-lục-địa”. Các cây bút trẻ sẽ thiếu đi 1 tấm lòng hướng dẫn, nâng đỡ và 1 bàn tay nắm víu khi bước về với văn hoá cội nguồn, gọi là Cultural Identity, trong dòng sinh hoạt Đa Nguyên Nước Mỹ...
Ở Việt Hải tôi tìm thấy một giấc mơ. Giấc mơ lưu lại điều gì đó giữa vô thường. Hành trình của anh là chia sẻ và cám ơn. Chia sẻ là trao đổi, phấn đấu, góp một bàn tay, lưu lại di sản văn hoá Việt cho thế hệ kế tiếp. Cám ơn là tri ân từng ngày hiện hữu đã cho người Việt cơ hội vươn lên. Và lựa chọn Cứu Cánh của anh là những đóng góp về sáng tạo văn hoá nghệ thuật. Tôi, với tính cách một bạn thân, được ghế ngồi đặc biệt để xem sân khấu mỹ lệ đó. Từ những ngày góp sức dự Ra Mắt Sách Văn Đàn Đồng Tâm tại Bắc Cali năm 2007, rồi họp mặt TMC năm 2008, chúng tôi có dịp về tá túc chung với nhau mấy ngày để thấy thương bạn mỗi khi thay quần áo, đi đứng, chải đầu. Những cử động mà chúng ta làm hằng ngày trong vô thức như cài nút áo hay mang giầy v.v... đối với Việt Hải đều là những thủ tục cần chú tâm và cố gắng. Ấy vậy mà Việt Hải hăng say sáng tác, mải mê vận động và cổ động. Anh là người tạo nên giông bão. Anh đã từng đối diện sự chết. Và anh đã sống bằng trăm lần các người khác đã sống.
Anh xuất hiện trên mạng nhiều hơn là trên sân khấu của những buổi trình diễn họp mặt. Anh vui trong sự thành công của bằng hữu. Và cũng phải nghe nhiều lời than khi người khác phạm lỗi. Anh làm tôi liên tưởng lời bà Harriet Tubman. Trên con đường đấu tranh cho tự do một phụ nữ can đảm người New York, bà Harriet Tubman, người đã liều mạng sống nhằm cứu những nô lệ đi trốn từng chỉ dẫn: "Nếu bạn nghe chó sủa, cứ bước tới. Nếu bạn thấy đuốc đi lùng thắp sáng đầy rừng, cứ bước tới. Nếu có tiếng la đuổi theo bạn, cứ bước tới. Không bao giờ ngừng lại. Cứ bước tới. Nếu bạn muốn nếm mùi vị của Tự Do, bạn phải ngang nhiên bước tới"...
If someday life turns me into a corner,
When I have a little choice of life,
My eyes may dimmer low,
My steps may not be strong,
I need to lean on someone,
To whom I would reach out to ask,
Take me through valley of sadness,
I would claim of you a promise,
Of thanks for your heart of gold,
It is simply because of this, my dear,
And it is you will be my love forever…
(Việt Hải, “Will You Love Me Still”, February 27, 2003)
Câu chuyện tình của Việt Hải và Lệ Hoa cũng có nhiều chi tiết rất thơ mộng. Việt Hải từng lãng mạn đến độ bất ngờ bay qua Đài Bắc để tìm gặp người yêu trong chuyến du lịch của nàng. Khi đến nơi, đã trễ vì nàng và các chị em đã sang Thái Lan. Việt Hải tức tốc dò tìm chi tiết, bay tiếp sang Thái Lan, để rồi tìm được đến gõ cửa tận phòng khách sạn của người yêu, và được Lệ Hoa chào đón bằng những giọt nước mắt nhớ thương, cho bao phiền muộn và hiểu lầm qua đi. Tại Thái Lan với biển đẹp, cát trắng và những hàng dừa thơ mộng cặp tình nhân đã vui chơi trong hạnh phúc. Trên bờ biển, Việt Hải viết hàng chữ trên cát “ VH & LH 06/1984”. Sóng biển tràn vào xoá đi “06/1984”, Lệ Hoa mĩm cười viết lại “Forever” thay vào các con số vừa bị xoá, thành ra “VH & LH Forever”. Và nơi bờ biển thơ mộng đó khi Việt Hải ngỏ lời trăm năm, Lệ Hoa mỉm cười chỉ vào hàng chữ và sung sướng gật đầu.
Một bài thơ khác của Việt Hải viết cho Lệ Hoa có lời lẽ chân thành như sau:
Em về giấc ngủ cô đơn,
Ðể anh thao thức, chập chờn đêm thâu,
Da em là lụa Tô Châu,
Mắt em như thể trân châu ngọc ngà,
Môi hôn má thắm mặn mà,
Hoa đăng nét mặt thật thà ngây thơ,
Em ơi hãy ngủ như mơ,
Anh ru em ngủ đơn sơ miệt mài,
Say mê giấc mộng thiên thai,
Cho anh hạnh phúc trọn ngày bên em.
(Việt Hải, Giấc ngủ cô đơn)
Khi Việt Hải bị stroke lần thứ hai vào năm 2003, mỗi ngày tôi liên lạc với Lệ Hoa khi chị ghé thăm chồng mỗi sáng để trao đổi tình hình sức khoẻ của Việt Hải. Sau đó tôi thông báo diễn tiến bệnh tình của anh trên mạng với nhóm sáng tác thơ văn MĐV. Mỗi ngày qua các chi tiết bệnh tình tôi còn như được thố lộ thêm nổi âu lo của một người vợ với 2 con còn quá nhỏ và áp lực từ bốn bề đến nỗi chị không còn 1 tí thời giờ gì cho chính riêng mình nữa. Có một điều là tôi và chị từng nói chuyện điện thoại không biết bao nhiêu lần, mà mãi năm 2008 mới gặp nhau lần đầu, khi tá túc tại nhà anh Tạ Xuân Thạc tại Houston trong kỳ hội ngộ của nhóm TMC. Sau lần stroke thứ nhì của Việt Hải, nhóm thân hữu chúng tôi từ San Diego, Irvine, Little Saigon cùng kéo nhau mười mấy mạng trong 3 chiếc xe van nối đuôi lên bệnh viện vùng Thousand Oaks thăm Việt Hải. Lúc ấy anh đã hồi tỉnh nhưng chưa phát âm được, tất cả liên lạc chỉ là ra dấu và gật đầu. Tôi nghỉ tấm lòng của bè bạn đã giúp anh thêm năng lực phấn đấu, vì bạn bè còn đó, vẫn thương quý mong anh mau hồi phục.
Sau này khi Việt Hải cùng anh Tạ Xuân Thạc và nhà văn Doãn Quốc Sỹ thành lập Văn Đàn Đồng Tâm, chính anh Tạ Xuân Thạc là một thầy thuốc hiệu quả nhất giúp Việt Hải phục hồi tiếng nói. Anh Thạc thường xuyên liên lạc Việt Hải bằng điện thoại hằng ngày thăm hỏi, bàn việc. Nhờ đó Việt Hải sử dụng tiếng nói liên tục. Lúc đầu Việt Hải phát âm khó khăn, nhưng với cố gắng phi thường dài theo năm tháng phấn đấu, anh đã phục hồi được khả năng phát âm gần như trọn vẹn. Dạo trước tôi không hiểu hết những lời Việt Hải nói qua điện thoại, giờ đây tôi có thể nghe và hiểu, không còn vấn đề nữa.
Theo dòng thời gian, giờ đây gia đình Việt Hải là một tổ ấm đầy hạnh phúc. Hai cháu trai Hải Việt và Hải Nam giờ đã thành hai thiếu niên văn võ song toàn, vừa học giỏi về văn hoá vừa trau dồi võ nghệ, đã là Huấn Luyện Viên Hoàng Đai của môn võ thuật Thiếu lâm Kienando và thụ huấn thêm kỹ thuật của môn phái Vovinam. Ngoài ra hai cháu còn chơi trong ban nhạc.
Hải Nam trong ngọn phi lôi cước ngoạn mục
Hải Việt trong ngọn phi cước bay bổng nunchaku
Hải Việt, Hải Nam trong ban nhạc
Trong tình bạn tôi quý Việt Hải vì một điều nữa, thân phụ của anh là một niên trưởng khả kính trong giới SQ Hải Quân. Việt Hải viết về thân phụ mình với lòng yêu thương cha vô bờ bến, và hình ảnh người cha là ánh hải đăng giúp anh noi gương phấn đấu trong cuộc đời. Hãy lắng nghe Việt Hải kể về Cha mình:
“Cha tôi có sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ, tôi nhớ ông tập luyện võ thiếu lâm, thái cực quyền, hít thở khí công và tập chạy bộ. Hồi tôi còn nhỏ có những sáng sớm chủ nhật ông và tôi chạy bộ tàng tàng từ góc đường Cường Để và Lê Thánh Tôn gần bến Bạch Đằng ngược về hướng đường Thống Nhất để vào Sân Hoa Lư, rồi chạy nhiều vòng trong đó, tôi chạy lẽo đẽo theo sau mà đôi chân gần như rã rời, lứa tuổi lên 9 hay 10 của thời còn non nớt. Cha tôi vẫn tiếp tục chạy và hít thở điều hoà vòng cái sân vận động này, tôi mệt lả cứ tà tà tiếp tục cuốc bộ quanh sân sau khi cảm thấy mình hết xí quách. Đoạn ông chạy băng qua mặt tôi, bằng cử chỉ trìu mến ông xoa nhẹ lên đầu tôi và nói vọng theo: "Hãy ráng lên con!". Vâng, câu nói tuy tầm thường như vậy mang nhiều ý nghĩa đặc biệt với tôi sau này khi trưởng thành. Khi đi học võ ra giao đấu bị trúng đòn của đối phương, hay giao đấu tennis nếu có thua phải về luyện lại, hãy ráng lên và ráng lên,... Rồi oan khiên khi hai mùa thu năm ấy tôi bị hai con quái vật "Celebral Hemorrhage Stroke", tức chứng tai biến vỡ mạch máu não đốn tôi ngã quỵ như một võ sĩ bị hạ đo ván, tôi nhìn 2 cháu con trai tôi, tôi nhớ đến lời khuyên năm xưa của cha tôi "Hãy ráng lên con!" và tôi cố gượng đứng dậy cho các con tôi hiểu rằng cha chúng sẽ luôn cố gắng và không bỏ cuộc.
Những kỷ niệm thời niên thiếu với cha tôi vẫn đong đầy trong trí nhớ. Khi cái thuở mới đi học ông là người gò tay cho tôi tập viết, ông hướng dẫn tôi những bài toán đố khó khăn với tâm trí thơ ấu tôi tại bậc tiểu học. Cha tôi là người đầu tiên dạy tôi viết và phát âm từng câu Anh ngữ và Pháp ngữ. Khi đau yếu, cha tôi phát thuốc cho uống, những viên thuốc nhức đầu hay cảm cúm đầy ân tình của thời xa xưa đó đã tạo cho tôi cái tiền lệ để sau này tôi phát thuốc lại cho các con tôi. Ngày lễ Cha kể về Cha, nhớ về Cha, tri ân Cha với những ân tình phụ tử vốn nồng nàn, vốn thiêng liêng, hay để nhớ về dĩ vãng cũ vẫn sống mãi và thật đẹp trong tôi.
Năm 1963 khi ông sang học tại Mỹ, ông gửi về cho gia đình một bức hình chụp ông cùng 3 người bạn đồng khoá của (1) hải quân hoàng gia Úc, (1) Đan Mạch và (1) Hy Lạp tại cây cầu sơn đỏ Kim Môn (Golden Gate). Bốn người thanh niên trong bộ lễ phục hải quân đại diện cho QG mình và họ khoác thêm áo navy overcoat màu navy blue đang tươi cười rạng rõ trước ánh ban mai của mùa Xuân chan hoà tại vịnh San Francisco, mặt sau ông ghi vài dòng chữ mà nét chữ ông viết quen thuộc và trân quý trong ánh mắt tôi: "Hải con thương,Ba hy vọng sau này con có dịp sang đây để nhìn thấy cái kỳ quan Golden Gate Bridge này của thế giới. Nó thật hùng vĩ con à. Ba TPD".
Hôm sau tôi mang vào lớp học khoe ngay với các bạn học, mà cả bọn nhóc tì của tôi xuýt xoa. Có đứa bảo: "Ba mày le thế!". Tôi cười tít mắt vì "tuổi trẻ thích lấy le đấy". Thật ra chúng tôi chả đứa nào dám ước mơ xa vời như chuyện thần tiên đặt chân đến một xứ giàu có mà lại xa xôi, thì cái ước mơ đặt đôi chân nhỏ bé lên vỉa hè gần chân cầu Kim Môn của San Francisco vốn là chuyện thần thông, hoang đường. Nếu có mơ thì bọn nhóc chúng tôi chỉ dám mơ ước được có một lần bước lên phi cơ để xem bên trong nó như thế nào và có được cái cảm giác mình ra sao khi nó bay trên mây thôi thì chúng tôi hả dạ lắm rồi.
Sau này ông được thả ra sau khi bị tù đầy tại miền Việt Bắc 13 năm, ông sang Mỹ sau gần 30 năm mà ông đã đến xứ này. Mùa hè 1993, tôi chở ông lên San José thăm các bạn ông, xong tôi đưa ông ghé thăm bên nhà vợ tôi tại Sacramento, trên đường về lại trùng hợp ngay Father's Day, tôi đánh đường vòng qua San Francisco trước khi về lại Los Angeles. Tôi cho xe đừng tại công viên khu rest area ngay chân cầu Kim Môn. Hai vợ chồng tôi trong bộ đồ sweat-suit và khoác áo chiếc áo tennis jacket. San Francisco vào 3 giờ chiều có gió lồng lộng lùa trên mặt biển thổi lạnh cóng chân tay dù là mùa hè nắng vẫn còn nhiều, nắng chiều chiếu xuống dòng nước biển xanh. Ánh mặt trời chiếu sáng từ hướng Oakland cho thấy cả vùng trời bao la quanh vịnh thật đẹp mắt. Dáng của Ba tôi lúc này trông quá già, ông ốm yếu, hom hem trong nỗi ngậm ngùi của tôi, ông khoác chiếc áo pardessus đen phủ kín người để chống lạnh, tôi ôm cha tôi khi máy ảnh liên tục bấm hình do vợ tôi làm phó nhòm. Tôi kể lại cho cha tôi nghe bức hình năm xưa mà ông gửi với lời ước mơ nếu tôi có dịp đến nơi đây để chiêm ngưỡng một kỳ quan thế giới, và vì chuyến đi đường vòng xa xôi này chỉ đưa cha tôi về lại dĩ vãng của ngày xưa mà ông đã quên lãng. Chuyến đi lại may mắn diễn ra đúng ngày lễ dành cho Cha hay ngày Lễ Cha, tôi bắt tay ông, xiết nhẹ trong nỗi hạnh phúc và hôn lên bờ vai gầy guộc của ông thay cho lời chúc mừng: Happy Father's Day.” (Việt Hải, “Ân Tình Người Cha”)
Sau 14 năm tích cực tham dự diễn thuyết trong hội Toastmasters International tại Texas và California, tôi có thói quen thâu thập và cất giữ các bài diễn văn mà tôi yêu thích. Có một bài diễn văn mà tôi rất quý của Steve Jobs, người sáng lập công ty Apple Computer. Bài diễn văn có tựa đề “Bạn Phải Tìm Thấy Điều Bạn Yêu Thích”, là lời nhắn nhủ của diễn giả danh dự Steve Jobs trong buổi lễ Tốt Nghiệp của trường Đại Học danh tiếng Stanford vào tháng 5, 2005. Đoạn cuối bài diễn văn Steve Jobs kể lại câu chuyện, kinh nghiệm, và cái nhìn của ông về sự chết như sau:
“Khi tôi mới 17 tuổi, tôi có đọc được một danh ngôn đại loại là: “Nếu bạn sống mỗi ngày như là ngày cuối đời bạn, dần dà đời bạn sẽ khá hơn lên.” Câu danh ngôn này để lại một dấu ấn trong tôi, rồi suốt 33 năm qua mỗi sáng tôi đều nhìn vào gương và tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cuộc đời tôi, tôi còn ham muốn làm những gì tôi sắp làm hôm nay không?” Mỗi khi tôi trả lời “Không” liên tiếp chừng tuần lễ, tôi tự biết tôi cần phải thay đổi một cái gì đó.
Luôn tự nhủ là tôi sẽ phải chết sớm thực là một tuyệt chiêu, nó giúp tôi nhiều phen khi phải làm những quyết định quan trọng trong đời. Bởi chưng mọi thứ quanh ta – từ những trông mong ngoại cảnh vào khả năng của ta, những tự mãn cùng nỗi sợ hãi bị làm mất thể diện hay sợ thất bại – những điều như trên chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi ta chạm mặt tử thần. Lúc đó chỉ còn những gì tối hệ trọng mới đáng kể. Luôn ghi nhớ rằng tôi sắp chết là cách tốt nhất tôi dùng để tự đối phó mỗi khi tôi nghĩ tôi sắp thua một ván bài nào đó. Khi bạn bị dồn vào chân tường và bị lột trần như nhộng, còn gì mất nữa đâu và bạn an nhiên nghe theo tiếng lòng mình.
Khoảng một năm về trước, tôi bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Tôi được chụp quang ảnh ngay từ khoảng bẩy giờ rưỡi sáng hôm đó, kết quả cho thấy rõ ràng tôi bị bướu ở tuỵ tạng (pancreas.) Lúc ấy tôi cũng chả biết tuỵ tạng là cái gì. Các bác sĩ bảo tôi rằng loại ung thư này thuộc loại vô phương cứu chữa, và rằng tôi chỉ còn sống được cao lắm là từ ba tới sáu tháng mà thôi. Bác sĩ khuyên tôi nên về nhà “giải quyết chuyện gia đình cho có trước sau,” hàm ý bảo tôi về nhà chuẩn bị chết đi là vừa. Đối với tôi, điều này có nghĩa là tôi phải gom cho gọn lại những gì tôi sẽ dạy bảo cho lũ con tôi trong mười năm để chỉ dạy dỗ trong vòng vài ba tháng. Điều này cũng có nghĩa là tôi sẽ phải bạch hoá mọi chuyện trong nhà để người thân của tôi còn biết đường lo liệu. Điều này có nghĩa là tới giờ đi chào vĩnh biệt mọi người.
Tôi đã sống với cái chẩn đoán đó suốt ngày. Tới tối,tôi được làm một phẫu thuật nhỏ, người ta thọc một ống nội soi qua cổ họng, xuống dạ dày tới ruột, rồi cho một kim chích vào tuỵ tạng để lấy vài tế bào của cục bướu. Tôi được chích thuốc gây mê, nhưng vợ tôi cũng có mặt ở phòng mổ đã kể lại rằng khi các bác sĩ khám nghiệm các tế bào này qua kính hiển vi, họ đã reo lên vì cục bướu của tôi thuộc loại bướu tuỵ rất hiếm và có thể khỏi bịnh được sau khi đã lấy nó ra. Tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật ấy và khỏi bịnh rồi.
Có lẽ đây là lần tôi cận kề cái chết nhất trong đời, tôi mong sẽ chẳng phải trải qua một thử thách nào tương tự trong ba bốn mươi năm tới. Đã trải qua kinh nghiệm sinh tử này, tôi muốn nhắn nhủ các bạn đôi điều:
Chẳng ai muốn chết cả. Ngay cả những ai muốn lên Thiên Đàng cũng không muốn phải chết trước rồi mới tới nơi ấy. Tuy vậy, sự chết là điều mà ai cũng sẽ phải trải qua. Chưa ai vượt thoát khỏi sự chết. Và điều này thì cũng tự nhiên thôi, bởi chưng Sự chết là sáng chế tuyệt vời, độc nhất vô nhị của Sự sống. Nó là tác nhân làm thay đổi Sự Sinh Tồn. Nó dẹp bỏ đi những gì cũ kỹ để dọn chỗ cho cái mới tiếp vào. Ngày hôm nay các bạn chính là cái mới đấy, nhưng một ngày nào đó trong tương lai gần, các bạn sẽ lão hoá và sẽ bị sa thải khỏi địa cầu. Xin lỗi các bạn vì tôi có vẻ như cường điệu hoá quá đáng, nhưng đây là sự thật.
Vì sự hiện hữu của các bạn chỉ có hạn, bạn chẳng nên sống cho người khác. Đừng bị bó buộc bởi những giáo điều, vì chúng sẽ làm bạn sống với những khuôn khổ do người khác đặt ra. Đừng để những ý kiến của người khác làm nhiễu loạn cái tâm của bạn. Trên hết, hãy can đảm đi theo tiếng gọi của trực giác và khởi tự tâm mình. Những tiếng lòng này thật vi diệu vì chúng biết rõ bạn sẽ ra sao ngày sau. Mọi thứ khác trên đời chỉ còn là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, tôi thường mua một quyển sách rất đặc sắc tên là “ Thư Mục Toàn Cầu“, sách này là một trong những sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi...Steward và Ban Biên Tập của ông xuất bản vài bộ “Thư Mục Toàn Cầu,” rồi khi ấn phẩm đã có vẻ thoái trào, họ cho in ấn bản cuối. Lúc ấy là vào khoảng giữa thập niên bảy mươi, khi tôi còn trẻ măng như các bạn bây giờ. Ở bìa sau ấn bản cuối này là một tấm hình chụp một con đường làng lúc sớm mai, cái kiểu đường làng làm bạn muốn nhảy dù đi chơi xa nếu bạn thuộc típ người mạo hiểm. Dưới hình là dòng chữ: “Stay Hungry. Stay Foolish.”(“Giữ lòng thèm khát, và một thái độ liều dại”)
Đó là lời chúc giã từ của ban biên tập trước khi đình bản bản sách vĩnh viễn. Tôi luôn tự chúc mình như vậy. Giờ đây, khi các bạn sắp tốt nghiệp để bắt đầu một đời sống mới, tôi cũng chúc bạn như vậy. Stay Hungry. Stay Foolish.”
Tôi thấy đây chính là điểm chung giữa Steve Jobs và Việt Hải. Cả hai luôn luôn “Stay Hungry, Stay Foolish”. Cả hai đang làm rất nhiều việc mà con người bình thường không làm được. Họ đạt kết quả bất chấp những khó khăn thể xác.
Một điều tôi học hỏi qua năm tháng, là người nào có thể làm mỗi giây phút tràn ngập một nội dung sâu sắc, thì người đó sẽ kéo dài vô tận cuộc đời mình. Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn nhân tính trưởng thành từ bão táp. Đi qua cuộc đời chúng ta không khỏi ghi nhận và cám ơn vì có những người bạn đã quan tâm và yêu quý tha nhân. Vì họ nâng đỡ và khuyến khích bạn bè. Vì họ truyền năng lực cho người khác, hơn chính bản thân họ. Vì họ làm nên sự khác biệt, cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn. Đối với những người bạn này chúng ta có hạnh phúc của kỷ niệm quá khứ, an lạc hiện tại, và ước mộng đẹp của tương lai.
Có những người đi qua thời gian mà không để lại dấu vết gì cả. Riêng Việt Hải để lại nhiều dấu chân trên mặt đất và dấu ấn trong tim bạn bè. Anh luôn chiếm ngự trong lòng tôi nhiều trân quý của tình bạn và lòng ngưỡng mộ chân thành. Mong rằng Việt Hải luôn có đủ hạnh phúc để vui vẻ; đủ thử thách để mạnh mẽ hơn; đủ niềm vui nỗi buồn để trưởng thành hơn; và đủ sức sống, để sáng tạo. Mong anh sẽ đẩy mạnh thật nhiều cho khu vườn Di Sản Văn Hoá Việt của chúng ta nở thật nhiều hoa ngát thơm muôn sắc.
Cát Biển (Oct 2009)
Cát Biển - Hiện cư ngụ tại Philadelphia, PA. Cựu Sĩ Quan Hải Quân Khóa 20 Nha Trang. Hoạt động thi, văn, nhạc trong: Ban Biên Tập Hồn Quê, Trinh Nữ, Chuồng Gà, Cây Me, nhóm Việt Bút (Viết Về Nước Mỹ), Văn Đàn Đồng Tâm, Em Ca Hát, Nhạc Việt, The Music Club (TMC). Nhiều năm tích cực đi diễn thuyết trong hội Toastmasters International tại Texas và California; Giải Nhất (Region 3 Championship of Public Speaking) 1986. Xướng Ngôn Viên Truyền Hình Việt Nam do nhóm Người Việt chủ trương (cùng với Trầm Tử Thiêng), Nam Cali 1986-1989. Tác phẩm đã xuất bản: Thi tập Trùng Khơi Sóng Vỗ (2002), Tình Thơ Áo Trắng (2003).
*
No comments:
Post a Comment