Sunday, September 6, 2009

Một Thời Bên Phố



Một Thời Bên Phố

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Thôi Hiệu)

Thế giới đang chuyển mình bước vào một thiên niên kỷ mới. Giữa nhịp sống dồn dập với bao nhiêu phát minh mới của khoa học, bao nhiêu đổi thay kinh tế nhằm cải tiến nếp sống con người, ai đó vẫn còn đang dừng lại ngóng tìm bóng dáng quê hương như lời thơ của Thôi Hiệu mà đã được Vũ Hoàng Chương gửi gấm nỗi tâm sự miên man trong lời kêu ai oán cuối quãng đời người thi sĩ: "Gần xa chiều xuống đâu quê quán? Chớ giục cơn sầu nữa sóng ơi"...

Có những hình ảnh nào đó đã ghi khắc sâu đậm trong tâm tư mà mình không thể nào quên được. Những kỷ niệm thân thương như mảnh lụa nhung êm ả quấn quyện vào tâm khảm, chiếm một chổ dịu dàng yêu dấu nhất của ký ức con người mà ta mang theo cả cuộc đời để thương và để nhớ...

Vào khoảng cuối thập niên 50, một biến cố đáng kể đến với gia đình chúng tôi. Chúng tôi phải dọn khỏi phố vườn bông (được gọi là "bùng binh") Phan Thiết trên đường Lê Văn Duyệt, bỏ lại đằng sau mớ kỷ niệm đáng yêu. Bao nhiêu hình ảnh thân thương với các bạn bè nhỏ bé của tuổi ấu thơ, với các chị và 2 cô em gái chúng tôi tại căn nhà ấy, tức là tiệm may Phan Sinh kế bên nhà hàng Nam Thạnh Lầu (mà mọi người vẫn gọi là "quán Hai Mọi", cách vài căn từ tiệm may Mai Xuân Trượng), bỗng nhiên trở thành quá khứ. Một cái gì hụt hẫng trống vắng xâm chiếm cả tâm hồn ngây thơ khờ dại trong tôi... Thời gian sau, khi tôi có dịp trở lại căn nhà củ lần đầu tiên, tôi thấy mình là một kẽ xa lạ đứng ngỡ ngàng bên lề đường, nhìn thoáng vội vã vào bên trong căn nhà củ như sợ ai bắt gặp. Căn nhà thân yêu đó, bây giờ được mang tên mới là tiệm Huê Lợi với các thùng đinh ốc và vật liệu xây cất trông thật kỳ lạ được bày bán từ trong ra ngoài. Các dấu vết thân yêu các tiếng cười tiếng ca xưa không còn nữa, dầu nắng chiều vàng mềm mại vẫn còn lung linh từ mái hiên khu hàng xóm củ. Hương thơm từ không gian cao như đã ngừng rơi đâu đó...Những ấn tượng thời niên thiếu ấy đã theo dòng đời trôi vào quên lãng từ hơn 40 năm qua. So ra, nó chỉ là một phần gì rất khiêm nhượng, quá tầm thường, thật nhỏ bé, so sánh với những mất mát đau thương nghiệt ngã, những đòn thù mà con người VN đã phải hứng chịu sau 1975. Nhưng đống tro tàn kỷ niệm ấy phải chăng chỉ là lớp khoác che đậy những tâm tư vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng kẽ tha hương, chỉ chờ ai đó khơi lại để trôi về, như người xưa ngóng đợi một mình bên bờ sông vắng vì ai đó đã lỗi hẹn...

Vào những tháng ngày thơ ấu trong trí nhớ non kém mà tôi còn có thể hình dung được, cả phố Phan Thiết bình dị vừa chứng kiến nhiều dâu bể đổi thay trong nước. Vua Bảo Đại xuống, Ngô Đình Diệm lên thay, sau một cuộc bầu cử "trưng cầu dân ý". Tân Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người từng giữ chức Tuần Vũ Bình Thuận lúc mới tròn 21 tuổi, một chức vụ tương tự như Tỉnh Trưởng sau này. (Sau cuộc đảo chánh năm 1963, giấy khai tử của ông có kê khai chức vụ của ông là "Tuần Vũ Bình Thuận" chứ không phải là "Tổng Thống VNCH"). Đồng bạc mới VN thời đó đó có giá trị đáng kể. Chỉ cần hai cắc bạc chúng tôi có thể mua được cả một rổ ốc ruốc về để chị em chúng tôi "lể" ăn mệt nghỉ. Tôi nhớ lúc chánh phủ mới vừa cho lưu hành tiền mới, tôi cầm đồng bạc mới do má cho, đi mua món trái cây trị giá năm cắc. Bà bán hàng không thối lại năm cắc mà lại bà xé đôi đồng bạc giấy trả cho tôi một nữa vừa được xé ra! Trong hoang mang tôi về kể với các chị và ba má, thì mới hiểu lúc đó tân chính phủ vừa nhậm chức chưa có tiền cắc mới để cho lưu hành.

Dạo ấy MTGPMN vẫn còn trong trứng nước, chưa được Đảng CS Bắc Việt cho chính thức ra đời, nên các tuyến đường xe đò và các chuyến xe lửa đi Sài Gòn hoặc ra Nha Trang chưa bị phá hoại, vẫn còn lưu hành thông suốt. Thành phố hiền hoà quê tôi được hưởng vài năm yên lành trước khi thực sự chứng kiến những thãm cảnh của chiến tranh làm tan đi mất những hi vọng về hoà bình của người dân trong phố. Thời gian ấy tôi được may mắn theo ba tôi mấy chuyến đi Sài Gòn bằng xe lửa. Xe khởi hành rời ga Phan Thiết khoảng chừng sập tối, mình có thể ngủ một giấc cho đến khi xe ghé các trạm khuya thức dậy ăn cháo gà, rồi đến cổng ga Sài Gòn (công trường Quách Thị Trang sau này) với một không khí hấp dẫn thật khác lạ do các tiếng xích lô máy nổ bình bịch, dù lúc trời chỉ vừa tờ mờ rựng sáng. Thành phố Phan Thiết bình dị trong các năm có thể nói là thanh bình ấy thật đáng yêu với các phiên chợ Tết nhộn nhịp, và khắp phố phường dấu vết của hạnh phúc thấp thoáng ló dạng đâu đây. Ba tôi không còn đi lưu diễn với đoàn hát nữa, về lại Phan Thiết lập nghiệp với tiệm may Phan Sinh. Tuy nhiên các diễn viên củ trong đoàn hát như cô Út, chú Tao Ngộ, chú Võ, v.v... vẫn ghé thăm nhà tôi để cùng đờn ca xướng hát các bài bản ưng ý của thời đi lưu diễn. Thỉnh thoảng ba tôi vẫn ngân nga những bài ca xưa, cả những khi ông đang cắt vải thoăn thoắt theo đường phấn kẻ màu xanh với chiếc kéo cắt thật bén và lớn, hoặc lúc chân đang đạp đều nhịp chiếc máy may với đôi tay ông lèo lái các đường vải. Các máy may khác trong nhà chạy đều theo nhịp đạp của các thợ chính, thợ phụ, hoặc các anh còn đang tập sự. Các anh thợ thanh niên thì dạn dĩ hay ca góp vui nối tiếp theo ba tôi, hoặc có người ra câu đố, hoặc kể chuyện vui. Các người giúp việc đôi khi cũng trở thành đề tài cho các thanh niên giỡn phá. Các chị thợ thường chỉ phụ đơm khuy và kết nút, tham gia cuộc vui một cách kín đáo hơn bằng các tiếng cười dòn. Chị Sáu thường bị các anh thợ chiếu cố trêu ghẹo suốt ngày vì chị có nét xinh ở tuổi dậy thì. Sau giờ làm việc, các anh chị vẫn còn tiếp tục kể chuyện vui hoặc đờn ca, có khi còn ngũ lại đêm trong 1 phòng lầu dưới. Mé sau căn nhà, trên lầu trên có một bức tường bằng gạch, được xây hơi kiểu cọ, chừa khuyết một vòng tròn khá lớn như vầng trăng khiến cho người trong nhà có thể nhìn được ra sân thượng ở mé sau. Chị cả của chúng tôi, chị Hoàng Anh, thường leo ngồi vào vòng trăng đó, thả chân đong đưa vừa ca các bài như Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to... Dạo ấy chị Anh đã là 1 thiếu nữ cao và thon gầy trong chiếc áo dài trắng. Trong khi chị Hoàng Minh (tức chị Nam) vẫn còn học trường Nữ bậc tiểu học, chị Anh đã vào học trường Phan Bội Châu, được ba má tôi mua cho một chiếc xe đạp mà lúc nào chị cũng giữ bóng loáng. (Lúc sau, theo phong trào Velo Solex, chị cũng có 1 chiếc Velo thay cho xe đạp). Chị theo sát ba tôi từ những dịp đi lưu diễn hay cả những lúc ba đi đá banh bên Sân Vận Động. Các cầu thủ đá banh mặc quần shọt, áo may ô và mang giầy đinh. Có lần trên sân banh, khi chị Anh đang giữ áo quần của ba tôi vừa thay ra, một thanh niên đến nói với chị là "Ba của cô kêu tôi đến nhờ cô đưa quần áo cho ổng thay"... Chị Anh bèn đưa hết quần áo, có cả bóp và tiền bạc. Đến khi ba tôi đá banh xong, trở lại lấy quần áo đi thay, mới biết chị Anh đã bị kẽ lạ gạt lấy hết quần áo giấy tờ. Em Hoàng Yến kế tôi hãy còn bé chưa đi học, và em Thanh Hà chỉ mới chập chững biết đi. Trong các bài ca mà tôi nghe ba tôi ca, có một bài với lời thật ngộ nghĩnh khiến tôi theo hỏi và được ba cho biết là do bác Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh sáng tác, thời bác còn làm bầu gánh hát - thời thật xa xưa trước khi bác trở thành Dân Biểu. Bài hát này các chị em chúng tôi sau này đều thuộc lòng (và trở thành bài ca chung trong những dịp vui mỗi khi gia đình hội ngộ):
Mau vô trỏng, cúi đầu thưa với ổng
Rằng tôi đợi ngoài cổng
Rồi trở ra mau nói, để cho tôi thăm hỏi
Kẻo chờ lâu cẳng mỏi
Ông quan ấy thân với tôi lắm đấy
Tôi với ổng họ Trình
Trình ấy làm Quan
Còn Trình này thì bán quán giữa rừng "hoang"
Quán với Quan cũng gần
Quan với Quán một vần
Vì Trình ấy tuổi Dần có phần quan lớn
Còn Trình này tuổi Tý con chuột con, ở đầu non, nhưng mà ngon...

Những lúc cả nhà theo tiếng đờn của cha tôi quây quần ca hát, mẹ tôi thỉnh thoảng cũng ca góp một bài với lời lẽ thật xa xưa "Dạ dạ dập đầu ... Thưa chuyện với chị dâu ..." Có một bài ca rất dài mà lủ chúng tôi rất thích nghe giọng của Ba ca với những hơi ngân, những nhịp ngắt với tiếng song lang gỏ nhịp tài tình của điệu Xàng Xê, hoặc khúc lái ngân nga lên xuống giọng thật đặc biệt, khiến cho người nghe cảm thấy như có một làn mây ấm cúng nào đó đang vây quyện khắp không gian:

Hậu đô Bắc Hà,
Vào triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 46,
Hân hạnh được cung nghinh Đức Bình Bắc Tướng Quân Nguyễn Huệ
Thống lãnh đại đội binh hùng
Hát khúc khải hoàn vào cổ luỹ Thăng Long
Sau khi bình giặc đã thành công
Nhưng vì thấy Lê Trịnh tranh hùng muôn dân đồ thán
Cho nên Nguyễn Tướng Quân phải diệt Trịnh phù Lê
Tảo trừ bọn Trịnh tư quyền là Trịnh Tứ Phương
Hạ thành sơn nam
Mới thấu nhập kinh đô vào Nam giao đài bái mạng vua Lê Hiến Tôn
Vì mộ tài danh viên dũng tướng thiếu niên anh hùng lỗi lạc
Chắc có lẽ sau này phải nhờ quyền bảo hộ của Tây Sơn
Thế cho nên Hiến Tôn Hoàng Đế mới định gả trung thần
Là lịnh ái nữ Công Chúa Ngọc Hân
Kịp đến n ngày mồng 3 tháng 8 năm Bính Ngọ
Vua Thái Đức nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc ngự ra Bắc Hà
Bèn cùng tân quân Lê Chiêu Thống thừa nghinh trọng rất là uy nghi
Phán rằng "Từ khi phụ thân trẫm đây thất lộc
Trẫm lên kế tự ngôi trời
Đồ lao cộng tác với bá quan
Trẫm những mong rằng trăm họ được bình an
Nhưng Trẫm vẫn biết rằng tuổi Trẫm còn thiếu niên
Mà việc triều đình quá ư to tát
Bởi thế cho nên mà vận mạng của Lê triều
Chẵng may mà gặp cơn nguy biến
Trẫm chỉ nhờ lượng hải hà và ơn tư trợ
Của Tây Sơn quân
Lấy đức bủa khắp bốn phương
..................................................

Sau những quãng đời khó khăn vật vã truân chuyên với cuộc sống từ những ngày Tây về ruồng bố bắt dân, rồi chuyến lưu lạc sang tận Cam Bốt học may, cha mẹ chúng tôi vừa mới bắt đầu gầy dựng được một cửa tiệm may để sinh nhai với những điều tạm gọi là yên ổn của mái ấm gia đình, tuy đơn sơ nhưng tràn đầy hạnh phúc. Bỗng nhiên một hôm cần tiền, người chủ căn phố nhà chúng tôi đang ở trở về lại Phan Thiết và quyết định bán căn nhà thật gấp, chứ không cho gia đình tôi thuê nữa, mặc dầu thời hạn thuê mướn vẫn còn và công việc làm ăn của ba tôi đang đà phạt đạt. Vì giá bán căn phố quá cao cha mẹ tôi không đủ tiền để chồng mua căn phố ấy, gia đình chúng tôi đành phải quyết định dọn đi.


Trong khi chờ đợi dọn về căn nhà mới xây trước ấp Đức Nghỉa, gia đình chúng tôi về ở tạm khu Cồn Chà, nơi mà tâm trí nhỏ bé trong tôi có cảm tưởng cách xa khu nhà bên phố củ hằng diệu vợi, như thuộc về một không gian nào xa cách hẳn... Nơi chỗ mới xa lạ chúng tôi phải đi bằng xe đạp hoặc được Ba chở bằng xe gắn máy Sach thì mới về được đến phố Gia Long . Dầu chỉ ở mấy tháng, chúng tôi cũng đã có dịp nhìn thấy trực tiếp nếp sinh hoạt thay đổi của các bạn ghe mà nếp sống được gắn liền với các vụ cá...từ những lễ lộc của "Vạn", lễ cúng tế khi có cá ông "lỵ", những mùa cá rộ, mọi người bạn cá khắp xóm đều thắp đèn ra đường hì hục làm muối, vô thùng, hàn xì, khiêng vác, rầm rộ thâu đêm không ai mà không bận bịu làm lụng. Có cảnh tượng của một gia đình hàng xóm bên kia đường, đối với chúng tôi thật lạ lùng lẫn thương tâm. Gia đình ấy có một người cha say sưa liên miên. Họ có 2 người con trai, người con lớn đã lên 17 tuổi . Mỗi lần say sưa, người cha về đánh đập vợ con, nhất là cậu con cả. Ông ta lột hết quần áo người con lớn, lôi anh ta trần trùng trục ra giữa đường quất roi tơi tả bất kể nơi nào trên thân thể trước sự chứng kiến của đám người lớn nhỏ trong xóm tò mò đến xem...Sau mấy lần tiếp diễn cảnh đánh đập tàn bạo ấy, người con lớn vì nhục nhã, một hôm bỏ nhà đi biền biệt. Buổi tối khu cồn chà người ta có thể nghe văng vẳng tiếng biển vỗ rạt rào vòng vọng thật buồn hiu với những đèn đường héo hắt vàng vọt và mùi đất biển thoảng tanh mùi cá, thật khác với phố Lê Văn Duyệt nhộn nhịp mà tôi đã quen thuộc.

Những cảnh khá xa lạ đối với quãng đời nhỏ bé ngây thơ ấy khiến tôi nhớ và thương làm sao những ngày bên phố. Nhớ các bạn học tí hon lũ chúng tôi trường Bác Giáo Nhiều, kể cả những lần bắn "bì" (tức là giấy quấn thật cứng chắc, gập đôi lại để bắn bằng dây thun) với nhóm anh em Thuận và Hưng tiệm vàng Mỹ Quang (mà chị Tuyết Mai của tụi nó là bạn học thân với chị Anh của tôi và sau này làm phù dâu cho chị), những trò chơi "phóng bút" (dùng đầu sắt của cây viết mực chấm từng mắt cá tay và phóng ghim vào ụ cát) với các trẻ con hàng xóm. Thương những chiều nắng rọi nghiêng nghiêng từ mé nhà hàng Kim Sơn ngồi trước nhà nhìn sang công viên trước mặt chờ mẹ đi chợ về với chút quà, thương mùi thơm bánh mì Nghi Hưng mới ra lò nóng hổi được các trẻ em đi rao bán, thương những ly "siủ phé" ba và các tay mê đá banh như chú Bảy Đài, chú Buộc (sau này vì bất cẩn trong lúc đổ chì, chú bị mù 1 mắt), chú Tí Hoan, v.v... quây quần ngồi uống bàn bạc sau những trận đá từ sân banh về, hay thương mùi nem nướng và mùi bánh xèo thơm ngào ngạt từ quầy bánh xèo cố hữu của gia đình chị Quyệt, một người bạn thật dịu hiền của chị Nam (ba má chị đặt tên chị là Nguyệt, nhưng khi làm giấy tờ bị đánh vần sai đi, trở thành "Quyệt" ) bên hông tiệm vàng Đạt Thành mé tiệm Kim Sơn mà tôi tin vẫn là chỗ ăn nem nướng và bánh xèo ngon nhất...mà có lẽ ấn tượng đó sẽ còn mãi cho đến suốt cuộc đời.

Khu vườn bông dưới dốc cầu điểm Thiết trước căn nhà thân yêu ấy nơi tôi lớn lên đã là địa điểm chính của bao biến cố vui buồn của người dân tỉnh lỵ ... Khoảng trống rộng lớn từ phía bên nay là tiệm may Phan Sinh nhà tôi, đối diện bên kia đường là các tiệm Tân Lập, Lê Chính Ngữ bán xe đạp, và tiệm nước Nam Nhất Viên... sang góc xéo là quán nước Tân Phương Viên... và bên kia đường là tiệm vàng Đạt Thành đầu phố Gia Long... là một mặt bằng tráng nhựa khá lớn mà ta có cãm tưởng có công dụng tương tự như quãng trường Thiên An Môn thuộc Bắc Kinh của Trung Hoa. Chính tại nơi đây đã là nơi con Rồng hùng vĩ, mỹ lệ và thiêng liêng nhất của Phan Thiết trổ tài vùng vẫy trong các dịp lễ lộc hội hè. Tại nơi ấy những cuộc diễn hành, biểu tình, các xe hoa đều quy tụ về để chuyên chở các biến cố vui buồn của thành phố. Rồi những buổi chợ Tết thâu đêm cũng đều diễn ra bắt đầu từ khu cuối vườn bông ấy kéo lan dài khắp phố Gia Long, lần ra các hang cùng ngõ hẻm của khu chợ chính.

Thật là khó quên ngày lễ được gọi là Thỉnh Ông Đi Chơi, lũ trẻ chúng tôi nô nức đi ra đường xem giữa rừng người, cảnh tượng con Rồng uốn lượn theo trái Châu được vũ lộng xoay vần liên tục bởi một thanh niên lực lưỡng để dẫn Rồng quây quyện, cuộn các con Lân vào giữa, theo tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." hùng dũng, tiếng chiêng "cheng...cheng..." ngân vang, tiếng tu huýt tíu tít điều khiển, tiếng chân người của đoàn Rồng to lớn, tiếng lục lạc từ thân Rồng lúc lắc theo nhịp chân chạy xào xạc reo vang khắp nơi, cùng xen lẫn các điệu trống Lân "cắc cá lắc cắc cắc... tùng tùng...." khi thì dồn dập, khi thì "xổ..." một tràng dài, khi nhịp đều "cắc tùng tùng... cắc tùng tùng..." lúc các con Lân chồng người lên cao để tung qua mình Rồng thoát khỏi vòng vây...

Vì một dịp tình cờ tôi có đến Chùa Ông để ngắm nghía một cách say sưa các chi tiết của con Rồng Phan Thiết, dầu không bao giờ tôi đủ can đảm đến quá gần vì sợ. Mình Rồng có cài hằng ngàn chiếc "vẫy" óng ánh. Một dịp nọ, có một trẻ lượm được một chiếc vẫy Rồng, tôi và các bạn tò mò đến ngắm nghía. Mỗi vẫy Rồng là một miếng gương tròn (cỡ gương thời ấy dành cho các phụ nữ mang theo để soi mặt). Mặt sau của các vẫy gương Rồng ấy có in tên của ân nhân bảo trợ. Đầu Rồng màu trắng, với nét thanh cao, hùng vĩ, có hai chiếc sừng cong cong khúc khỹu. Mủi Rồng nở nang tròn lớn như sẵn sàng để khè ra lửa, mỗi bên mũi có các râu cong cong. Rồng có chiếc lưỡi đỏ thè dài, với hàng râu cằm toả đều xuống mé dưới miệng, vừa xinh đẹp vừa mang vẻ huyền thoại kỳ bí của một linh vật khiến chúng tôi sờ sợ né xa, không bao giờ "đụng" vào ...


Cảnh tượng múa Rồng là cảnh của một linh vật đang đạp mây uốn mình quây lượn theo sự thu hút của trái Châu (tức là một bảo vật). Tục truyền khi nào có các linh vật Long, Lân. Qui, Phụng xuất hiện thì muôn dân sẽ hưởng được cảnh thanh bình hoan lạc. Trong tâm niệm người dân, cảnh Rồng múa như mang được hình ảnh thiêng liêng cao cả về gần lại để chiếu cố những khó khăn của thực tế cuộc sống. Mỗi khi Rồng múa, tôi vẫn còn nhớ đầu Rồng khá nặng cần phải có 3 thanh niên cùng gồng vác, một người mang chịu cây trụ chánh ở giữa, hai người kia mang 2 cây xéo chịu 2 bên. Mình Rồng là loại vải bố vừa chắc vừa mềm mại cho dể múa, màu sắc lộng lẫy nhưng không diêm dúa. Cách đều nhau giữa các khúc nối mềm mại bằng vải bố là hằng mấy chục khúc thân cứng cáp cho các thanh niên mang đội vào để lượn múa. Mỗi khúc thân Rồng có 1 sườn bằng nan mây, vừa vặn cho 1 người thanh niên nai nịt chịu ở lưng, vai và đai ở hông. Cứ vài phút người này mỏi lại có người khác vào thay thế. Lưng Rồng có dẩy Vi lởm chởm chạy dài từ đầu cho đến khúc đuôi. Cuối các chân Rồng với những móng vuốt nhọn là hình vẽ những cụm mây. Khúc đuôi cuối cùng của Rồng là những khía vi nhọn lỉa chỉa, khá cao, lắc lư khi múa, cũng có một cây trụ chính của đuôi do một người nai nịt ở hông và cầm chịu ở tay, và lại thêm 2 dây kéo bởi 2 người khác ở hai bên để múa lượn. Những ngày tôi còn bé theo xem hội hè đình đám, nghe tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." của đội Rồng Phan Thiết hoặc tiếng trống dòn dả "Cắc cắc tùng..." của các đội Lân chùa Ông hoặc các đội Lân Mặt Xẹp (với tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm tùm...tùng tùng tùng, tùm tùm..." thật đặc biệt và kỳ dị), hay các đội Lân Sài Gòn (có leo cây trụ sắt thật cao và có múa võ) được mời về dự lễ Thỉnh Ông, chân tay tôi bổng trở nên bủn rủn, tim hồi hộp, vì bị thu hút mãnh liệt bởi các âm thanh kỳ diệu ấy ... Sau này nghe nói ở thành phố nổi tiếng nào như New York hoặc Singapore có các con Rồng rất hay và đẹp, tôi đều chú ý xem các hình ảnh để so sánh với con Rồng Phan Thiết. Và vẫn chưa tìm được các đối tượng đáng kể để mà so sánh...

Trong ký ức tuổi trẻ thơ ngây ấy tôi nhớ hình ảnh của các bạn trẻ con bên phố. Cùng học chung trường thầy Giáo Nhiều, được gọi là thầy "Thẹo", là hầu hết lủ trẻ đường Lê Văn Duyệt dảy nhà tôi, và dảy phía bên kia bùng binh, tức đường Nguyễn Văn Thành. Cùng học chung trường thời ấy có con của các bác Vui Vui, bác Năm Phùng, tiệm Thành Kim, Mỹ Quang, Mai Xuân Trượng v.v...bên kia đường là con của bác Tân Lập, Lê Chánh Ngử... có cả hai chị em Thanh và Bạch cháu cô Nam Phong nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng phía trong tiệm billiard chú "Buộc" nữa. Bên phố Gia Long các tiệm Vĩnh Hưng, Phước Hưng, kéo dài đến tiệm chú Bé Vĩnh Lợi cũng đều gửi con học chung trường này... Sau ngày anh cả tôi mất lúc vừa 2 tuổi, mẹ tôi sinh chị Anh rồi chị Nam. Lúc sanh được con trai, người mình có tục lệ hay cho đeo khoen ở tai để khỏi bị ông bà "bắt", vì ngỡ là con gái (?). Tôi và Hiệp con bác Tân Lập đều rơi vào hoàn cảnh đó. Hiệp con bác Tân Lập (vẫn thường được các bạn bè thân yêu gọi là Hiệp Lé, sau này được người chú tập đánh trống, trở thành 1 tay trống xuất sắc), khi đi học vỡ lòng vẫn còn mang khoen ở tai. Bây giờ mỗi khi sờ lên cuối vành tai trái tôi vẫn còn dấu lỗ tai đeo khoen ngày xưa, mặc dầu lỗ ấy đã được lấp kín từ lâu. Trường thầy Giáo Thẹo rất nghiêm và nổi tiếng đánh học trò rất đau. Viết bằng tay trái là bị khẽ tay. Nói chuyện trong lớp thầy kêu lên bắt quỳ lấy thước kẻ vào đít. Đứa nào không thuộc bài hay chưa làm bài tập thì mặt mũi xanh rờn vì sợ thầy phạt đòn. Sau này kể cả quãng đời đi lính, tôi chưa bao giờ sợ một người có nhiều uy quyền đến thế! Hôm nhập trường mẹ tôi có mua cho tôi một quyễn tập viết mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Quyễn tập ấy có hàng chử in ngoài bìa xinh xinh đã khiến cho tôi suy nghĩ miên man...Đó là mấy chữ "Ngày Nay Học Tập, Ngày Mai Giúp Đời". Ôi chao quả là 1 ý tưởng ngoài sức tưởng tượng. Lủ trẻ nít ăn chưa no, lo chưa tới như chúng tôi, mà lại hình dung có một ngày nào đó mình sẽ làm một cái gì để "giúp đời". Tuy vậy, vì ngày nào cũng đọc, mấy chữ đơn sơ đó đã ghi khắc vào trong tâm khảm. Câu chữ in đó nổi bật trong ký ức về mái trường yêu dấu của thầy Giáo Nhiều. Tôi học trường thầy được khoảng 1 năm thì có 1 cậu bé kháu khỉnh con bác Năm Phùng mới vào học lớp vỡ lòng và ngồi kế bên tôi, tên là Đinh Quốc Cường em của chị Dung. Cậu em út của Cường là Tuấn lúc ấy chưa đi học. Chị Dung chơi với chị Nam của tôi và chị Tăng Thị Thiết con bác Vui Vui. Cậu bé ấy thật dễ thương, hay cho tôi mượn cục gôm hoặc đồ bào bút chì, tôi thường giúp Cường làm bài tập, và đến giờ chơi chúng tôi chơi chung. (Anh em Cường và Tuấn bắt đầu tập chơi tennis từ bé cùng với anh em Toàn và Thắng nhà ở bờ sông; sau này cả Cường và Tuấn đều trở thành những cây vợt nổi tiếng của VN). Giờ chơi trước sân trường thầy Giáo Nhiều bầy bán đủ thứ, từ me riêm, ốc khương, bánh tráng mắm ruốc, trái khế trái cốc thứ gì cũng có. Thậm chí lũ con nít chúng tôi còn có thể mua "chịu" nữa! Tôi nhớ những lần ăn kem "cà rem" chất lạnh thường buốt nhói lên tận đỉnh đầu. Ăn đu đủ bò kho, ăn xong còn húp hết cả chất nước cay và mặn ấy thì mới đúng điệu. Rồi lại có xe bán kẹo kéo với thớ kẹo lớn khi được kéo ra, ở giữa có các hạt đậu phộng vừa ngọt vừa thơm. Anh bán kẹo kéo còn kích thích chúng tôi bằng cách cho "đổ hột me", thỉnh thoảng con nít chúng tôi có ai đổ trúng thì được anh kéo thêm gấp 2, 3 lần dài hơn (mà thật ra thì cũng "mỏng" hơn). Lũ con trai thì chơi bắn bi, đáo lạc, bắn "bì", hoặc quăng cùi bắp. Các chị gái thì hay chơi các trò chơi mà con trai chúng tôi không tham dự như "đánh chắc" (tung trái banh lên, rồi chuyền xoay 1 nắm que đủa cho thật nhanh, để bắt lại quả banh kịp khi nó rơi xuống), nhảy giây (giây được nện lại bằng nhiều sợi thun thành một thớ thun dài), hoặc chơi búp bê, đá cầu ...Có lần hai chị em chúng tôi dạo bộ chung, đi lên mé cầu, trông thấy chị Dung hoặc chị Thiết, chị Nam tôi nhập bọn con gái chơi với họ, thế là tôi phải lủi thủi đi về nhà một mình, lòng ao ước phải gì mình có một người anh để chơi chung!

Trong các hình ảnh tuổi thơ ấy có bóng dáng của chính tôi ngày được ba may cho 1 bộ đồ veston mà mọi người dạo ấy gọi là áo "bành tô". Súng sính trong bộ đồ đặc biệt ấy, các chị và em nhìn tôi như thấy lạ mắt. Mẹ tôi vừa thắt nút áo cho tôi vừa kéo vạt áo cho thẳng thớm, vừa vổ đầu tôi và đùa mấy câu mà người dân thường hay trêu ghẹo những người mặc đồ veston có vẻ "bảnh bao" thời đó:

Bành tô la ghì
Ăn cắp bánh mì bỏ túi bành tô

Vì nhà gần quán bác Hai Mọi nên hai gia đình thân nhau. Ngoài các món ăn chiều hấp dẫn như bánh bèo, bánh quai vạt, mì quãng, nem nướng với các nước chấm mặn mà đặc biệt, hoặc các món chè đậu xanh, chè chí màu bửu (tức chè mè, màu đen), hoặc bánh bò được bán bởi các quầy gánh rong dọc theo phố chánh, chị em chúng tôi chiều chiều hay qua nhà bác Hai mua chỉ hai đồng "xí quách" mà đựng đầy cả một tô lớn về ăn chấm nước mắm, vừa ngon miệng vừa rẽ. Một buổi nọ, tôi sang mua 2 đồng xí quách như thường lệ, nhưng vì không tìm thấy 1 tô lớn nào trong nhà cả, tôi bèn mang đại 1 chiếc soong theo để đựng. Trông thấy chiếc soong khá lớn bác gái má anh Huệ (bác Hai Mọi) vừa cười hỏi tôi: "Thằng Tám con anh Sinh đó hả... Nhà con cái soong nào lớn hơn cái đó nữa không con?..." Vì bẽn lẽn từ đó về sau tôi không bao giờ dám mang soong chảo đi mua "2 đồng xí quách" nhà Bác Hai nữa cả. Rồi có một một tai nạn hi hữu mà tôi nhớ mãi. Dạo tôi lên chừng 6 tuổi, một hôm khi đang chơi bắn bi cùng lũ trẻ tại bãi đậu xe trước nhà, ngay lúc tôi đang lui cui chăm chú bắn bi vào lỗ bỗng nhiên tôi thấy mé trên đầu có chất gì nóng như nhớt nhỏ giọt xuống đầu tôi. Ngoảnh đầu lên nhìn thì lũ trẻ đã bỏ chạy đi đâu hết cả chỉ còn lại một mình tôi, mà lại có một chiếc xe vừa "de" vào đậu phủ ngay trên đầu tôi, lúc tôi còn đang cúi thấp xuống cặm cụi bắn bi cho vào được lỗ ! Tôi đang ngạc nhiên hoảng sợ thì nghe tiếng hốt hoảng của cha tôi. Chạy vội từ trong nhà ra đến bãi đậu xe, ông la lên: "Trời ơi xe cán con tôi rồi!..." Cha tôi vừa cầu cứu vừa cố gắng dở hỏng chiếc xe lên (nhưng không dở nỗi vì xe quá nặng). Khi tôi lòm còm bò ra khỏi gầm xe, cả ba tôi và người chủ chiếc xe đều mừng rỡ, ôm chầm lấy tôi . Dù tôi không bị hề hấn gì, ngày hôm sau ông chủ chiếc xe hơi ấy có ghé lại thăm gia đình tôi. Ông tặng 1 bó hoa và ngỏ lời xin lỗi về "tai nạn". Ông chủ chiếc xe ấy là 1 du khách ăn mặc sang trọng và dáng dấp thanh tao. Cha mẹ tôi cảm tạ về mỹ ý của ông với tai nạn thật là hi hữu đó. Hành động tặng hoa đó cũng thật là khác biệt đối với lối cư xử thường nhật khiến tôi không thể nào quên.

Các hình ảnh thời niên thiếu ấy có thể biểu tượng bằng 1 tấm hình thời bé mà tôi rất thương, dầu hình ấy đã thất lạc từ dạo tôi xa quê vào Sai Gòn học. Ngày tôi lên mười tuổi, học sinh lớp Nhất phải đi chụp hình để chuẩn bị đi thi Tiểu Học. Một hôm tình cờ đi qua tiệm chụp hình Liên Hoa chợt thấy tiệm treo 1 tấm hình khá lớn của 1 cậu bé. Nhìn kỹ té ra là hình của chính mình với áo sơ mi trắng, tóc chải dợn sóng, với nụ cười nhẹ nhàng xinh xắn. Tấm hình ấy sau khi thất lạc tôi vẫn ước mơ có dịp nào ngắm lại các bóng hình của thời bé bỏng xa xưa... Ngày tôi thi đậu bằng Tiểu Học, chị Nam mang về 1 món quà, bão rằng do chị Tăng Thị Thiết (tức chị Cà Sáu) con bác Vui Vui, bạn chơi thân của chi Nam tôi,gửi tặng tôi. Món quà đó là một con thỏ đồ chơi màu trắng, đằng sau lưng thỏ có gắn 1 chìa khoá lớn dùng để căng dây thiều. Khi quay dây thiều xong, thả xuống, con thỏ trắng "tự động" ấy nhảy lốp cốp khắp nơi thật vui mắt. Đấy là một món quà bất ngờ và đặc biệt. Bẳng về sau này, ngày nghe tin chị Thiết qua đời khi tuổi đời của chị còn rất trẻ, tôi liên tưởng món quà chị cho tôi, và cảm thấy một phần nào quãng ngày thơ ngây thân thương vừa mới mất...Cùng với chuyến dọn đi đến khu nhà mới xây trước ấp Đức Nghỉa, giữa các thay đổi với trường mới, bạn mới, lòng non dại của cậu bé trong tôi vẫn nghĩ và nhớ nhiều về Cường, cậu học trò nhỏ bé cạnh tôi một thuở mài đũng quần trường thầy Giáo Thẹo... Hình như ai đã cắt mất nơi tôi một phần gì thân thương âu yếm và hồn nhiên nhất...

Những ngày mới lớn xa quê vào học Sài Gòn, giữa những chiều nắng vàng bên phố Lê Lợi nhộn nhịp của chốn phồn hoa đô hội, hay những tối từ căn lầu nhà Dì Hai nhìn xuống con đường Phan Đình Phùng với ngựa xe trẩy hội náo nhiệt mé dưới... Tôi chợt nhớ về quê hương Phan Thiết với những cột đèn đường bình dị có quầy bánh căn và thấp thoáng đâu đó hình ảnh tiếng cười vui của các chị em tôi quây quần bên lò bánh gắp từng miếng bánh căn dòn vừa được cậy khỏi khuôn trộn vào với nước mắm, các tốp mỡ, và các thứa cá Nục kho... nhớ quê ngoại, mé xa bên kia đường đối diện khu trường Phan Bội Châu nằm sâu trong vùng ngoại ô, với bóng mát chiều tỉnh lặng khoan thai êm ả lúc khói nhà ai đang nấu cơm và tiếng gọi lanh lảnh xa xăm "Cu ơi ...về ăn cơm" ...nhớ tiếng ru con của ai đó xen lẫn giữa tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè "Ầu ơ... bầu ơi thương lấy bí cùng"... nhớ cảnh đồng ruộng, xanh thật là xanh, màu mạ mới cắt... và nhớ hương đồng gió nội yêu dấu của quê hương... nước mắt kẽ tha hương chợt rưng tròng.

Bây giờ, sau những cuộc đổi dời, sau những chuyến vượt đại dương, qua bao nhiêu bến bờ, qua bao nhiêu không gian, qua bao nhiêu mảnh đời, các hình ảnh thơ dại xưa vẫn còn lưu lại tiềm tàng trong ký ức. MTGPMN đã được cho ra đời để khởi đầu chinh chiến, rồi lại bị khai tử vào bóng tối, sau khi Miền Nam VN đã mất vào tay CS Bắc Việt. Nhiều trẻ tí hon cùng học chung trường thầy Giáo Nhiều ngày xưa giờ đã ra người thiên cổ. Có kẽ tha hương đang tìm kiếm trong sương mù ký ức một quãng đời hơn 40 năm xưa, như đang kiếm tìm lại những viên lưu ly trân quý. Mỗi khi chị em chúng tôi gặp lại nhau, nghe lại giọng ca của chị Nam "Mưa rơi hoa lá tơi bời, đàn ai vọng đến một chiều gió mưa ..." của một bài ca mà chúng tôi đều ưa thích; hoặc lời ca "Ta đến đây để xin lệnh phụ vương..." do chị Anh ca; hoặc giọng em Hà ngâm lời thơ "Từ buồn chị chọn em làm tri kỹ, Để đêm về gục mặt kể em nghe..." của chị Nam làm tặng em Hà, các ấn tượng và cảm giác xa xưa vẫn còn sẵn sàng để cuồn cuộn trôi về trong tôi như thác lũ - từ những nguồn sông của quê hương xa thẳm...

Lủ trẻ con xưa đã từng Học Tập, nay vẫn còn ngóng tìm qua hàng rào ngăn cách của lý tưởng ý thức hệ, mảnh quê hương bình dị thân yêu xưa, với ước mong sẽ làm được một điều nhỏ nhoi nào đó có thể gọi là Giúp Đời...

Cát Biển

No comments:

Visitors Count

SEO Services

About Me

My email: sn68pbc@yahoo.com -- My Homepage: www.catbien.com