Ðêm Nghe Ðoàn Xe Lửa
Thương chuyến cùng Ba xe lửa khuya
Mường Mán ga đêm chén cháo gà
Ánh mắt dương to nhìn phố lạ
Chợ Bến Thành huyên náo lụa là
Con vẫn cùng Ba những quãng đường
Tay bàn tay nắm ngỏ yêu thương
Những năm bé tí Ba bồng bế
Những chuyến vào thăm trọ học đường
Con nhớ Ba thường dẫn xem phim
Bá Ða đèn quý kẻ đi tìm
Mê mẩn quây quần Ba kể chuyện
Ðường rừng sợ hãi, tếu thêm duyên
Chuyện xử thế nhân, Tam Quốc Chí
Chuyện ngày đi hát, chuyến sang Miên
Cười mãi chuyện dài Thi Nói Láo
Huyền thiên kỳ sử Lẽ Một Ðêm
Giọng ấm lời ca thấm hồn ai
Giải lụa ngân bay điệu ngắn dài
Những ngón tay đàn chiu chắt đuổi
Kìm Tranh Sến Lục tiếng nhặt thai
Ngày đổ Tú Tài con nhớ sâu
Ba ghì vai trẻ bước song đôi
Tâm sự phong trần Ba kể lại
Quảng đời cay đắng kẽ mồ côi
Chuyện của Ba mà như của ai
Bởi đời êm ấm có ngờ đâu
Cha mẹ đắm chìm cơn sử Việt
Hai đàn em dại chớm xanh đầu
Con cả chết đi ngày nhỏ dại
Tây lùng trai tráng bắt vào khu
Mẹ dắt tay bồng con bệnh yếu
Bánh làm mong bán khóc đêm dài
Êm ấm hoà bình tạm ghé chân
Nước nhà thay phế đổi ngôi Quân
Một mái gia đình vang tiếng hát
Những bàn chân đạp máy áo quần
Bơi lội trong tình thương thiết tha
Những lời tâm sự của người cha
Trùm lên sung sướng ngày thi đỗ
Nước mắt hoà chan tận đến nhà
Rồi cảnh quê mình thêm khổ đau
Bom dầy đạn xéo đẩy chia ly
Những cánh tay ôm ngày giã biệt
Người đi tan tác tuổi xuân thì
Khuya nay thức giấc tiếng đoàn xe
Chợt nhớ tàu xưa ấm cháo gà
Lẽ bóng bên trời nơi phố lạ
Có người con vọng nhớ về Cha
Cát Biển
Friday, May 29, 2009
Ðêm Nghe Ðoàn Xe Lửa
Saturday, May 23, 2009
Mường Giang Lời Tự Tình Của Giòng Sông
Giới thiệu tác phẩm “Bình Thuận Quê Hương Một Đời Yêu Dấu”
(Ký Sự Lịch Sử) của Mường Giang
Mường Giang Lời Tự Tình Của Giòng Sông
Cát Biển
Nếu nói kỷ niệm một thời, kỷ niệm một đời, thì trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết phải là quãng đời đã hun đúc nuôi dưỡng cho dòng suối lệ của nhà văn nhà thơ nhà biên khảo Mường Giang với dấu ấn không thể nào lẫn lộn.
Nhắc đến địa danh Phan Thiết Bình Thuận người ta không thể quên các nghệ sĩ được nhiều người mến mộ như Trần Thiện Thanh, Thanh Thuý, Anh Khoa, Mỹ Thể, Phương Đại, Tuấn Vũ, Việt Hùng, Thanh Thuỷ, Trang Mỹ Dung, Nguyễn Hữu Thiết (song ca với Ngọc Cẩm), Hồng Phúc (Đài Pháp Á), Huyền Vũ (thể thao bóng tròn), Ngọc Cảnh, Trường Thanh, Thái Tài, Đức Phương, Bảo Phương v.v...
Đất Phan Thành đã đào tạo rất nhiều nhân sĩ, nhưng một trong những người xứng đáng nhất với danh nghĩa người con yêu của Bình Thuận phải nói là Mường Giang. Con yêu, không phải vì người đó lắm tài nhiều đình đám, một ngôi sao hào nhoáng khiến mọi người ngưỡng mộ. Mà con yêu, vì người ấy đã làm vinh danh xứ sở mình. Con yêu, vì người con ấy biết kính thầy thương bạn, quý trọng công lao tiền nhân, và đốt ngọn đuốc nêu sáng gương cứu nước và giữ nước của cha ông nòi giống. Những người tài hoa đến rồi đi biền biệt, nhưng con yêu sẽ ở lại mãi trong lòng của quê hương, và trong lòng những người yêu quý tha thiết về quê hương.
Bút hiệu Mường Giang đã nói lên tất cả. Nhà văn Hồ Đinh chọn tên con sông Mường Giang ở Phan Thiết để gửi gấm những lời viết đẩm lệ yêu dấu của anh về một quê hương đã mất. Giữa những nghệ danh quen thuộc với chúng ta như Cung Trầm Tưởng, Trầm Tử Thiêng, Hàn Mặc Tử khiến người nghe cố suy tư tìm hiểu, cái tên Mường Giang có một âm vang hiền hoà thân mến êm đềm như số phận dòng sông dịu hiền chảy ngang qua tỉnh lỵ.
Như vậy những bài viết của Mường Giang về những món ăn quê hương, về những kỷ niệm vui buồn tình bạn, về tinh hoa phong tục tập quán, về nổi đau của người lính QLVNCH, về trường Phan Bội Châu đầy ân nghĩa ân tình cùng tình cảm man mác thời áo trắng, và lời thơ đầy huyết lệ của Mường Giang, có phải chăng chính là lời tự tình của một giòng sông. Giòng sông ấy là hình ảnh thân quý nhất cho con người Bình Thuận. Giòng sông chảy qua cây cầu mang bao tâm tình thương mến của con người Bình Thuận về con phố từng cưu mang un đúc mình. Giòng sông ru lời của những lá vông bên công viên Tháp Nước. Giòng sông mang đầy những kỷ niệm yêu dấu một thời, một kiếp người. Mường Giang, từ những ngày mới lớn cắp sách đến trường cho tới cả quãng đời lang bạt làm lính và xa quê, bút hiệu ấy đủ nói lên bao nhiêu lời trìu mến dành cho quê hương.
Phan Thiết Bình Thuận với bao thay đổi từ một tỉnh cuối của miền Trung, thành tỉnh đầu của miền Nam, rồi trở lại là miền Trung, với cát gió với Tháp Chàm với Lầu Ông Hoàng với cánh đồng muối trắng thênh thang với mùa Chà rộ cá và biển xanh sóng vỗ dạt dào lại giàu những chân tình. Bình Thuận có vị Tuần Vũ trẻ tuổi tên Ngô Đình Diệm ra nhậm chức lúc mới 24 tuổi. Bình Thuận là thềm vựa cá kèm với tài nguyên muối trắng vô tận khai thác từ nước biển khiến cho kỹ thuật nước mắm ngày một tinh vi, cung cấp toàn quốc. Bình Thuận có Núi Tà Cú từng được vua ngự và phong là kỳ tích. Ngày nay Bình Thuận sản xuất trái Thanh Long nhiều nhất nước.
Người ta đến với những bài biên khảo phong phú và sâu sắc của Mường Giang (tức Hồ Đinh) với nhiều chi tiết hay ho thi vị, và cuối cùng khép trang sách ngậm ngùi với tấm lòng chung thuỷ của người con Bình Thuận tiếc thương cho một quê hương bị cưỡng chiếm. Tình cảm sâu đậm trong văn phong của anh như chiều cao của ngọn tre đứng thẳng, thiết tha như khói mây chiều, và dạt dào như lá thu rơi theo từng ngọn gió.
Sau buổi tổ chức “Đêm Nhạc Hội 20 Năm Viễn Xứ” thành công ngoài sức mong đợi của Hội Thân Hữu Bình Thuận năm 1995, với sự dìu dắt của anh trưởng ban Tổ Chức Trương Tiến Huân và cô Hội Trưởng Thu Nhi, quỷ của hội THBT từ con số không đã tăng lên thành 8 ngàn đô, hứa hẹn cho những công tác ý nghĩa kế tiếp. Tất cả mọi người trong Ban Chấp Hành và Ban Cố Vấn đều sung sướng và mãn nguyện với những thành quả và hi sinh chung. Những buổi họp của BCH luôn có mặt đông đủ hơn 30 người con tâm huyết của Hội TH BT cùng vui vẻ nhận trách nhiệm thừa hành các công tác. Người ta có thể cảm nhận tình thương và niềm vui chung của Hội với các tiếng cười vang to và lời chào hỏi nhộn nhịp trong các buổi ăn bánh căn nhà Phạm Mừng hoặc mỳ quảng nhà chị Minh Khanh và tiệc thân hữu nhà anh Nguyễn Văn Sâm. Các Đặc San Bình Thuận được thực hiện với nhiều bài vở rất giá trị. Sau những tán thưởng về nhạc cảnh Tiếng Dân Chài, với nhiệt tình đóng góp của Thượng Toạ Thích Quảng Thanh tại chùa Bảo Quang, mọi người náo nức xem một nhạc cảnh nào khác sẽ được Hội thực hiện kế tiếp. Đây cũng là một đòi hỏi càng lúc càng cao cho Hội, nhất là cho người sẽ đạo diễn thực hiện nhạc cảnh đó.
Một trong những bài thơ thi vị nhất của Mường Giang phải nói là bài Phan Thiết Ơi, Phan Thiết đã được nhạc sĩ Nguyên Chi phổ nhạc. Lời ca khúc ray rứt ấy đã vang vọng trong hồn người nghe và thúc đẩy nên sự hình thành của đêm nhạc hội tại vũ trường Majestic năm 1998. Nhạc cảnh Phan Thiết Ơi Phan Thiết với khoảng 20 diễn viên, được nhiều lời khen ngợi như là một điểm son. Nhạc sĩ Nguyên Chi đã hoà lời thơ sâu đậm của Mường Giang vào dòng nhạc tuyệt vời của ông ta.
Một buổi chiều nọ nhạc sĩ Nguyên Chi (tức bác sĩ Nguyễn Lương Chỉ) gọi điện thoại cho tôi hay là ông vừa phổ nhạc xong bài thơ Phan Thiết Ơi, Phan Thiết của anh Mường Giang, và ông kể tôi nghe hôm đọc được bài thơ đó ông đã tràn đầy thi hứng và tạo ngay ý nhạc. Tôi thấy náo nức vì cảm nhân đựợc niềm hạnh phúc của Bs Chỉ khi ông say sưa hát qua điện thoại cho tôi nghe. Những lời thơ của Mường Giang như tiếng chuông ngân của một tấm lòng yêu quê hương chân thành:
Cho ta về bên bờ sông Mường Mán
Gục đầu uống từng ngụm quê hương
Xuôi tay nằm dài trên bãi cạn
Lắng nghe tiếng chim hót kêu sương
Ðể sống lại những ngày còn Phan Thiết
Lầu Ông Hoàng lặng lẽ nhớ người xưa
Ôi nhớ sao tình quê nghe tha thiết
Cho ta đam mê quá khứ phạt phờ
Cho ta về với xóm phường Phan Thiết
Cùng đất trời cuồng loạn những cơn say
Bãi Thương Chánh không còn ai vẫy biệt
Không còn nghe gào thét nổi hờn cay
Cho ta về Bình Hưng xóm chài cô lẻ
Phan bội Châu thời áo trắng học trò
Trong biển mắt chứa chan trời diễm lệ
Trong tim ta réo rắt cả hồn thơ
Hỡi ơi ta đã điên cuồng nhớ
Mơ mộng nên quên nổi đau thương
Ðào khối sầu chôn trong đáy mộ
Phan Thiết ơi còn đó quê hương
(Phan Thiết Ơi, Phan Thiết, thơ Mường Giang, nhạc Nguyên Chi)
Nghe xong ca khúc đó tôi biết mình vừa bắt gặp món ngọc quý đang đi tìm. Thế là tôi bắt tay viết thêm các lời rao đầu, các câu vè, câu hò, lắp vào bài ca phần cuối. Sau 2 tháng tập dượt, cuối cùng nhạc cảnh được hoàn thành. “Phan Thiết Ơi, Phan Thiết” là nhạc cảnh khá công phu, là tiếng yêu tha thiết vang lên tự đáy lòng của người Bình Thuận. Nó là lời đáp đền chung của các người con cùng mang những liên hệ chôn nhao cắt rún với địa danh này. Với sự hỗ trợ và tham dự của nhiều hội đoàn Nam Cali, báo chí và văn nghệ sĩ, Hội TH Bình Thuận đã cống hiến một chương trình văn nghệ mang tính cách văn hoá đặc thù đậm tình quê hương. Các địa danh thân yêu như Hải Long, Thiện Giáo, Hoà Đa, Phan Lý Chàm, Tuy Phong, Phan Rí, Phú Long, Đức Thắng, Đức Nghỉa cùng các món ăn đặc sản địa phương như gỏi cá mai, bánh căn, mì quảng PT, bánh hỏi Phú Long, sò Hải Long, mực Long Hương trong các câu vè được ca tụng như gói ghém các tâm tình và niềm hãnh diện của những người con Bình Thuận. Nhạc cảnh có những lời đặc biệt qua giọng hò Bảo Phương:
Hò ơi...ai về Phan Thiết quê tôi
Nhắn sông Mường Mán chiều ôi nhớ cùng
Hò ơi...mộng về Thương Chánh gió luồn
Gió kia ai ướp để hồn tôi say
Hò ơi...người đi lạc xứ vấn vương
Nhớ về Phan Thiết đôi dòng lệ tuôn
Các hình ảnh kéo lưới, gánh cá, đẩy mái chèo của các ngư phủ mùa Chà trong quần áo nâu đen, khăn rằng quấn cổ, xuyên qua lời ngâm chân tình mát dịu ghi lại được những hình ảnh tuy cực nhọc nhưng đầy sung sướng và hạnh phúc của con người miền biển. Nhắc đến Phan Thiết không thể thiếu màu xanh biển cả và màu cát trắng mịn màng. Các người đẹp của hội TH Bình Thuận thướt tha trong tà áo dài xanh quyến rũ theo các điệu nhạc đã tô điểm cảm giác tươi mát thân yêu cho nhạc cảnh. Ngoài tiết mục chánh đó, đêm nhạc hội còn có sự đóng góp phong phú của Nhật Trường, Mỹ Lan, Mỹ thuý, Thái Tài, Anh Dũng, Bảo Phương v.v...
Nếu nhạc cảnh Tiếng Dân Chài thành công qua tiếng hát của các ca sĩ nổi danh, thì nhạc cảnh Phan Thiết Thiết Ơi Phan Thiết khi được trình diễn tại vũ trường Majestic Nam Cali vào năm 1998 do tiếng hát cây nhà lá vườn như Nguyễn Tư, Mai Minh, Cát Biển, Nguyễn Hưng v.v.. đã được tán thưởng nồng nhiệt của các đồng hương BT đêm đó một cách không ngờ. Đêm đã khuya, màn đã hạ, mọi người khách khác đã rời vũ trường mà các đồng hương vẫn quyến luyến bùi ngùi nắm lấy tay tôi ngỏ lời cảm ơn. Một yếu tố lớn của sự thành công đêm nhạc hội chính là do hứng khởi từ nhạc phẩm “Phan Thiết Thiết Ơi, Phan Thiết”, thơ Mường Giang, nhạc Nguyên Chi.
Mường Giang đã viết, viết rất nhiều. Anh viết như để đền đáp tấm chân tình với quê hương. Từ miền Hạ Uy Di xa xôi bên kia bờ Thái Bình Dương anh luôn góp con tim khối óc bàn tay mình, trong các sinh hoạt văn hoá báo chí của Công Đồng VN hải ngoại. Anh thở theo cùng nhịp đập với con tim của Little Saigon. Anh trọng thầy quý bạn nên mỗi khi thăm viếng bạn bè luôn là cơ hội với những món quà biểu tượng tấm chân tình.
Là một người cùng quê và cùng ý niệm hướng về quê hương, xin gửi lời tri ân với tác giả Mường Giang, một người anh và một người bạn dâng hiến quả tim mình làm đẹp quê hương. Những tác phẩm của Mường Giang, phong phú với nhiều đề tài thể loại khiến cho mọi người không thể nào không thấy ánh sáng chân tình đang chiếu tỏa ra từ một tấm lòng son.
Cát Biển
May 2009
Tuesday, May 5, 2009
Thái Luân và Một Sản Phẩm Kỳ Diệu
Chúng ta hãy hướng về phương Đông và trở về quá khứ thật xa để thưởng thức một công trình có nhiều ý nghĩa.
Nó là một sản phẩm mà ngày nay đã trở thành nhu cầu tối cần thiết của đời sống văn minh. Chính các trang báo, cũng như bất kỳ một quyển sách hay tạp chí nào, đều được in trên nó. Chúng ta dùng nó để gửi những món quà tặng người thân yêu. Các phòng ốc trong nhà được tô điểm bằng nó. Các danh hoạ hay các tác phẩm nghệ thuật đều được in trên nó. Tôn giáo dùng nó để truyền bá những tư tưởng cao thâm. Những hiệp ước quan trọng của thế giới cũng đều được ký trên nó.
"Nó" chính là giấy, một sản phẩm rất cần thiết mà có lẽ chính cả người phát minh ra nó cũng không thể tưởng tượng hết những công dụng lợi ích.
Đi tìm về nguyên thuỷ của những tờ giấy đầu tiên, chúng ta phải ngược về hơn 2000 năm trước với nền văn hoá cổ xưa của Trung Hoa. Khác với địa vị của Trung Hoa ngày nay, vương quốc Trung Hoa từ ngàn xưa đã lừng lẫy dẫn đầu thế giới về văn hoá, kinh tế, và xã hội mải cho đến thế kỹ thứ 16. Đầu thế kỹ thứ 16 các nước Âu Châu mới bắt kịp và vượt trội hơn Trung Hoa với các tiến triển về kỹ thuật và văn hoá.
Theo sử liệu là triều đại của Hậu Đế (Ho Ti), vào những năm khởi đầu của Tây lịch (Tây Lịch dựa trên năm sanh của Đức Chúa Jesus Christ) mà giấy viết đã được phát minh. Hằng mấy trăm năm trước đó, người Tầu đã có tục khắc chữ lên mảng xương hoặc bảng đồng. Họ cũng viết chữ lên thanh trúc, lên lá cây, lên lụa, hoặc lên vải thô... Đối với tất cả vật liệu này chỉ có vải thô là tương đối thực tiễn và tiện lợi nhất để lưu trữ. Tuy nhiên, vào thời này, ngay cả vải vóc cũng rất là hiếm hoi và tốn nhiều công phu mới dệt nên. Một nhân sĩ thời bấy giờ là ông Thái Luân (T'sai Lun) nhận ra sự cần thiết, và ông bỏ nhiều công phu tìm tòi chế biến một loại chất liệu khác để viết chữ tương tự như vải, nhưng thực tiễn và ít tốn kém hơn.
Thái Luân đã chú tâm chế biến loại giấy thô vì ông cần vật liệu để viết chữ. Năm 55 tuổi, sau nhiều cố gắng không đạt được kết quả, một hôm ông dùng vỏ cây dâu giã nát cho nhuyễn, xong trộn thêm với sớ của cây gai, rồi ông bỏ vào nồi đun sôi. Kết quả là một chất đặc sệt có màu ngà trắng, mà khi phết lên khuôn phơi khô thì đông cứng lại thành những "tờ" giấy bồi dầy. Những tờ giấy này có thể được dùng để viết chữ bằng mực lên. Đó cũng chính là những tờ giấy đầu tiên của nhân loại.
Ông đệ trình công trình này lên triều đình Trung Hoa vào năm 105 sau Tây Lịch. Để khen thưởng công lao của ông, vua Hậu Đế ban ông phẩm hàm làm quan của triều đình. Sau đó ông trở thành một vị trọng thần của vua.
Tuy nhiên, nếu công trình của ông quả thật là hữu ích cho nhân loại, Thái Luân lại kém may mắn trong cuộc đời chính trị. Sau khi vua Hậu Đế băng hà, triều đình tấn phong một vị vua mới. Vì sự hiềm khích với một nhân vật khác trong hoàng tộc, gây nên sự nghi kỵ của vị vua mới, ông đã phải uống thuốc độc tự tử năm 118.
Sau khi ông mất đi, các công trình của ông được một đệ tử tiếp nối. Tuy nhiên, những bí quyết làm giấy này mãi hơn 1000 năm sau, tức vào thế kỹ thứ 12, mới bắt đầu được truyền sang Tây Ban Nha năm 1150. Đến thế kỹ thứ 15, khi giấy viết được thịnh hành tại Âu Châu, các nhà máy làm giấy thi nhau được dựng lên với nhiều kỹ thuật ngày một tân kỳ. Giấy thô thì được chế biến bằng những thủ thuật đơn giản. Các loại giấy quý thì dùng các phương thức hoá học phức tạp pha trộn sớ giấy với các hợp chất soda, sulfate hoặc sulfite để tăng vẻ tinh anh và độ bền bỉ của giấy. Nhưng nguyên tắc chính vẫn dựa vào tính chất kết hợp của các tế bào gỗ khi các sớ cây được nghiền nhỏ, phết lên khuôn rồi phơi cho đong khô lại.
Điều đáng chú ý là mãi đến thế kỹ 21 của chúng ta, loài người vẫn không ngừng phát minh chế biến các công dụng mới của giấy. Công ty McDonald đã khởi đầu kỹ nghệ fast food vào thập niên 60 nhờ sáng kiến đựng thức ăn bằng các ly, bao và hộp giấy. Các đại công ty luôn luôn tìm cách hạn chế số lượng giấy khổng lồ mà họ phải đối phó hằng năm. Quý vị luật gia yêu thích giấy "Put it on paper, sir!"... Kỹ nghệ tái-tuần-hoàn (recycling - chế biến hữu dụng lại các sản phẩm đã xài rồi) càng khiến giấy trở nên gần gũi với các nhu cầu hằng ngày của chúng ta hơn. Với sức tưởng tượng vô biên và ngộ nghĩnh của loài người, chắc chắn là chúng ta chưa biết hết các công dụng của giấy, một sản phẩm kỳ diệu đa năng của nhân loại.
Cát Biển
Saturday, May 2, 2009
10 Đôi Mắt Đẹp Nhất Thế Giới
Bất cứ ai đối diện với các mỹ nhân như Aishwarya Rai, Angelina Jolie hay Elizabeth Taylor cũng bị ánh mắt của họ hút hồn, "chết chìm" trong cái nhìn mê hoặc. Dưới đây là 10 đôi mắt đẹp nhất thế giới theo kết quả bình chọn của trang DHM (Ấn Độ):
Aishwarya Rai từng được tạp chí Time bình chọn là 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Cô cũng liên tục lọt vào danh sách những người đẹp nhất thế giới và đôi mắt chính là câu trả lời cho mọi danh hiệu.
Angelina Jolie không chỉ sở hữu một đôi môi gợi cảm, ánh mắt hút hồn của cô cũng khiến cánh mày râu phải chao đảo mỗi khi lỡ nhìn vào đó.
Diễn viên kiêm ca sĩ người Mỹ Lynda Carter từng được trao giải TV Land Award cho vai diễn siêu nhân trong show truyền hình nổi tiếng Wonder Woman năm 2004. Đôi mắt biết nói của cô đã chinh phục không biết bao nhiêu khán giả.
Đôi mắt tím biếc của Elizabeth Taylor quyến rũ bất cứ người nào đối diện.
Đôi mắt ngây thơ của Audrey Herpburn được ví với mắt của một con nai tơ ngơ ngác.
Đôi mắt của cô gái người Afghanistan Sharbat Gula đã tốn không biết bao giấy mực của cánh báo chí. Cô gái mồ côi này lọt vào ống kính máy ảnh của phóng viên chiến trường Steve McCurry khi ở trại tị nạn Pakistan năm 1984. Dư luận xôn xao tìm kiếm và phải đến năm 2002 người ta mới tìm ra danh tính của cô.
MC người Italy Giada De Laurentii có ánh nhìn trìu mến và được khán giả rất ái mộ trong chương trình Everyday Italian.
Cô gái trẻ Kristin Kreuk sở hữu đôi mắt đẹp hút hồn khi vào Lana Lang trong "Thị trấn Smallville".
Sophia Loren có một đôi mắt khiêu khích và gợi cảm.
About Me
- catbien
- My email: sn68pbc@yahoo.com -- My Homepage: www.catbien.com