Khang Thân,
Monday, January 26, 2009
Nhắn Với Khang
Khang Thân,
Thương Lắm Những Dại Khờ
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjgUSU0_VxqRGyiETE-gpYcVJGe6b5m1VQvKt36VxISgdwCAnAg09lruqgTRwJscbTzikDci5Boxg-dGjYkcb3fFeM83LLWHGUrQjPvxvm1HrjK_lGR2jhTPifIrRBrHuP-SZ6j5RuRjTgf/s400/Youth.jpg)
Thương những ngày mộng mơ
Bắn bi và trốn học
Hồ sen đùa tuổi ngọc
Bên sóng biển đọc thơ
Đố vui rồi đánh cờ
cùng bạn thân đàn hát
nằm dài trên biển cát
Dệt ước mộng vu vơ
Vai ba lô cùng bạn
Học đánh morse phất cờ
Gút giây và lữa trại
Trò chơi lớn dọc ngang
Gần xa như tiền kiếp
Như gió thoảng cơn mơ
Cung đàn còn ngân nhịp
Yêu quá những dại khờ
Cát Biển
27 Aug 2008
Saturday, January 24, 2009
Bài Ca Chào Xuân
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi78KTgyjCh2UU1Ma5L0TRXxI5vqhUluWYM9F_nZh-k_jl-JvIkSrPJrLlVJWsPCieyqkhjbB0M4FfhRr1WVs94IhZ9XRFDNl6P9PaozHV9lG1mEHwUKP-PFnKKUqWW1V0dpgkxdHzusYAg/s320/Magnificent+Spring+Girl.jpg)
Bài Ca Chào Xuân
Như Xuân nắng thắm đóa hồng
Lời chim ríu rít tình nồng nhắn trao
Bên hồ rạng những vì sao
Nghe ta nhịp đập dạt dào nhớ nhung
Nhiều đêm tiếng gọi mông lung
Giăng tay níu kéo ngại ngùng - sắc không
Gọi người như gọi bão giông
Nghiêng đời trầm bỗng nặng lòng gió sương
Thà là chấm nhỏ tình thương
Thà là hạt bụi qua đường nhắn trao
Dẫu trời mộng thắm cho nhau
Cũng là mưa lũ hư hao xác hồn
Lòng ai tỏa một đài sen
Ngân vang tiếng thủy tinh len khóe lòng
Giấc mơ tỉnh thức đêm Đông
Xin trôi nhánh diệu về sông kiếp người
Cát Biển
24 Jan 2009
Tuesday, January 6, 2009
Cha Tôi Và Mùa Xuân Yêu Dấu
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgiMI5RlJSBoNIymcurM13YLYupMU2mVcgphv-rjKfL7h27nTvHP6I1gxjdkJVjPYcW841U16dQW0aHV8_eRt1BiWXX-vg1lGhFqNq5u9oySGCCmjiZPPEDki9zCVPny8T1lpVcAruVXzZY/s400/Hoa+Mai.jpg)
Hôm nay mùa Xuân lại sắp về trên xứ sở Hoa Kỳ. Đứa con trẻ dại ngày xưa giờ đã qua khỏi tuổi thanh xuân từ lâu, chợt nhớ về Ba xin ghi lại những dòng ký ức nhạt nhòa pha với giọt ướt nơi mắt.
Con người sống nhiều nhất trong nỗi nhớ là khi mất mát, đau thương, gãy đổ. Nỗi nhớ sâu trong tâm thức có thể được dấy lên từ một tình yêu không tron vẹn nào đó, một thời tuổi ngọc qua đi, một mái ấm gia đình bị tan vỡ, hay một quê hương đã mất. Chỉ khi nào chúng ta tìm bắt lại được bóng dáng hạnh phúc khác thay thế vào chổ trống vắng đau thương ấy thì nỗi nhớ mới nguôi ngoai phần nào. Và lúc ấy con người mới có thể về sống lại cùng với hiện tại.
Mùa Xuân đầu tiên trên đất Mỹ năm 1976 sau những biến đỗi to tát đời mình, tôi tìm được chút giây phút tỉnh lặng ngồi nhớ lại không khí Tết ở quê nhà, thấy tết quê mình sao mà thiêng liêng sao mà ấm cúng thiết tha như thế. Thế là thân xác thì sống trong hiện tại mà hồn thì cứ tưởng nhớ những kỷ niệm đẹp xa xưa. Sau khi tốt nghiệp ra trường ngành Kỹ Sư năm 1980 tôi được việc làm với hảng Exxon Production Research ở Houston TX. Những dịp Tết kế tiếp tôi cùng những đồng hương Việt tị nạn tại thành phố Houston tham dự Xuân Hội Ngộ tại Sharpstown. Tiếng trống lân trong xác pháo tại Hoa Kỳ lại làm tôi chạnh nhớ các buổi múa Rồng và Lân rất rình rang rầm rộ tại quê hương Phan Thiết để rồi lại nhớ quê hương cũ da diết.
Vì một dịp tình cờ tôi có đến Chuà Ông để ngắm nghiá một cách say sưa các chi tiết cuả con Rồng Phan Thiết, dầu không bao giờ tôi đủ can đãm đến quá gần vì sợ. Mình Rồng có cài hằng ngàn chiếc "vẩy" óng ánh. Một dịp nọ, có một trẻ lượm được một chiếc vẫy Rồng, tôi và các bạn tò mò đến ngắm nghiá. Mỗi vẩy Rồng là một miếng gương tròn (cở gương thời ấy dành cho các phụ nữ mang theo để soi mặt). Mặt sau của các vẩy gương Rồng ấy có in tên của ân nhân bảo trợ. Đầu Rồng màu trắng, với nét thanh cao, hùng vĩ, có hai chiếc sừng cong cong khúc khỹu. Mủi Rồng nở nang tròn lớn như sẵn sàng để khè ra lửa, mỗi bên mủi có các râu cong cong. Rồng có chiếc lưỡi đỏ thè dài, với hàng râu cằm toả đều xuống mé dưới miệng, vừa xinh đẹp vừa mang vẻ huyền thoại kỳ bí của một linh vật khiến chúng tôi sờ sợ né xa, không bao giờ "đụng" vào ...
Những ngày tôi còn bé theo xem hội hè đình đám, nghe tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." của đội Rồng Phan Thiết hoặc tiếng trống dòn dả "Cắc cắc tùng..." của các đội Lân chùa Ông hoặc các đội Lân Mặt Xẹp (với tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm tùm...tùng tùng tùng, tùm tùm..." thật đặc biệt và kỳ dị), hay các đội Lân Sài Gòn (có leo cây trụ sắt thật cao và có muá võ) được mời về dự lể Thỉnh Ông, chân tay tôi bổng trở nên bủn rủn, tim hồi hộp, vì bị thu hút mãnh liệt bởi các âm thanh kỳ diệu ấy ... Sau này nghe nói ở thành phố nỗi tiếng nào như New York hoặc Singapore có các con Rồng rất hay và đẹp, tôi đều chú ý xem các hình ảnh để so sánh với con Rồng Phan Thiết. Và vì chưa tìm được các đối tượng đáng kể để mà so sánh nên lòng vẫn cứ còn cưu mang hình ảnh xa xưa...
Những năm sau ngày bầu cử Tổng Thống Việt Nam đầu tiên quê tôi thật thanh bình êm ả làm sao bên mái gia đình thân thương. Tôi nhớ vào khoảng năm 1963 tỉnh Bình Thuận tổ chức diễn tuồng "Hoàng Hoa Thám", có ca nhạc và cả nhạc cảnh "Hòn Vọng Phu", để gây quỷ cứu trợ nạn lụt miền Trung. Đây là một tuồng công phu với sự đóng góp của nhiều người con Bình Thuận. Trong kịch bản Hoàng Hoa Thám do ông Trần Thiện Hải cha của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác, cha tôi đóng vai Đề Thám tức Hoàng Hoa Thám, phấn đấu chống Pháp trong hoàn cảnh bi thương nhất. Chú Tư Hí, chủ tiệm hớt tóc trước rạp Moderne, là 1 quái kiệt, chọc cười nghiêng ngã. Ông thủ vai anh lái dê, với mấy câu than thân trách phận về tật "dê" cố hữu khiến ai cũng cười lăn. Chú Mai Hiếu là một tài tử xi-nê bô trai mũi cao, to lớn, đóng vai quan toàn quyền Pháp, kẽ thù dân tộc. Chú Châu (cảnh sát) đóng vai Trần Quang Ngọc ngực mang thẻ bài, là kẽ bồi Tây chỉ điểm cho giặc, cùng với các chú Thạnh, Võ, Tư Kiên, và nhiều diễn viên khác mà đến nay tôi không thể nào nhớ hết. Cảnh bi hùng nhất là cảnh xử trảm anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Quốc (VNQDĐ). Để làm chiếc đầu người, tôi còn nhớ ba tôi dùng 1 quả đu đủ xanh cạo khắc mặt mủi giống nét người. Giưã ánh đèn sân khấu mờ ảo, chiếc đầu của anh hùng Nguyễn Thái Học rơi rụng trên đoạn đầu đài, vừa hào hùng vừa bi thãm không khác nào số mệnh đau thương chung của dân tộc Việt...Ngoài ra còn có 1 đội vũ công từ Sài Gòn về tham gia. Thuở đó, bên cạnh trường Tiểu Học Đức Nghiả gần nhà chị Ngô Đình Minh Khanh có 1 bải cát lún mà chúng tôi thường ra thả diều. Bải cát đó là nơi tập dợt của đội vũ, vì màn vũ có những cảnh nhảy cao và nâng người quá đầu, nên có té xuống cát lún thì cũng đở đau...
Những ngày tháng ấy, tôi, một cậu bé, chỉ biết mang giử những hình ảnh thân thương đó theo cạnh cuộc đời không bao giờ tưởng tượng được sẽ có dịp bước ra sân khấu để sống lại những hình ảnh dấu yêu ấy mà các cha chú đã đi qua. Rồi cơ duyên đưa đẩy, năm 1995 Hội Thân Hữu Bình Thuận tại Nam Cali tổ chức Đêm Nhạc Hội Bình Thuận 20 Năm Viễn Xứ. Lúc ấy tôi và các anh chị chú bác, những người con Bình Thuận, mới có dịp trình bày tình yêu quê hương mình qua các tiết mục. Và tôi đã dựng lại nhạc cảnh Tiếng Dân Chài cùng với các diễn viên Nguyễn Tư, Tăng Thiện Thanh, Lê Hữu Đức, Nguyễn Văn Hòang, Võ Phương Quang Thụy, Nguyễn Thị Mỹ Hằng và Đinh Thị Thiệp như mình vẫn còn mang lại những hình ảnh xưa về để yêu thương quê cũ. Hạnh phúc làm sao khi được các chú các bác đồng hương tỏ lời yêu thích, nhưng sung sướng nhất đối với tôi là có sự hiện diện của Ba trong hàng ghế đầu ngồi xem say mê thích thú.
Mỗi chuyến về thăm quê Phan Thiết như vậy là để tìm về với những ấm cúng thân yêu của gia đình với gỏi cá mai, cơm gà, mì quảng với những câu chuyện vui và hấp dẫn do cha tôi kể mà mọi người chúng tôi náo nức muốn nghe. Bao năm trường lớn lên, ngoài tính chất nghệ sĩ được hấp thụ từ cha, chúng tôi được Ba kể cho nghe không biết là bao nhiêu chuyện hay. Từ những chuyện đường rừng lạ lùng kỳ hoặc, chuyện ma Bình Thuận kinh dị, những mẩu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm kỳ thú của vương quốc Ba Tư, những chuyện tếu và ý nhị như loạt chuyện Thi Nói Láo đăng trên báo thời bấy giờ, những mẫu chuyện sâu sắc từ quyển "Để Trỡ Thành Một Vĩ Nhân", đến những chuyện Tam Quốc Chí nêu cao cái hay đẹp trong thuật xử thế của người xưa, chúng tôi đã học hỏi không biết bao nhiêu điều qua những mẩu chuyện hấp dẫn từ cha tôi. Chị Nam (tức Hoàng Minh) là một người giỏi về văn thơ, lúc nào cũng yêu đời, hay kể các chuyện vui Sài Gòn, nhất là chuyện các cô nữ sinh Gia Long tinh nghịch, với lối pha trò và điệu bộ rất dí dỏm. Các em Yến và Hà luôn lăng xăng quấn quít bên các anh chị từ xa về để góp tiếng cươì chung. Mỗi dịp các con về, mẹ tôi không bao giờ quên nấu những nồi canh chua thật ngon với đủ thứ cá tươi, giá, rau thơm, ngò, me, bạc hà, và nước cà chua vàng óng ánh đặc sản của Phan Thiết mà chúng tôi không còn được thưỡng thức khi vào Sài Gòn. Hình ảnh nồi canh chua vì vậy in khắc trong trí tôi trỡ thành biểu tượng cho sự hi sinh của người mẹ nói chung và người mẹ Phan Thiết thân yêu của chúng tôi nói riêng.
Mẹ tôi rất khéo về buôn bán với lối giao tình thân mật với các khách hàng của bà. Chỉ một vài năm bán hàng trong chợ, bà đã mở rộng các gian hàng theo số thương vụ gia tăng. Chiều chiều mẹ tôi mua chè đậu xanh cho chúng tôi ăn, đến mùa mãng cầu, xoài, hay măng cụt mẹ tận tụy đem về cùng ăn với đám con. Có lẽ không gì đáng nhớ cho bằng một điều đặc biệt là mỗi khi đi đâu về nhà mẹ tôi đều mang về một chút quà cho con, dầu chỉ là 1 trái ổi, trái quít hay chỉ là một củ khoai. Tôi thích Sài Gòn với nhịp đập của cuộc sống mãnh liệt, mỹ lệ với các thời trang hấp dẫn, và vui tươi với nhiều mục giải trí. Nhưng tôi thương yêu thành phố Phan Thiết bình dị hiền hoà quê tôi bỡi đó là đất của những kỹ niệm thân thương, của những rung động và nhận thức đầu đời.
Cát Biển
About Me
- catbien
- My email: sn68pbc@yahoo.com -- My Homepage: www.catbien.com