Friday, November 27, 2009

Mùa Tạ Ơn

0 comments

Mùa Tạ Ơn

Cám ơn quê hai mùa mưa nắng
Cám ơn cha nâng bước dại khờ
Cám ơn mẹ qua ngàn cay đắng
Cám ơn chị em ấm tuổi thơ

Cám ơn nấm xôi và cháo trắng
Cám ơn bánh mì nuôi hơi thở
Cám ơn ớt tương và rau đắng
Cám ơn mồ xanh tuổi em thơ

Cám ơn bạn xưa thời áo trắng
Cám ơn trường dạy biết mộng mơ
Cám ơn dã tâm phe chiến thắng
Cám ơn ngày mất nước bơ vơ

Cám ơn xứ lạ hồn hoang vắng
Cám ơn bàn tay buổi cực cơ
Cám ơn tình người và ánh nắng
Cám ơn giúp đở phận nương nhờ

Cám ơn mùa Đông và tuyết trắng
Cám ơn Xuân hồng kết ước mơ
Cám ơn em tình yêu trong trắng
Cám ơn đời muôn sắc nguyên sơ


Cát Biển
11-24-2009

Monday, November 23, 2009

CHÚ ĐẠI BI

0 comments
THẦN CHÚ ĐẠI BI
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà ra ni.
Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da. Nam Mô A rị da. Bà lô kiết đế thước bát ra da. Bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tát đỏa bà da. Ma ha ca lô ni ca da. Án. Tát bàn ra phạt duệ. Số đát na đát toả. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da. Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì. Hê rị ma ha bàn đà sa mế. Tát bà a tha đậu du bằng. A thệ dựng. Tát bà tát đa. Na ma bà dà. Ma phạt đạt đậu. Đát điệt tha. Án. A bà lô hê. Lô ca đế. Ca la đế. Di hê rị. Ma ha bồ đề tát đỏa. Tát bà tát bà. Ma ra ma ra. Ma hê ma hê rị đà dựng. Câu lô câu lô kiết mông. Độ lô độ lô phạt xà da đế. Ma ha phạt xà da đế. Đà ra đà ra. Địa rị ni. Thất Phật ra da.Giá ra gía ra. Mạ. Mạ phạt ma ra. Mục đế lệ. Y hê di hê. Thất na thất na. A ra sâm Phật ra xá lợi. Phạt sa phạt sâm. Phật ra xá da. Hô lô hô lô ma ra. Hô lô hô lô hê rị. Ta ra ta ra. Tất rị tất rị. Tô rô tô rô. Bồ đề dạ Bồ đề dạ. Bồ đà dạ Bồ đà dạ. Di đế rị dạ. Na ra cẩn trì. Địa rị sắc ni na. Bà dạ ma na. Ta bà ha. Tất đà dạ. Ta bà ha. Ma ha tất đà dạ. Ta bà ha. Tất đà dủ nghệ. Thất bàn ra dạ. Ta bà ha. Na ra cẩn trì. Ta bà ha. Ma ra na ra. Ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da. Ta bà ha. Ta bà ma ha a tất đà dạ. Ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ. Ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ. Ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ. Ta bà ha. Ma bà lỵ thắng yết ra dạ. Ta bà ha.
Nam mô hắt ra đát na đá ra dạ da. Nam mô a rị da. Bà lô kiết đế. Thước bàn ra dạ. Ta bà ha.
Án. Tất điện đô. Mạn đa ra. Bạt đà dạ. Ta bà ha. (3 lần)



THỰC HÀNH THẦN CHÚ ĐẠI BI
Ý NGHĨA THẦN CHÚ ĐẠI BI
Thời Phật còn tại thế, ở núi Bồ đà lặc ca, tại đạo tràng Bảo trang ghiêm cùng hàng tam thừa bát bộ và chư thần vân tập đông đủ, ngài Quán thế âm bí mật phóng hào quang soi khắp mười phương quốc độ, Ngài chấp tay bạch rằng:
" Bạch Đức Thế Tôn, con có thần chú bí mật muốn nói cho mọi người biết để trì tụng cho thân tâm được an lạc, không tật bệnh, sống lâu nhiều phước lộc. Thần chú này có công năng dứt trừ các tội ác và cầu mong gì thì như ý muốn."
Đức Phật chấp nhận cho ngài Quán thế âm được trình bày thần chú của mình. Ngài bạch Phật rằng:
"Thời quá khứ trải qua vô lượng ức kiếp có đức Phật xuất thế, hiệu Thiện Quang vương Tịnh trú Như lai, vì con mà nói thần chú Đại bi. Thuở ấy, con đang ở quả vị sơ địa mà một lần nghe thần chú Đại bi, con liền đạt đến quả vị thứ tám. Con phát đại nguyện: "Nếu thần chú này làm cho chúng sanh đời sau có sự ích lợi to lớn thì phải khiến thân con có ngàn cánh tay và ngàn con mắt".
Nguyện như vậy rồi, quả thật thân con có ngàn cánh tay và ngàn con mắt, tha thứ vang động. Các đức Phật phóng hào quang chiếu nơi thân con. Hào quang cùng chiếu vô biên thế giới.
Con lại nguyện: "Nếu có người nào tụng thần chú này năm lần thì trừ được các tội nặng của nhiều đời kiếp trong vòng luân hồi sanh tử. Và người ấy khi thân mạng sắp mất được mười phương chư Phật đưa tay thọ ký cho họ sanh về cõi nước Tịnh độ".
Con thề rằng: "Nếu người tụng thần chú Đại bi mà bị đọa lạc vào ba đường dữ, không sanh về cõi nước của đức Phật, không được vô lượng tam muội biện tài và những sự cầu nguyện không như ý muốn thì không xứng đáng để gọi thần chú Đại bi".
Ngoại trừ những hạng người trì tụng thần chú này mà tâm không có thiện hảo, cứ độc ác, không tha thiết chí thành, chỉ có một chút nghi ngờ là không hiệu nghiệm.
Nếu có những người đã từng phạm mười trọng tội và gây ra năm thứ nghịch chướng to lớn, hủy báng Phật pháp, phá giới cấm, làm các điều dơ bẩn trải qua nhiều đời nhiều kiếp, dầu có gặp Phật xuất thế mà không chịu sám hối chừa bỏ các tội ác, một lần chí thành không mảy may nghi ngờ mà tụng thần chú Đại bi này là bao nhiêu tội lỗi đã tạo ra trong quá khứ đều được dứt trừ hết.
Nếu có ai gặp các sự rủi ro tai nạn khốn khổ mà tụng Đại bi thần chú đều được thoát khỏi một cách dễ dàng.
Nếu người tụng Đại bi thần chú để cầu nguyện, kết luận cầu nguyện gì đều được như ý.
Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: Thần chú bí mật của chư Phật, chỉ có Phật với Phật mới biết mà thôi, còn ngoài ra không ai có thể hiểu được dù cho có đạt đến địa vị thánh hiền đi nữa. Nhưng rất hiệu nghiệm, có công năng làm tiêu mất tội nghiệp và chóng đạt đến quả vị giải thoát, cho những ai thành tâm trì tụng.
Thần chú là một ấn chư Phật tương truyền không thể diễn giải, chỉ có tín tâm đọc tụng hoặc thầm niệm là có sự linh cảm hiệu nghiệm tột bực.
Bát nhã kinh dạy rằng: Thần chú là liều thuốc hay, là nước cam lồ vi diệu trị lành các thứ bệnh của mọi người. Nếu ai chuyên trì tụng sẽ thường được an lạc.
Trong Ký thủ kinh, đức Như Lai dạy có năm tạng: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, Bát nhã tạng, và Thần chú tạng. Mà hiệu quả nhất, chóng an lạc giải thoát nhất là tụng Thần chú.
Qua những lời Bồ tát Quán thế âm bạch Phật và các kinh dạy trên thì rõ ràng thần chú này quá diệu dụng, rất đáng được cho mọi người hành trì.
Kinh chú của Phật, tất cả mọi người đều có thể trì tụng, nhưng muốn được lợi lạc trong khi tụng kinh trì chú, người Phật tử hãy cố gắng giữ gìn thân, miệng và ý của mình được trong sạch, siêng năng ăn chay, giữ giới. Phật dạy: làm các việc bố thí, phóng sanh, dứt điều ác, làm việc thiện, thì mới được kết quả tốt đẹp.

Thursday, November 19, 2009

Một Hôm Em Là Nguyệt

1 comments
Một Hôm Em Là Nguyệt

Anh bước vào trần thế
Tầm tay tìm vọng nguyệt
Trôi suối đời mãi miết
Như quên cả lối về

Chợt thanh âm huyền hoặc
Anh bước chân tỉnh thức
Niềm tin từ đáy vực
Nghe vui từng khoảnh khắc

Mây bên em huyền diệu
Tỏa nhẹ ánh bình minh
Ngọn suối từ êm ái
Anh thấy lại chính mình

Một hôm em là nguyệt
Duyên nào ta bình yên
Chiếu vàng đêm giá tuyết
Hương dâng niềm hạnh nguyện


Cát Biển
11-18-2009

Lê Văn Khoa – Bản Sắc Việt Qua Âm Nhạc

0 comments
Lê Văn Khoa – Bản Sắc Việt Qua Âm Nhạc

Khi tôi viết bài này, bản nhạc Kãoma Lambada trên YouTube đã có 37,550,442 lượt xem. Đây là một con số rất lớn, cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của dòng nhạc La Tinh Nam Mỹ trong một thế giới mà hàng rào biên giới cách biệt của văn hoá gần như bị phá vỡ bởi Internet. Con người đang đến gần với nhau hơn. Thế giới bây giờ là một sinh hoạt Đa Nguyên với bản sắc văn hoá các dân tộc cọ xát, chia sẻ, ảnh hưởng lẫn nhau.

Văn hoá Nhật nổi tiếng với các đoàn trống Taiko mà chính các môn sinh Âu Mỹ cũng thích thú tìm sang Nhật tập luyện. Các vũ khúc Hàn Quốc hoà với tiếng trống tiếng sáo và đàn tranh tạo nên giá trị văn hoá đặc thù. Nếu nói âm nhạc Nam Mỹ La Tinh có bản chất đặc biệt đã sinh ra các điệu Rumba, Cha Cha Cha, Pasodobe, Tango v.v...thì tại sao không thể có bản sắc Việt trong âm nhạc? Hỏi tức là trả lời. Yes, phải có và nên có. Và một trong những nhạc sĩ mang tâm huyết gắn bó đem cái “hồn” Việt vào âm nhạc tây phương chính là Nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa không phải là người Việt Nam đầu tiên dấn thân làm việc này. Điểm đặc biệt của ông chính là ở chỗ mang tiếng nhạc thuần tuý chuyên chở bản sắc Việt, trình diễn bằng các nhạc cụ tây phương, vượt qua giới hạn của các ca từ.

Có người đề nghị dùng danh từ “ca khúc” cho những bản nhạc có lời, và “nhạc phẩm” cho các bản nhạc hoà tấu không lời. Nói một cách nôm na, ca từ có thể giúp mọi người truyền đạt và nhận hiểu được các cảm giác sâu đậm, có khi ứa lệ vì xúc động. Vì tiếng nói, tức ngôn ngữ, mang khá đầy đủ ước lệ, để nói và nghe nhận. Các hiệp định hay thoả ước quan trọng lại cần phải xác minh tường tận, các danh từ còn phải được định nghĩa đầy đủ thêm chi tiết để tránh hiểu lầm. Tiếng nhạc hiển nhiên không đạt được cảm thông sâu sắc như ngôn từ, ví dụ không ai “chuyện trò” hằng ngày bằng âm nhạc cả, vì thiếu các định lệ để hiểu rõ chính xác ý người kia muốn nói gì. Tuy nhiên trong cái thiếu sót lại có cái hay. Khi thưởng thức một bản nhạc giao hưởng, người ta không còn bị giới hạn về ngôn ngữ nữa. Khán giả của nhiều quốc gia khi thưởng thức giàn nhạc giao hưởng có thể nghe lắng tiếng nhạc như nhau, và tuỳ nghi diễn giải theo cảm xúc riêng của chính mình. Đây là lúc các nốt nhạc được thăng hoa thành ngôn ngữ “chung” để truyền đạt và tiếp thu cảm xúc giữa nhạc sĩ và người thưởng ngoạn. Trên vài bình diện nào đó, chúng ta có thể nói các “nhạc phẩm“ (không lời) mang được âm nhạc trở về với sứ mạng nguyên uỷ của nó, là phục vụ cho cái đẹp của chính nó, tức âm nhạc.

Qua công trình miệt mài của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, chúng ta được thổi một luồng gió mới đầy sinh khí. Chúng ta có niềm hi vọng đẹp đẽ vào tương lai, về tiềm lực của Di Sản Việt đóng góp vào văn hoá âm nhạc thế giới.

Nhìn lại nền âm nhạc thế giới hiện nay, có những tiến triển mà chỉ mấy năm trước người ta không thể tưởng tượng tới. Như nhạc Rap của người Da Đen, bây giờ trở nên thông dụng với con số phát hành khổng lồ trong nước Mỹ, rồi lan tràn gây ảnh hưởng qua nhiều quốc gia Âu, Á, Úc khắp nơi. Nhạc Rap lại còn sử dụng các âm thanh biến chế điện tử nên càng được phong phú hoá bằng cách phối khí.

Như vậy xu hướng âm nhạc tân tiến trên thế giới là sử dụng đa chất liệu. Trở về với bản sắc âm nhạc thuần tuý Việt Nam có nghĩa là chúng ta sẽ khai phá cơ hội thăng hoa nhạc Việt, chứ không phải là chỉ đơn thuần trở về với các lối mòn cũ xưa. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người đã giới thiệu âm nhạc dân gian Việt (đơn giản, ngũ cung) trong khung cảnh to rộng hoành tráng đầy màu sắc của dàn nhạc giao hưởng, hoặc bằng tiếng dương cầm thánh thót. Công trình của nhạc sĩ Lê Văn Khoa là đã làm sống dậy tâm hồn, hơi thở, tình cảm của dân tộc qua những âm ba mới mẻ, tinh vi, sâu sắc; có khả năng len lỏi vào các ngõ ngách sâu xa trong tâm thức người thưởng ngoạn.

Nếu nói âm nhạc là một công tác “kế thừa”, thì cũng nên hiểu việc “về nguồn”, với âm giai có sẵn của tiền nhân, cũng chẳng có gì hay ho nếu thiếu sáng tạo. Nhưng nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã biết tiếp thu và sáng tạo. Ông làm mới, ông đánh thức một kho tàng văn hoá tiềm ẩn của nhạc dân gian Việt. Khi nghe Symphony của Lê Văn Khoa do giàn giao hưởng trình tấu, chúng ta lạc vào một vũ khúc tinh diệu với các âm thanh mới lạ quây quyện một “hồn” nhạc rất Việt Nam. Như vậy, thế giới được thưởng thức bản sắc âm nhạc mới mà trước đây họ chưa có dịp nghe qua, và chúng ta được tìm thấy cái hay cái thâm thuý của bản sắc Việt qua phối khí hoàn toàn mới lạ. Từ những nét nhạc dân gian đơn sơ của Việt Nam ông đã phong phú hoá với các nhạc cụ tây phương. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của Lê Văn Khoa:

“Mục đích là tôi muốn dùng những nét nhạc hết sức đơn sơ của Việt Nam mà mình có thể biến hoá để người nước ngoài có thể dùng được. Bằng cách đó, mình đưa nhạc Việt đi xa hơn để hoà vào với dòng nhạc thế giới. Tại sao người ta chơi nhạc Đức, nhạc Nga, nhạc Anh, v.v… mà không chơi nhạc Việt Nam? thành ra tôi tâm nguyện là phải làm sao để đưa nhạc Việt mình cho thế giới biết tới nhạc Việt Nam. Đó cũng là cái ý niệm mà tôi đã có từ trước năm 1975. Trong một buổi nói chuyện với nhạc sư Nguyễn Hữu Ba về vấn đề phổ biến nhạc Việt, ông ta chủ trương nhạc Việt phải chơi bằng nhạc cụ Việt Nam. Tôi thì ngược lại, tôi nói là phải viết cho nhạc cụ Tây phương. Nghe mà người ta cảm thông được thì người ta mới tiếp nhận. Nhờ đó, nhạc sĩ trên thế giới mới chơi được, còn nếu mình chỉ chơi nhạc cổ truyền của mình mà thôi, thì người nào phải học nhạc cổ truyền mới chơi được. Như vậy là tự mình giới hạn mình.”

Sự nghiệp tác phẩm của Lê Văn Khoa to lớn và đáng kể, không chỉ giới hạn ở nhạc phẩm giao hưởng trình tấu. Ông từng viết nhiều ca khúc cho nhi đồng. Tập nhạc “Dân ca Việt Nam”, và “Hát Cho Ngày Mai” gồm 24 ca khúc, với cả nhạc lẫn lời. “Nhạc Việt Mến Yêu” được Lê Văn Khoa viết phần Piano để giới thiệu các nhạc khúc phổ thông cho trẻ nhỏ học đàn.

Một cái hay khác của dòng nhạc Lê Văn Khoa là đã tạo niềm cảm hứng và rung động của nhiều nhạc sĩ thế giới để họ tiếp nhận đầy cảm hứng, để rồi nỗ lực tập luyện và trình diễn các nhạc phẩm của ông. Như vậy các bản nhạc trình diễn là sự rung cảm thực sự từ nhạc sĩ đến nhạc sĩ, mà những người sáng tạo thường trân quý nhau bằng tiếng gọi “tri âm” hay “tri kỷ”. Thí dụ là trong bài Cây Trúc Xinh (The Beautiful Bamboo), điệu dân ca miền Bắc với thang bậc ngũ cung, khi được trình bày qua tiếng đàn Piano của nữ nhạc sĩ Irina Starodub người ta nghe được nét trân trọng và trìu mến. Tuy là người ngoại quốc diễn tấu nhạc dân ca Việt Nam bằng dương cầm, nhưng vẫn giữ được giai điệu của Việt Nam. Irina Starodub cho thấy một sự nhạy cảm hiếm có. Người nghe tưởng chừng như tiếng gió đang đùa bên khóm trúc của quê hương Cần Thơ, quê quán của nhạc sĩ Lê Văn Khoa…

Các tác phẩm của Lê Văn Khoa cũng đang được sử dụng để giảng dạy tại phân khoa Âm nhạc ở một số trường đại học tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Riêng trong lãnh vực nhạc Piano của Lê Văn Khoa, một giáo sư dương cầm của nhạc viện Alexandria tại Ukraine nói, “Tôi thích nhạc của Lê Văn Khoa vì nhạc của ông rất trong sáng, có nhiều chất liệu lý thú để cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp và thính giả khám phá. Nhạc sinh của tôi đã trình diễn nhiều nhạc phẩm của ông.”

Hình: Giáo Sư Lyudmila Chychuck, Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Quốc Gia ở Kiev, Ukraine

Dương cầm thủ quốc tế, Giáo Sư Lyudmila Chychuck, khi viếng Little Saigon đã diễn giảng và biểu diễn nét mới lạ trong dòng nhạc Lê Văn Khoa với khán giả. Cô hiện là giáo sư trường danh tiếng Âu Châu Lysenko Special School, chuyên dạy nhạc sinh trẻ có thiên tư về nhạc và tại Trung Tâm Văn Hóa và Nghệ Thuật Quốc Gia ở Kiev, Ukraine.

Đây là một phát biểu đầy vinh dự cho một nhạc sĩ Việt Nam. Vì bản thân cô Lyudmila Chichuck là một kỳ tài về âm nhạc. Cô học nhạc từ lúc lên 5. Tốt nghiệp National Tchaikowsky Conservatory of Music tại Kiev, thủ đô Ukraine. Những thành tích của cô gồm: 17 tuổi chiếm giải thi sáng tác nhạc thiếu niên toàn quốc, chiếm giải “Người Ðệm Ðàn Xuất Sắc” trong cuộc thi năm 2000 và 2001, Ukraine. Cô đoạt giải thưởng cuộc thi Piano Quốc Tế tại Bordeaux, Pháp, năm 2006. Tham gia đại hội âm nhạc quốc tế Jean Francais tại Paris năm 2008. Cô thu thanh nhạc phim cho các nhà viết nhạc Tây Ban Nha Lucas Vidal và Zakarias Martinez De La Riva. Vì yêu nhạc của Lê Văn Khoa, Lyudmila Chychuk đã thu thanh nhiều nhạc phẩm Piano của ông. Cô cũng đi trình diễn khắp xứ Ukraine và cả Vienna, Austria.

Phân khoa Thanh Nhạc của trường Golden West College tại Quận Cam, California, đã ấn hành và sử dụng để dạy những bài dân ca Việt Nam do Lê Văn khoa viết phần đệm Piano và những câu chú thích bằng tiếng Anh.Các nhạc sinh khi chuẩn bị thi tốt nghiệp thì phải hát một bài trong tập Dân ca này. Đây quả là điều hãnh diện giới thiệu các nhạc sĩ âm nhạc tương lai về nhạc Việt Nam. Các sinh viên của trường cũng từng tổ chức trình diễn các nhạc phẩm này.

Không riêng gì với nhạc, Lê Văn Khoa còn là một khuôn mặt lớn với các thành đạt về nhiếp ảnh, truyền thông, giáo dục và nhiều lãnh vực khác. Tôi có cơ duyên hợp tác với chung với Lê Văn Khoa một thời gian ngắn trong chương trình Truyền Hình Việt Nam vào khoảng 1988, để thấy ông là một người đa tài với đam mê và sáng tạo.

Xin cám ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa với tất cả lòng tri ân và ngưỡng mộ dành cho một người tài hoa, với nhiều công trình dấn thân cho nghệ thuật.

Cát Biển
Oct 2009

Monday, November 16, 2009

Có Phải Em Là

2 comments

Có Phải Em Là

Có phải vì em mà gió lộng
Hay vào trường mộng dấu chim bay
Có phải vì trăng hồ óng ánh
Hay huyền thoại ảnh mắt ta say

Có phải ngàn xưa duyên đã nhụy
Hay từ vô thỉ sóng vây nhau
Có phải chiều nay hoa mới nhú
Hay từ tinh tú sáng phương nào

Có phải vì thương mà nắng đọng
Hay vì bờ rộng gió bao la
Có phải vì thu gieo lá vỡ
Hay vì nhung nhớ bụi sương sa

Có phải vì rung nên biển động
Hay tầng cao vọng tiếng chuông ngân
Có phải là em là cổ tích
Xuyên vùng tịch mịch sáng tương lai


Cát Biển
07 Nov 2009

Hà Thượng Nhân - Đối Thoại Với Cuộc Đời Qua Thi Ca

0 comments


Hà Thượng Nhân - Đối Thoại Với Cuộc Đời Qua Thi Ca

Nhà thơ Hà Thượng Nhân ghé bên dòng suối thi văn để thưởng ngoạn vui chơi và trút trao nổi niềm tâm sự. Trong khi một số văn nghệ sĩ khác thí nghiệm hoặc lao mình vào một số danh từ thời thượng hoặc tìm cái lạ qua những cách ngắt câu bất ngờ hay những cú sốc trong ý tưởng, thơ của Hà Thượng Nhân không câu nệ vào hình thức. Ông đi tìm chiều sâu của tâm hồn. Thi phong của Hà Thượng Nhân có nét sâu kín thầm lắng không phô trương, mang tâm hồn bình dị chân phương.

Qua thơ của ông người đọc thấy dáng dấp của một tâm hồn hiền hòa, đôn hậu, nghiêm túc không đùa cợt với chữ nghỉa. Có nhiều lúc trong thơ ông, người ta bắt gặp một khóe tâm sự hoài mong, chút mặn nồng với nắng mưa kỷ niệm, và thấp thoáng đâu đây bóng dáng của Lảo Tử và Trang Tử đang phất quạt coi nhẹ hiện tại để hướng về một miền tâm linh nào đó xa hơn bên ngoài tinh cầu này. Nhà thơ Hà Thượng Nhân ngân nga và trải dài tiếng lòng của mình với cuộc đời qua thi văn. Nói một cách khác, người thơ Hà Thượng Nhân đang đối thoại với cuộc đời qua thi ca.

Bước vào tuổi hạc, thật khó mà tưởng tượng nỗi ông là tác giả của những dòng thơ man mác với cảm xúc mượt mà, trẻ trung, và tinh diệu. Nét chân phương thanh thoát lồng trong súc tích của ngôn từ. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng lòng qua thơ của ông:

Sắp sửa thu rồi người nhớ không?
Ta về nghe gió thổi đầy sông
Nghe dường mây trắng trong thơ cổ
Phơ phất bay như ngọn cỏ bồng

(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)

Ta về nghe gió thổi đầy sông. Bình dị quá, mà sao man mác vi vu hoang mạc. Lời thơ buông nhẹ như nốt dương cầm buông lơi. Tuy đồng hành với các nhà thơ tiền chiến khác như Hữu Loan, Văn Cao, Hà Thượng Nhân cho thấy ông không bị đóng khung trong các ước lệ về “nét đẹp” và tính lãng mạn của dòng thi ca tiền chiến. Nét đẹp trong ca khúc Thiên Thai đầy tính siêu thực của Văn Cao như:

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào nguyên...


Cho ta thấy một ý niệm đầy ước mộng vượt thoát khỏi hiện tại của thi ca tiền chiến. Tuy cũng vương mang một chút gì hững hờ với thực tại, lời thơ Hà Thượng Nhân khác mới hơn ở những diễn biến nội tâm với chút khắc khoải, hoài niệm; trực thoại hơn là bao bọc bằng lớp vẹt ni bóng loáng:

Cỏ đã vàng theo những bước chân
Môi son đã nhạt vẻ ân cần
Nhìn sâu đáy mắt hồ Than Thở
Tưởng vẫn ngày xưa, vẫn cố nhân
Người cố nhân ư ? Ta muốn hỏi
Ồ ly rượu ấy một mình say
Trong say ta thấy lung linh nắng
Tóc xõa bờ thon chặt nắm tay

(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)

Hình ảnh “cố nhân” ở đây, chính là chút hoài niệm. Một nổi niềm uẩn ức, không trọn vẹn. Có một hố thẵm, một mất mát, hư hao nào đó mà người thơ Hà Thượng Nhân đã không lấp đầy nó được. Giữa hiện tại và quá khứ vẫn còn một giòng sông vô hình chảy qua và chia cắt. Có lẻ người thơ đang muốn mang chúng ta về với quảng đời êm đẹp ngày xưa:

Ta gối tay nằm biết nhớ ai
Nhớ đồng lúa chín, nhớ sông dài ?
Phải rồi, ta nhớ, hình như nhớ
Một mảnh trăng non lá trúc cài

(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)

“Một mảnh trăng non lá trúc cài” nghe như tiếng lòng từ vô thức, mang chúng ta về với giai đoạn thanh bình ngắn ngủi sau khi đất nước chia đôi, trước khi nỗ bùng cuộc binh biến đưa đẩy đến những hoang tàn.
Sau cuộc đổi đời 1975, nhà thơ Hà Thượng Nhân thấm thía tê tái trong hồn với những thương tích cay đắng lê thê trong trại tù cải tạo trên đất Bắc. Từ xứ Mỹ xa cách quê hương ngàn dặm hằng nữa tinh cầu, ông nhớ về thành phố Sài Gòn yêu dấu của kỷ niệm xưa bằng nhừng lời xót xa:

Người ta lên mặt trăng
Mặt trăng gần quá nhỉ!
Anh muốn về Sài Gòn
Sài Gòn xa đến thế!
Sài Gòn xa hơn trăng
Trăng đêm đêm vẫn thấy
Lòng anh, em thấu chăng
Thấm trên từng trang giấy
(Hà Thượng Nhân, Nhìn Trăng)

Hình từ trái: Quốc Nam, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Hà Thượng Nhân (năm 1991)

Như nhịp cầu nối dài các thế hệ sáng tác qua các biến động lịch sử, thơ ông chứa đựng tâm huyết và u uẩn của giới sáng tác thi ca hải ngoại. Phải chăng vì vậy mà ông còn được gọi thêm là Hà Chưởng Môn. Phất phơ tuổi hạc mà ông vẫn ghé bến thơ với những dòng thi văn phong phú, thanh thoát, nhẹ nhàng không câu nệ. Bao nhiêu bài thơ của ông trải ra ngòi bút tự nhiên không gò bó, như nhịp đập con tim, như hơi thở, như cảm xúc nguyên sơ. Đây phải chăng là lý tưởng nho giáo thanh lịch, nhập mà như đã thoát. Ông bay cao bằng đôi cách trí tuệ của tâm hồn thi nhân qua lời thơ của ông:

Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốc
Thơ nâng người cao sát với thần linh


Hà Thượng Nhân sáng tác rất nhiều thơ với nhiều thể loại: lục bát, đường thi thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, song thất lục bát, cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ phá thể... Người viết bài này chỉ muốn phát họa những nét chính yếu đáng kể theo cảm xúc của riêng mình. Hi vọng trong cái thiếu sót của nhãn quan qua “lượng”, người viết nêu lên phần nào nét đặc thù về “phẩm” với dấu ấn của một thi sĩ miền Hà Thượng, mang tên Hà Thượng Nhân.

Cát Biển

Visitors Count

SEO Services

About Me

My email: sn68pbc@yahoo.com -- My Homepage: www.catbien.com