Sunday, March 1, 2009

Niềm Đam Mê Miệt Mài của Anh Bằng


Niềm Đam Mê Miệt Mài của Anh Bằng

Cát Biển

Nhạc sĩ Anh Bằng đã không ngừng nghỉ trong lãnh vực sáng tác. Người chiến sĩ với nhiều kinh nghiệm chiến trường ấy vẫn không ngần ngại tiếp tục xông pha nơi trận tuyến. Ông rất am tường về khúc sông mà ông đang bơi lội, và vẫn miệt mài liên tục lặn hụp trong đó để khai phá, mang về những hải sản đặc biêt cho kho tàng văn hoá Việt Nam. Nhạc của Anh Bằng rất đa dạng từ tình ca, quê hương, xã hội, đến những bài nhạc phổ thơ rất trang trọng sâu sắc.

Chúng ta hãy nhớ lại bản nhạc đấu tranh sau đây của Anh Bằng sáng tác trong tác phẩm CD Lữa Bolsa khi ông cùng sánh vai với các tác giả Nhật Ngân và Trầm Tử Thiêng để đóng góp cho khí thế chung, lúc mà đồng bào Nam Cali đã tập hợp hơn 10 ngàn người tại Little Saigon tràn ngập lá cờ vàng biểu tình phản đối Trần Trường và biến thành một làn sóng lửa lan truyền sự nhất tâm tranh đấu đi khắp nơi tại Hoa Kỳ và thế giới:

Đốt đuốc lên ! Ta đốt đuốc lên !
Cho tình anh em Việt Nam đoàn kết
Thắp nến lên ! Ta thắp nến lên !
Xua ngàn tối tăm ra ngoài trái tim cùng một lời nguyền
Đốt đuốc lên ! Ta đốt đuốc lên !
Cho cờ vàng lên rực cao Tổ quốc
Thắp nến lên ! Ta thắp nến lên
Cho màu sáng thơm da vàng Việt Nam

Bàn tay anh, bàn tay em, bàn tay treo nắng trên đường phố
Bàn chân anh, bàn chân em, bàn chân ngăn bão táp phong ba
Cờ trong tay, đèn trong tay, lòng hăng say tiến lên ngày mới
Nối dây ân tình, nối lửa đấu tranh, nối lửa đấu tranh...
Đốt đuốc lên ! Ta đốt đuốc lên !
Soi đời người dân Việt Nam nghèo đói
Thắp nến lên ! Ta thắp nến lên !
Kiên cường đấu tranh cho ngày ấm no cho quyền làm người

Đốt đuốc lên ! Ta đốt đuốc lên !
Soi mặt từng tên Việt gian lạc hướng
Thắp nến lên ! Ta thắp nến lên !
Khơi lửa đấu tranh cho cả quê hương.
Anh Bằng (Nỗi lửa đấu tranh)

Qua các nhạc phẩm của ông chúng ta tìm gặp được một tâm hồn thiết tha bình dị với những lời tâm sự thân tình chảy mãi như con nước của một dòng sông. Nhạc của Anh Bằng đầy nét trìu mến thiết tha nhưng không có nét bi quan, than thở, mà có thể nói vươn lên trước hoàn cảnh.

Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay... xé tâm hồn
Tàn đêm tôi khóc khi trời mưa buồn hắt hiu
Lòng mình thầm nhớ dĩ vãng
Đau thương từ lúc vừa bước chân
Vào đường yêu
Đêm ấy mưa rơi nhiều
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu
Tiễn chân người đi
Buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly
Nghe tim mình giá buốt
Hồi còi xé nát không gian
Xót thương vô vàn
Nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn êm
Mùa thu thương nhớ bao lần đi về có đôi
Mà người còn vắng bóng mãi
Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay... đã phai rồi
Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên
Đời việc gì đến sẽ đến
Những ai bạc bẽo mình vẫn không... đành lòng quên
Anh Bằng (Sầu Lẻ Bóng)

Nói về nhạc của Anh Bằng, chúng ta không thể không bàn về những yếu tố tâm lý của những con người trưởng thành trong thời đại của ông nhất là sau biến cố chia đôi đất nước năm 1954. Những ngày ấy tôi còn thơ bé chưa hiểu gì về những ca từ mà lúc ấy có thể nói đã là một bước đi mới trong tân nhạc Việt Nam. Lời của những tình khúc của Anh Bằng rất gần gũỵi với tâm hồn bình dị không quá mỹ miều kỳ ảo mộng mơ như nhạc của Văn Cao chẳng hạn:

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần
Văn Cao (Thiên Thai)

hoặc mang nhiều hình ảnh sống động thương tâm của Phạm Duy

Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên luỹ tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về
Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ
Ngày trở về, trong bếp vui
Anh nói chuyện nghe: chuyện đời chiến sĩ
Sống say mê, đường xa lắm khi nương hồn về quê
Chiều lặn tà, anh bước ra
Vườn khuya sáng mờ, ruộng đất hoang vu
Luống nghẹn ngào, hẹn sớm tinh mơ anh về đồng lúa.
Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hoà bình.
Phạm Duy (Ngày Trở Về)

Ca từ của Anh Bằng như lời tâm sự của một thanh niên mới lớn trước cảnh phân qua của đất nước và viễn tượng chinh chiến bùi ngùi:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi
trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi
Anh Bằng (Nỗi Niềm Người Đi)

Trong không khí khẩn trương của một Miền Bắc với những lời ca hừng hực căm hờn chiến đấu, nhắm vào quân thù mà bắn mà giết, với không khí ngột ngạt giáo điều từ những buổi đấu tố đánh tư bản, những màn chôn sống hoặc những cuộc thanh trừng đẫm máu...người ta tìm thấy không khí sáng tác Miền Nam vẫn đầy tính chất nhân bản như những lời nhạc của Lam Phương, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Châu Kỳ v.v...Song song với những bài thơ bóng bẩy ấn tượng được phổ nhạc như Người Đi Qua Đời Tôi, thơ Trần Dạ Từ phổ nhạc bởi Phạm Đình Chương

Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu.
Mưa mù lên mấy vai gió mù lê mấy trời
Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt,
Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên.
Bàn tay mềm khói sương, tiếng hát nào hơ nóng.
Và ai qua đời tôi, chiều âm vang ngàn sóng.
Trên lối về nghĩa trang ...
Nghe những lời linh hồn, nghe những lời linh hồn,
Trong mộ phần đen tối đen...
Phạm Đình Chương (Người Đi Qua Đời Tôi, thơ Trần Dạ Từ)

với lời lẽ có phần trừu tượng hơn, người ta đến với nhạc của Anh Bằng vì ngôn từ khá đơn giản và quen thuộc vì vậy mà dễ phổ cập trong số đông người nghe nhạc của Anh Bằng như những ca từ: ân ái, tơ duyên, mộng mơ v.v...

Anh Bằng có thể nói đến với âm nhạc một cách thuần tuý là ghi lại những âm hưởng rất người, rất nhân bản và bình dị ấy qua tâm tình của đại đa số thanh niên Việt. Âm nhạc của ông không mang một thông điệp triết lý quá cao siêu cho giới thưởng ngoạn đòi hỏi nhiều tư duy. Ông luôn bơi lội trong khúc sông mà ông đã rất quen thuộc. Và ông không ngừng nghỉ mang về từ khúc sông ấy những món ngon vật lạ. Anh Bằng không hề tạo thành một hiện tượng. Trong ca từ của ông chúng ta không thấy những đột phá như: Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng... Để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi mệt nhoài...Đi lên non cao đi về biển rộng, đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng...Tình ta như núi rừng cúi đầu, nghe tiếng buồn rơi đều (Trịnh Công Sơn)
hay

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly.
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách

Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng.
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly.
Cung Trầm Tưởng (Tiễn Em)

Nhưng Anh Bằng luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam và ông đã hoàn tất vai trò của ông một cách khá hoàn hảo trong phạm trù được ơn cao ban xuống cho phần đời của ông. Ta có thể nói Anh Bằng đã không ngừng nghỉ làm việc và vui chơi trong dòng nước ấy, và ông luôn miệt mài khai phá những cảm hứng, những rung động mới lạ trong vùng sông nước luân lưu đó.

Có những bản nhạc phổ thơ của các thi sĩ đã mang dòng nhạc của ông đi qua những vùng nước xoáy khác, như

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa
Em chỉ là em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ
Ai bảo em ngồi bên song
Cho vươn nợ thi nhân
Anh Bằng (Ai Bảo Em Là Giai Nhân Lời: Lưu Trọng Lư)

Hoặc

Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thuỵ ơi, và tình ơi !

Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Thuỵ ơi, và tình ơi !

Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh rung
Vì sao chân không vững
Vì sao, và vì sao !

Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thuỵ bây giờ về đâu ?
Anh Bằng (Khúc Thuỵ Du, Lời: Du Tử Lê)

Hay là một hợp tác chung khá độc đáo với Lê Dinh và Minh Kỳ qua bút hiệu Lê Minh Bằng:

Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn

Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ

Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng tư con tám hôm qua trên phô lê la

Miền bắc điêu tàn nên đời nó khổ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi ! Con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ
Lê Minh Bằng (Nó)

Ngôn ngữ của Anh Bằng dĩ nhiên là có đầy tính lãng mạn và mộng mơ, nhưng không nằm trong ảnh hưởng đặc thù của nhạc tiền chiến. Ngày xưa lớn lên trong miền nam tôi cũng không ngờ Anh Bằng là người được sinh trưởng ở Hà Nội, vì tôi không bao giờ cảm thấy xa lạ với ngôn ngữ của ông. Ngôn từ của ông rất đồng điệu với mọi người miền nam bất kể trình độ nào. Ông là người chia sẻ các nỗi niềm tâm sự của ông đến khắp nơi như tiếng nói chung của một thế hệ mà trong giai đoạn đó vẫn còn rất lam lũ với cuộc sống, có nhiều người chưa có cơ hội đến trường học, một số đáng kể vẫn còn mù chữ. Ông đã nói lên được tiếng nói chung cho bao nhiêu người khác cùng mang các rung động chân thành ấy.

Thiết nghỉ để hiểu giá trị vị trí và tác động của dòng nhạc Anh Bằng vào văn hoá Việt Nam chúng ta cần nhìn lại các bối cảnh xã hội và tâm lý của một nước Việt trong giai đoạn chiến chinh binh lửa. Nhạc sĩ Anh Bằng đã đóng góp thiết thực lời ca tiếng hát từ tâm hồn ông cho đại đa số người Việt Nam còn đang vật lộn với cuộc sống khó khăn, cần người nói lên tiếng lòng của họ để chia sẻ phân trần những nỗi niềm tâm sự. Tôi kính phục và cảm tạ nơi nhạc sĩ Anh Bằng một điều ông đã đạt được với tính cách một nhạc sĩ sáng tạo. Đó là sự miệt mài khai phá trong niềm đam mê của chính ông. Nhạc sĩ Anh Bằng nói một cách khác đã phong phú hoá nền âm nhạc Việt từ buổi phôi thai, và ông không ngừng nghỉ ở vai trò tiên phong ấy, ông vẫn tiếp tục miệt mài vui chơi bơi lội nơi nhánh sông mà ông đã hiến trọn đời người để tìm tòi khám phá với những sáng tạo đa dạng mới lạ mang dấu ấn đặc thù của dòng nhạc Anh Bằng.

Cát Biển

No comments:

Visitors Count

SEO Services

About Me

My email: sn68pbc@yahoo.com -- My Homepage: www.catbien.com