Thursday, November 19, 2009

Lê Văn Khoa – Bản Sắc Việt Qua Âm Nhạc

Lê Văn Khoa – Bản Sắc Việt Qua Âm Nhạc

Khi tôi viết bài này, bản nhạc Kãoma Lambada trên YouTube đã có 37,550,442 lượt xem. Đây là một con số rất lớn, cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của dòng nhạc La Tinh Nam Mỹ trong một thế giới mà hàng rào biên giới cách biệt của văn hoá gần như bị phá vỡ bởi Internet. Con người đang đến gần với nhau hơn. Thế giới bây giờ là một sinh hoạt Đa Nguyên với bản sắc văn hoá các dân tộc cọ xát, chia sẻ, ảnh hưởng lẫn nhau.

Văn hoá Nhật nổi tiếng với các đoàn trống Taiko mà chính các môn sinh Âu Mỹ cũng thích thú tìm sang Nhật tập luyện. Các vũ khúc Hàn Quốc hoà với tiếng trống tiếng sáo và đàn tranh tạo nên giá trị văn hoá đặc thù. Nếu nói âm nhạc Nam Mỹ La Tinh có bản chất đặc biệt đã sinh ra các điệu Rumba, Cha Cha Cha, Pasodobe, Tango v.v...thì tại sao không thể có bản sắc Việt trong âm nhạc? Hỏi tức là trả lời. Yes, phải có và nên có. Và một trong những nhạc sĩ mang tâm huyết gắn bó đem cái “hồn” Việt vào âm nhạc tây phương chính là Nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa không phải là người Việt Nam đầu tiên dấn thân làm việc này. Điểm đặc biệt của ông chính là ở chỗ mang tiếng nhạc thuần tuý chuyên chở bản sắc Việt, trình diễn bằng các nhạc cụ tây phương, vượt qua giới hạn của các ca từ.

Có người đề nghị dùng danh từ “ca khúc” cho những bản nhạc có lời, và “nhạc phẩm” cho các bản nhạc hoà tấu không lời. Nói một cách nôm na, ca từ có thể giúp mọi người truyền đạt và nhận hiểu được các cảm giác sâu đậm, có khi ứa lệ vì xúc động. Vì tiếng nói, tức ngôn ngữ, mang khá đầy đủ ước lệ, để nói và nghe nhận. Các hiệp định hay thoả ước quan trọng lại cần phải xác minh tường tận, các danh từ còn phải được định nghĩa đầy đủ thêm chi tiết để tránh hiểu lầm. Tiếng nhạc hiển nhiên không đạt được cảm thông sâu sắc như ngôn từ, ví dụ không ai “chuyện trò” hằng ngày bằng âm nhạc cả, vì thiếu các định lệ để hiểu rõ chính xác ý người kia muốn nói gì. Tuy nhiên trong cái thiếu sót lại có cái hay. Khi thưởng thức một bản nhạc giao hưởng, người ta không còn bị giới hạn về ngôn ngữ nữa. Khán giả của nhiều quốc gia khi thưởng thức giàn nhạc giao hưởng có thể nghe lắng tiếng nhạc như nhau, và tuỳ nghi diễn giải theo cảm xúc riêng của chính mình. Đây là lúc các nốt nhạc được thăng hoa thành ngôn ngữ “chung” để truyền đạt và tiếp thu cảm xúc giữa nhạc sĩ và người thưởng ngoạn. Trên vài bình diện nào đó, chúng ta có thể nói các “nhạc phẩm“ (không lời) mang được âm nhạc trở về với sứ mạng nguyên uỷ của nó, là phục vụ cho cái đẹp của chính nó, tức âm nhạc.

Qua công trình miệt mài của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, chúng ta được thổi một luồng gió mới đầy sinh khí. Chúng ta có niềm hi vọng đẹp đẽ vào tương lai, về tiềm lực của Di Sản Việt đóng góp vào văn hoá âm nhạc thế giới.

Nhìn lại nền âm nhạc thế giới hiện nay, có những tiến triển mà chỉ mấy năm trước người ta không thể tưởng tượng tới. Như nhạc Rap của người Da Đen, bây giờ trở nên thông dụng với con số phát hành khổng lồ trong nước Mỹ, rồi lan tràn gây ảnh hưởng qua nhiều quốc gia Âu, Á, Úc khắp nơi. Nhạc Rap lại còn sử dụng các âm thanh biến chế điện tử nên càng được phong phú hoá bằng cách phối khí.

Như vậy xu hướng âm nhạc tân tiến trên thế giới là sử dụng đa chất liệu. Trở về với bản sắc âm nhạc thuần tuý Việt Nam có nghĩa là chúng ta sẽ khai phá cơ hội thăng hoa nhạc Việt, chứ không phải là chỉ đơn thuần trở về với các lối mòn cũ xưa. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người đã giới thiệu âm nhạc dân gian Việt (đơn giản, ngũ cung) trong khung cảnh to rộng hoành tráng đầy màu sắc của dàn nhạc giao hưởng, hoặc bằng tiếng dương cầm thánh thót. Công trình của nhạc sĩ Lê Văn Khoa là đã làm sống dậy tâm hồn, hơi thở, tình cảm của dân tộc qua những âm ba mới mẻ, tinh vi, sâu sắc; có khả năng len lỏi vào các ngõ ngách sâu xa trong tâm thức người thưởng ngoạn.

Nếu nói âm nhạc là một công tác “kế thừa”, thì cũng nên hiểu việc “về nguồn”, với âm giai có sẵn của tiền nhân, cũng chẳng có gì hay ho nếu thiếu sáng tạo. Nhưng nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã biết tiếp thu và sáng tạo. Ông làm mới, ông đánh thức một kho tàng văn hoá tiềm ẩn của nhạc dân gian Việt. Khi nghe Symphony của Lê Văn Khoa do giàn giao hưởng trình tấu, chúng ta lạc vào một vũ khúc tinh diệu với các âm thanh mới lạ quây quyện một “hồn” nhạc rất Việt Nam. Như vậy, thế giới được thưởng thức bản sắc âm nhạc mới mà trước đây họ chưa có dịp nghe qua, và chúng ta được tìm thấy cái hay cái thâm thuý của bản sắc Việt qua phối khí hoàn toàn mới lạ. Từ những nét nhạc dân gian đơn sơ của Việt Nam ông đã phong phú hoá với các nhạc cụ tây phương. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của Lê Văn Khoa:

“Mục đích là tôi muốn dùng những nét nhạc hết sức đơn sơ của Việt Nam mà mình có thể biến hoá để người nước ngoài có thể dùng được. Bằng cách đó, mình đưa nhạc Việt đi xa hơn để hoà vào với dòng nhạc thế giới. Tại sao người ta chơi nhạc Đức, nhạc Nga, nhạc Anh, v.v… mà không chơi nhạc Việt Nam? thành ra tôi tâm nguyện là phải làm sao để đưa nhạc Việt mình cho thế giới biết tới nhạc Việt Nam. Đó cũng là cái ý niệm mà tôi đã có từ trước năm 1975. Trong một buổi nói chuyện với nhạc sư Nguyễn Hữu Ba về vấn đề phổ biến nhạc Việt, ông ta chủ trương nhạc Việt phải chơi bằng nhạc cụ Việt Nam. Tôi thì ngược lại, tôi nói là phải viết cho nhạc cụ Tây phương. Nghe mà người ta cảm thông được thì người ta mới tiếp nhận. Nhờ đó, nhạc sĩ trên thế giới mới chơi được, còn nếu mình chỉ chơi nhạc cổ truyền của mình mà thôi, thì người nào phải học nhạc cổ truyền mới chơi được. Như vậy là tự mình giới hạn mình.”

Sự nghiệp tác phẩm của Lê Văn Khoa to lớn và đáng kể, không chỉ giới hạn ở nhạc phẩm giao hưởng trình tấu. Ông từng viết nhiều ca khúc cho nhi đồng. Tập nhạc “Dân ca Việt Nam”, và “Hát Cho Ngày Mai” gồm 24 ca khúc, với cả nhạc lẫn lời. “Nhạc Việt Mến Yêu” được Lê Văn Khoa viết phần Piano để giới thiệu các nhạc khúc phổ thông cho trẻ nhỏ học đàn.

Một cái hay khác của dòng nhạc Lê Văn Khoa là đã tạo niềm cảm hứng và rung động của nhiều nhạc sĩ thế giới để họ tiếp nhận đầy cảm hứng, để rồi nỗ lực tập luyện và trình diễn các nhạc phẩm của ông. Như vậy các bản nhạc trình diễn là sự rung cảm thực sự từ nhạc sĩ đến nhạc sĩ, mà những người sáng tạo thường trân quý nhau bằng tiếng gọi “tri âm” hay “tri kỷ”. Thí dụ là trong bài Cây Trúc Xinh (The Beautiful Bamboo), điệu dân ca miền Bắc với thang bậc ngũ cung, khi được trình bày qua tiếng đàn Piano của nữ nhạc sĩ Irina Starodub người ta nghe được nét trân trọng và trìu mến. Tuy là người ngoại quốc diễn tấu nhạc dân ca Việt Nam bằng dương cầm, nhưng vẫn giữ được giai điệu của Việt Nam. Irina Starodub cho thấy một sự nhạy cảm hiếm có. Người nghe tưởng chừng như tiếng gió đang đùa bên khóm trúc của quê hương Cần Thơ, quê quán của nhạc sĩ Lê Văn Khoa…

Các tác phẩm của Lê Văn Khoa cũng đang được sử dụng để giảng dạy tại phân khoa Âm nhạc ở một số trường đại học tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Riêng trong lãnh vực nhạc Piano của Lê Văn Khoa, một giáo sư dương cầm của nhạc viện Alexandria tại Ukraine nói, “Tôi thích nhạc của Lê Văn Khoa vì nhạc của ông rất trong sáng, có nhiều chất liệu lý thú để cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp và thính giả khám phá. Nhạc sinh của tôi đã trình diễn nhiều nhạc phẩm của ông.”

Hình: Giáo Sư Lyudmila Chychuck, Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Quốc Gia ở Kiev, Ukraine

Dương cầm thủ quốc tế, Giáo Sư Lyudmila Chychuck, khi viếng Little Saigon đã diễn giảng và biểu diễn nét mới lạ trong dòng nhạc Lê Văn Khoa với khán giả. Cô hiện là giáo sư trường danh tiếng Âu Châu Lysenko Special School, chuyên dạy nhạc sinh trẻ có thiên tư về nhạc và tại Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Quốc Gia ở Kiev, Ukraine.

Đây là một phát biểu đầy vinh dự cho một nhạc sĩ Việt Nam. Vì bản thân cô Lyudmila Chichuck là một kỳ tài về âm nhạc. Cô học nhạc từ lúc lên 5. Tốt nghiệp National Tchaikowsky Conservatory of Music tại Kiev, thủ đô Ukraine. Những thành tích của cô gồm: 17 tuổi chiếm giải thi sáng tác nhạc thiếu niên toàn quốc, chiếm giải “Người Ðệm Ðàn Xuất Sắc” trong cuộc thi năm 2000 và 2001, Ukraine. Cô đoạt giải thưởng cuộc thi Piano Quốc Tế tại Bordeaux, Pháp, năm 2006. Tham gia đại hội âm nhạc quốc tế Jean Francais tại Paris năm 2008. Cô thu thanh nhạc phim cho các nhà viết nhạc Tây Ban Nha Lucas Vidal và Zakarias Martinez De La Riva. Vì yêu nhạc của Lê Văn Khoa, Lyudmila Chychuk đã thu thanh nhiều nhạc phẩm Piano của ông. Cô cũng đi trình diễn khắp xứ Ukraine và cả Vienna, Austria.

Phân khoa Thanh Nhạc của trường Golden West College tại Quận Cam, California, đã ấn hành và sử dụng để dạy những bài dân ca Việt Nam do Lê Văn khoa viết phần đệm Piano và những câu chú thích bằng tiếng Anh.Các nhạc sinh khi chuẩn bị thi tốt nghiệp thì phải hát một bài trong tập Dân ca này. Đây quả là điều hãnh diện giới thiệu các nhạc sĩ âm nhạc tương lai về nhạc Việt Nam. Các sinh viên của trường cũng từng tổ chức trình diễn các nhạc phẩm này.

Không riêng gì với nhạc, Lê Văn Khoa còn là một khuôn mặt lớn với các thành đạt về nhiếp ảnh, truyền thông, giáo dục và nhiều lãnh vực khác. Tôi có cơ duyên hợp tác với chung với Lê Văn Khoa một thời gian ngắn trong chương trình Truyền Hình Việt Nam vào khoảng 1988, để thấy ông là một người đa tài với đam mê và sáng tạo.

Xin cám ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa với tất cả lòng tri ân và ngưỡng mộ dành cho một người tài hoa, với nhiều công trình dấn thân cho nghệ thuật.

Cát Biển
Oct 2009

No comments:

Visitors Count

SEO Services

About Me

My email: sn68pbc@yahoo.com -- My Homepage: www.catbien.com